Y tế Hồng Ngọc nói gì về thông tin PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỒNG NGỌC 2 bị đình chỉ?
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 14/5/2021, Sở Y tế Hà Nội vừa có quyết định đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc 2, trực thuộc Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc (tầng 10, Toà nhà 70 tầng Keangnam Hanoi Landmark Tower, khu E6, khu đô thị Cầu Giấy Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm).
Lý do bị đình chỉ là phòng khám chưa đảm bảo công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh nghi nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Sau khi thông tin trên được công bố rộng rãi, trên trang fanpage chính thức (có dấu tích xanh) của bệnh viện này, đã có thông báo về việc ngừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc 2.
Trong thời gian này, tất cả khách hàng có lịch tái khám vui lòng liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cụ thể. Những khách hàng có nhu cầu khám bệnh có thể qua các cơ sở khác thuộc hệ thống Y tế Hồng Ngọc bao gồm, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, số 55 yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội;
Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc Savico - Tầng 3, tòa B, Savico Megamall, 07- 09 Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội; Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc Nguyễn Tuân - Tầng 1, NO2, TNL PLAZA GOLDSEASON, 47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội; Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc Tố Hữu - Tầng 1, HPC Landmark 105, Tố Hữu, La Khê, Hà Đông, Hà Nội; Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc Tây Hồ - Tầng 1, 2 & 3 - Kosmo Tây Hồ, 161 Xuân La, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Tuy nhiên, trên website chính thức của Hồng Ngọc Hospital lại không có bất kỳ thông tin thông báo nào về nội dung tạm dừng khám bệnh, chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc 2. Điều này khiến không ít khách hàng của Hồng Ngọc bất ngờ với việc tiếp cận thông tin.
Ai đứng sau chuỗi Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc?
Từ một phòng khám nhỏ được thành lập năm 2003, đến nay trải qua 18 năm phát triển, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc đã tạo dựng cho mình thương hiệu riêng trong lĩnh vực y tế, thuộc top đầu bệnh viện tư nhân chất lượng tại miền Bắc. Đáp ứng nhu cầu thăm khám ngày càng cao cũng như sự tin tưởng của khách hàng, Bệnh viện Hồng Ngọc đã xây dựng thêm nhiều cơ sở mới, phủ rộng khắp các quận của Hà Nội.
Tính đến hiện tại, Hệ thống Y tế Hồng Ngọc có 7 cơ sở gồm 5 phòng khám vệ tinh và 2 bệnh viện, tọa lạc tại các quận Ba Đình, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc đăng ký lần đầu tại Phòng đăng ký Kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội ngày 12/12/2011, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 18/9/2014.
Địa chỉ trụ sở chính tại B050 - Tầng 1, toà nhà Keangnam, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của Y tế Hồng Ngọc là Buôn bán đồ dùng khác cho gia đình (Bán buôn dụng cụ y tế; nhà thuốc).
Hiện nay, Vốn điều lệ Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc đạt 6,9 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Nguyễn Ngọc Long, SN 1983 (địa chỉ thường trú tại Số 14, Lương Văn Can, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông Long cũng là chủ sở hữu khi năm giữ 100% cổ phần của Y tế Hồng Ngọc.
Được biết, cá nhân ông Long và Y tế Hồng Ngọc ngoài sở hữu hệ thống phòng khám mang tên "Hồng Ngọc" nói trên còn góp vốn vào Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh thành lập Bệnh viện Hồng Ngọc Mỹ Đình (số 8 Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Ở thời điểm tháng 2/2020, An Sinh - Phúc Trường Minh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Y tế Hồng Ngọc nắm giữ 5,33% vốn; ông Nguyễn Ngọc Long (thường trú tại 80B phố Yên Ninh, P. Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội; từng thường trú tại 14 Lương văn Can, P. Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nắm giữ 61,33%; bà Vũ Thị Hồng Tuyết (thường trú tại 14 Lương văn Can, P. Hàng Đào, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) nắm giữ 33,34% vốn.
Tọa lạc tại trung tâm khu vực Mỹ Đình, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh bao gồm 16 tầng nổi và 2 tầng hầm được xây dựng trên diện tích 2,5 ha.
Dự kiến, quy mô và năng lực vận hành của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh (giai đoạn 1) có thể phục vụ nhu cầu điều trị nội trú tới 250 giường và khám chữa cho gần 2000 lượt khám mỗi ngày.
Trước đó, bệnh viện này còn có tên là Bệnh viện An Sinh và vướng không ít lùm xùm về việc xây dựng không giấy phép vào thời điểm năm 2019.