Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc gia nhập những tổ chức thương mại toàn cầu, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với hầu hết nền kinh tế chủ đạo đã giúp Việt Nam đạt vị thế “cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng với các đối tác thương mại trên thế giới”. Hiện Việt Nam có nền sản xuất rất đầy đủ, gần như thế giới, nước láng giềng có gì chúng ta có nấy, mặc dù ở trình độ và quy mô khác nhau.
Tuy nhiên, Việt Nam hầu hết là gia công và có tên tuổi, thương hiệu trong việc “gia công” cho các tập đoàn toàn cầu. Hầu hết sản phẩm Made in Viet Nam khi xuất khẩu ra thế giới, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp, mang thương hiệu của các tập đoàn toàn cầu như Nike, Zara, H&M, Lacoste, Columbia Sportswear… kể cả các thương hiệu cao cấp, xa xỉ như LV, Hermes, Prada… cũng gia công tại Việt Nam.
Made in VietNam không có nghĩa là sản phẩm thuộc về Việt Nam, của người Việt Nam, ở đây chỉ thể hiện công đoạn gia công/chế biến/lắp ráp cuối cùng diễn ra trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Và giá trị gia tăng ở lại chỉ là phần “tiền công có được nhờ việc gia công” cho các thương hiệu toàn cầu.
Đã từ rất lâu việc hội nhập toàn cầu giúp tạo ra những sản phẩm toàn cầu, có sự tham gia của nhiều hơn 1 quốc gia/nền kinh tế vào quá trình kiến tạo sản phẩm, trong đó phần giá trị nhất trong cả chuỗi cung ứng không nằm ở khâu sản xuất/gia công mà nằm ở quy trình “kiến tạo nên thương hiệu, thổi linh hồn vào thương hiệu và giá trị gia tăng nhiều nhất của 1 sản phẩm nằm ở thương hiệu”.
Sâm Angela, Alepas được sản xuất tại Mỹ và xuất khẩu trở lại Việt Nam, bán tại thị trường Việt. Vỏ hộp ghi “Made in USA” như một bảo chứng để người tiêu dùng tin tưởng rằng cái gì của Mỹ cũng sẽ tốt. Nhưng bộ óc tạo ra sâm Angela, Alepas lại là người Việt Nam. Công thức, quy trình sản xuất do người Việt thiết lập, nhà máy có thể đặt ở bất cứ đâu, với quy trình sản xuất và công thức đó, nhưng nếu đặt ở Mỹ, việc bán hàng tại Việt Nam có thể sẽ thuận lợi hơn. Hãy tôn vinh trí tuệ của người Việt Nam góp phần tạo ra sản phẩm này, thay vì gia công thuốc/thực phẩm chức năng cho các hãng lớn, người Việt đã chủ đạo tạo ra brand/thương hiệu “Angela, Alipas”. Tác giả là người Việt Nam.
Nike là thương hiệu của Mỹ, không sở hữu bất cứ nhà máy nào. Nike hợp tác với gần 200 nhà máy tại Việt Nam để sản xuất giày cho Nike, theo tiêu chí, tiêu chuẩn của Nike. Những đôi giày được bán toàn cầu, đều ghi “Made in VietNam” và chắc không người tiêu dùng văn minh nào chỉ vì dòng chữ “Made in VietNam” mà cho rằng mình trở nên kém sang trọng hơn khi so sánh với đồ “Made in USA hay Made in Italy”.
Vì sao người tiêu dùng toàn cầu yêu thích giày của Nike? Vì chính Nike, vì chất lượng những sản phẩm của Nike, chứ không vì xuất xứ của sản phẩm đó ở đâu, vì không có bất cứ đôi giày Nike nào sản xuất tại Mỹ cả. Nike chỉ tập trung làm phần cốt lõi và cũng là thế mạnh nhất của họ là thiết kế sản phẩm, marketing và phân phối đến tay người tiêu dùng. Ở khâu thiết kế, đừng hỏi các designer có phải người Mỹ không, vì Nike hay hãng lớn sẽ hợp tác/thuê các nhà thiết kế trên toàn cầu phù hợp nhất với tiêu chí mà họ đưa ra theo từng thời kỳ, phù hợp với tinh thần và bản sắc của Nike.
Và chắc cũng không một chính trị gia/chiến lược gia nào của nước Mỹ hỏi Nike về tỷ lệ nội địa hóa của Nike là bao nhiêu. Nhưng chắc chắn người Mỹ tự hào về Nike - một sản phẩm được sản xuất khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam và được người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới yêu thích.
Apple cũng vậy! Apple không sở hữu bất cứ nhà máy nào. Apple thuê Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) lắp ráp các sản phẩm Apple, hàng vạn linh kiện đến từ mấy chục quốc gia khác nhau được nhập khẩu hội tụ về nhà máy của Foxconn (có thể tại Trung Quốc, có thể tại Việt Nam) và nhà máy của Foxconn sẽ lắp ráp các linh kiện này, tạo ra một sản phẩm Apple hoàn chỉnh. Chắc cũng không một chiến lược gia nào/không một nhà kinh tế học nào đặt câu hỏi tại Mỹ rằng tỷ lệ nội địa hóa của Apple là bao nhiêu.
