Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo với doanh nghiệp

Bảo Lâm 15:08 29/10/2019

Nghiên cứu của CIEM cho thấy, hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại, việc thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp.

Bức tranh cải thiện môi trường kinh doanh còn điểm "mờ"

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong 4 năm qua, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã liên tục tăng, có những chỉ số tăng vọt về vị trí trên bảng xếp hạng toàn cầu, nhưng các nỗ lực cải cách vẫn “trồi sụt” ở các lĩnh vực khác nhau.

TS Nguyễn Đình Cung nhắc tới hai bảng xếp hạng gần đây nhất vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Theo bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh của WEF, năm 2019, Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67), là nước có tốc độ cải thiện ấn tượng nhất.

Còn theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB, Việt Nam đạt 69,8 điểm trên 100, cao hơn năm ngoái (68,6), nhưng lại tụt một bậc xuống thứ 70 trên 190 nền kinh tế được khảo sát. Theo TS Nguyễn Đình Cung, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực cải cách và quyết liệt thúc đẩy cải cách, nhưng thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều dù điểm số có tăng.

Cụ thể hơn về những nhận định trên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết trong 4 năm qua, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục tăng. Trong đó, các cải cách được ghi nhận tích cực nhất vào năm 2017 với điểm số tăng rất mạnh, nhưng từ năm 2018 và 2019 thì điểm số tăng chậm lại và thứ hạng giảm mỗi năm 1 bậc.

Sau 4 năm, hai lĩnh vực cải thiện vượt trội là tiếp cận điện tăng tăng 69 bậc (từ 96 lên 27), nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 58 bậc (từ 167 lên 109). Ba chỉ số tăng hạng nhờ cải cách gồm tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 1 bậc. Trong đó, khởi sự kinh doanh và giải quyết tranh chấp hợp đồng còn nhiều dư địa cải cách.

Còn 1 chỉ số tăng hạng bởi các nước khác giảm bậc, đó là chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp. “Lĩnh vực này trong nhiều năm không có cải cách, thời gian kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thấp. Trong ASEAN, chỉ số này của Việt Nam chỉ đứng trên Lào”, bà Thảo cho biết.

Ảnh minh họa.

Đặc biệt, có tới 4 chỉ số giảm bậc. Cụ thể, giao dịch qua biên giới giảm 11 bậc, bảo vệ cổ đông thiểu số giảm 10 bậc, đăng ký tài sản giảm 5 bậc, cấp phép xây dựng giảm 1 bậc. Lý giải về việc giảm bậc này, bà Thảo cho biết việc cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất chậm và ngày càng có khoảng cách xa với các nước trong khu vực, mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt. Thậm chí, có những lĩnh vực còn tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp.

Về cấp phép xây dựng, còn có sự khác biệt lớn giữa quy định và thực thi. Theo bà Thảo, mặc dù thứ hạng chỉ số này tương đối tốt, nhưng thời gian cấp phép kéo dài và thực tế vẫn là trở ngại với doanh nghiệp.

Tính chung, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 5 trong ASEAN và còn khoảng cách xa so với Singapore (xếp số 2), Malaysia (12) và Thái Lan (21).Về năng lực cạnh tranh quốc gia theo xếp hạng của WEF, bà Thảo nhận định tuy năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện, thể hiện nỗ lực liên tục gần đây của Chính phủ, nhưng còn nhiều thách thức. Có tới 8/12 trụ cột có thứ hạng thấp hoặc rất thấp.

Các nghiên cứu của CIEM cho thấy môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại. Điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại. Quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới được ban hành đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Cùng một quy định chính sách, nhưng cách thực thi khác nhau, có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thua luôn thuộc về doanh nghiệp. Một số vướng mắc, bất cập kéo dài mà không được xử lý. Thanh tra kiểm tra vẫn là nỗi lo với doanh nghiệp.

Không có cách làm khác thì không thể vượt qua được thử thách

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam có 33 cải cách được WB ghi nhận trong giai đoạn từ 2008 tới nay. Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đã cùng hành động với các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02, Nghị quyết 35 của Chính phủ, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội ban hành…

Nhấn mạnh các kết quả đạt được về cải thiện môi trường kinh doanh, song ông Tuấn cũng cho biết theo đánh giá chung của doanh nghiệp, những lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội. Hai khó khăn chính với doanh nghiệp được kể ra gồm khó tiếp cận thông tin đất đai và thiếu quỹ đất sạch.

Trong khi đó, khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện đã giảm bớt. Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép này đã giảm còn 34%, so với 42% năm trước đó.

Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn quan ngại về thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp”. Có 31% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp, 29% gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, 16% phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết để chính thức hoạt động.

Cũng theo ông Tuấn, tiếp cận điện năng được đánh giá tốt nhưng hạ tầng giao thông còn yếu kém. Cũng có tới 37% doanh nghiệp đánh giá tiếp cận vốn là khó khăn. Trong khi đó, thủ tục hành chính thuế có những cải thiện, 80% doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện các nghĩa vụ thuế, đa số đánh giá quy trình thủ tục thuế dễ làm hơn trước. Ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là một điểm sáng của ngành thuế.

Còn thủ tục hải quan có cải thiện nhưng cần làm tốt hơn kiểm tra chuyên ngành, khi chỉ khoảng 15-27% doanh nghiệp cho biết dễ tuân thủ các thủ tục kiểm tra này. Đặc biệt, theo ông Tuấn, niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp còn thấp. Cải cách tư pháp ở địa phương còn diễn ra chậm chạp. Kết quả khảo sát cho thấy có chưa tới 50% doanh nghiệp cân nhắc sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp.

Đồng tình với báo cáo của đại diện VCCI, TS Nguyễn Đình Cung nói: "Cá nhân tôi từng thỏa mãn với chỉ số khởi sự kinh doanh với vai trò là người tham gia trực tiếp vào việc cải cách chỉ số này, nhưng chúng ta phải tránh tình trạng ta cải thiện so với ta nhưng tụt lại so với thế giới. Như vậy chúng ta sẽ thiếu động lực cải cách, thiếu sự kiểm soát thực chất để có thể thay đổi”.

Hai từ khóa là giảm chi phí, giảm rủi ro và phía sau đó là giảm rào cản, tăng mức an toàn trong hoạt động kinh doanh. Nhưng nhìn vào hoạt động xây dựng luật pháp thì lại có tình trạng một cải cách nhưng lại có hai ba điểm không cải cách khác kéo lại, ví dụ Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn đang có những tranh cãi về việc tăng giờ làm thêm. Việc tăng giờ làm thêm sẽ giúp thị trường lao động linh hoạt hơn, người lao động vẫn có thể tự bảo vệ mình với sự hỗ trợ của nhà nước”, ông Cung nói và cho rằng, điều này cho thấy chúng ta vẫn chưa nhất quán trong các nỗ lực cải cách, các nỗ lực cải cách vẫn “trồi sụt” ở các lĩnh vực.

Cũng theo ông Cung, trong số các chỉ số môi trường kinh doanh, các chỉ số liên quan tới lĩnh vực tư pháp (xử lý tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản) đang là một điểm nghẽn để cải cách thể chế kinh tế thị trường. “Có rất nhiều thách thức mà có những thách thức nếu không có cách làm khác thì không thể vượt qua được”, ông nhận định.

Theo Bảo Lâm/VietQ

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo với doanh nghiệp tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp