Cập nhập số liệu về tình hình kinh tế-xã hội hết tháng 5 với những phản ảnh khá rõ nét tác động từ đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo tình hình 6 tháng đầu năm. Trong đó, điểm sáng của bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay là kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; lãi suất, tỷ giá ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tháng ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây, tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong mục tiêu dưới 4%.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại, nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong ngắn hạn. Đồng thời, tại báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những rủi ro trong công tác điều hành 6 tháng cuối năm cũng được nhận diện.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm. Động lực tăng trưởng cuối năm được xác định là khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó còn động lực đến từ sự gia tăng đầu tư và mở rộng các hoạt động thương mại… Các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất cần chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, nhất là người lao động bị mất việc làm và lao động tại các khu công nghiệp.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, công tác điều hành của Chính phủ đã có nhiều thay đổi phù hợp với tình hình mới. Các giải pháp trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung vào ba trụ cột chính, gồm ưu tiên chống dịch, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công và mở cửa tạo thông thoáng cho nền kinh tế.
Quan điểm của Chính phủ là từng địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để có các giải pháp thực thiện thành công “mục tiêu kép”, sau đó nghiên cứu đánh giá tác động để nhân rộng trong cả nước. Đơn cử, vụ thu hoạch vải của Bắc Giang rơi vào đúng thời điểm dịch bùng phát mạnh nhưng địa phương này đã chủ động có kế hoạch ứng phó bằng cách xây dựng các vùng vải an toàn; tiêm vaccine cho người trồng vải và lái xe chở hàng đến điểm tiêu thụ; đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo “luồng xanh” để vải thiều nhanh chóng được thông qua các chốt kiểm soát dịch khi đủ thủ tục quy định về phòng, chống dịch… và mở nhiều kênh tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
“Với cách điều hành này, tôi tin là vụ vải của Bắc Giang năm nay sẽ thành công, mở ra hy vọng có những vụ mùa thành công cho nhiều mặt hàng nông sản khác để từ đó đem lại khởi sắc cho cả nền kinh tế. Đó cũng chính là phương châm điều hành từ thực tiễn kiểm nghiệm chính sách vĩ mô. Chính phủ đang thực hiện theo đúng phương châm của chủ nghĩa duy vật biện chứng là lượng đổi thì chất đổi, làm từ những việc nhỏ, thành công ở từng địa phương để nghiên cứu đánh giá tác động của nó rồi mới nhân rộng lên cấp quốc gia”, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều vấn đề quan trọng cũng được Chính phủ xử lý rất nhanh. Như việc quyết định cơ chế nhập khẩu vaccine hay họp đột xuất để giải quyết vướng mắc về nguyên vật liệu cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam nhằm thúc đẩy đầu tư công.