Vì sao? Vì giá trị gia tăng lớn nhất, niềm tự hào lớn nhất theo tôi không nằm ở phần sản xuất/gia công mà nằm ở linh hồn của sản phẩm - thương hiệu. Người tiêu dùng mua Apple, mua Nike không vì sản phẩm “Made in đâu đó” mà bởi vì đó là Apple, đó là Nike. Đó cũng là giá trị mà FTA mang lại, nhờ có FTA nên ngày càng có thêm nhiều thương hiệu toàn cầu lựa chọn việc gia công sản xuất tại Việt Nam.
Hermes và LV cũng vậy, dù một phần trong số sản phẩm của họ được tạo ra tại Việt Nam. Người tiêu dùng toàn cầu không vì sản phẩm đó có xuất xứ Việt Nam mà không mua nữa chỉ vì “nó kém sang hơn sản phẩm Made in những cường quốc”, vì gần như 100% sản phẩm sẽ tuân thủ bộ quy trình ngặt nghèo để tạo ra được sản phẩm đó, dù tại Việt Nam hay bất cứ đâu, sản phẩm đó vẫn phải tuân thủ 100% quy trình khắt khe nhất, để làm nên tên tuổi của thương hiệu. Người tiêu dùng đủ văn minh để hiểu giá trị một thương hiệu không nằm ở nơi sản xuất ra sản phẩm cho thương hiệu đó. Giá trị một thương hiệu nằm ở chính thương hiệu, như Nike, Adidas, hay Apple, Samsung.
Người tiêu dùng Việt Nam có quyền tự hào về những thương hiệu được khởi nguồn, kiến tạo bởi người Việt, mà Vinfast là một ví dụ điển hình. Vinfast hợp tác với những nhà thiết kế lừng danh nhất thế giới với logo chữ V nổi bật biểu tượng cho Việt Nam, cho sự Vươn lên, cho Victory (chiến thắng) với cụm đèn xe mô phỏng ruộng bậc thang Tây Bắc.
Pininfarina (1 trong 4 studio thiết kế xe cho Vinfast) đã từng thiết kế cho Ferrari, General Motor, Peugeout. Còn Torino Design đã từng thiết kế xe cho BMW, McLaren và Ferrari. Với nhà máy 500 héc ta tại Hải Phòng sử dụng công nghệ và robot tối tân nhất thế giới và nhà máy tại Hà Tĩnh chủ động sản xuất pin cho xe điện để không bị phụ thuộc nguồn cung pin từ bên ngoài, toàn bộ chuỗi cung ứng được chủ động, sở hữu bởi Vinfast, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào “tương lai của sự di chuyển” khi Vinfats không phải “bán một chiếc xe” mà là bán “một thiết bị công nghệ cao có khả năng di chuyển” phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26”.
Tương tự như vậy, Giovanni từ cách đây 16 năm tới nay đã dần hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín, hội tụ những gì được gọi là tinh hoa nhất của ngành dệt may, da giày toàn cầu. Giovanni đã hợp tác với những nhà thiết kế lừng danh, sử dụng nguyên liệu thượng phẩm (bông Mako, bông Supima là tinh hoa của vải, chiếm chỉ 1,5% tổng sản lượng bông toàn cầu với số lượng hãng thời trang sử dụng đếm trên đầu ngón tay, trong đó có Hugo Boss, Giovanni). Đối với sản phẩm từ da, Giovanni tiên phong trong ngành thời trang khi sử dụng cùng một nguồn da tái tạo với các hãng lớn như Chanel, Gucci, Salvatore Ferragamo... góp phần vào nền sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, nền kinh tế tuần hoàn.
Nhật Bản, Hàn Quốc trước đây có thể phát triển thần kỳ chính nhờ vào tinh thần tự tôn dân tộc, ủng hộ các công ty của quốc gia mình. Các sứ quán Hàn Quốc chỉ đi xe Hàn Quốc, sứ quán Mỹ sử dụng xe Ford… Tin tưởng rằng trong tương lai gần, chúng ta cũng sẽ tự hào và kiêu hãnh sử dụng và đồng hành cùng các thương hiệu Việt Nam, như Giovanni, như Vinfast: Xuất khẩu ra thế giới, chinh phục người tiêu dùng thế giới bằng thương hiệu của chính mình, gắn logo của chính mình, mà không chỉ là “gia công cho các tập đoàn nước ngoài”.
Người Việt Nam phải dũng cảm xóa bỏ các rào cản và định kiến do chính người Việt Nam tự dựng lên rằng Việt Nam chỉ gia công, Việt Nam chỉ xuất khẩu thô mà không có thương hiệu. Trái lại, người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể kiến tạo nên “hàng hiệu” bằng thương hiệu Việt, để người Việt “kiêu hãnh sử dụng hàng Việt” góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên toàn cầu, một quốc gia hướng mặt ra đại dương lớn nhất thế giới, tựa lưng vào khối lục địa lớn nhất thế giới, với “mãnh liệt tinh thần Việt Nam” như slogan của Vingroup!