Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Bài 8: Chuyện từ vùng sình lầy tới Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn

DOANH NHÂN VN 15:37 21/08/2021

Ít ai biết rằng, tại vùng đất nay là Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn khang trang, hiện đại, trước đây vốn là vùng sình lầy, không có lối vào.

Nhiều người từng nhận định, xây dựng cảng hàng không tại đây là điều viển vông, phi thực tế. Và mọi chuyện đã khác, khi một doanh nghiệp tư nhân mang tên Sun Group vào cuộc.

"Tay mơ" trong lĩnh vực hàng không

Năm 2018, Việt Nam lần đầu tiên có một sân bay quốc tế do tư nhân làm chủ đầu tư – Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Đây cũng là sân bay đầu tiên của Việt Nam từ năm 1975 đến nay được xây mới hoàn toàn, nếu không kể đến sân bay Phú Quốc, xây năm 2012 thay thế cho một sân bay cũ từ thời Pháp thuộc.

Từ đầu những năm 2000, ý tưởng xây sân bay tại Vân Đồn đã được nhen nhóm. Ngày 31/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 786 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”, đưa ra lộ trình cụ thể để phát triển hạ tầng tại đây. Như giai đoạn 2006 – 2010 sẽ hoàn thành cơ bản các công trình then chốt, gồm quy hoạch chi tiết, khởi công và hoàn thành một số hạng mục công trình như sân bay, cảng biển, khu du lịch… Từ 2011-2015 sẽ hoàn thành sân bay giai đoạn I. Tuy nhiên, phải đến năm 2012, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh, quyết tâm xây sân bay tại Vân Đồn mới được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định mạnh mẽ.

Sau một thời gian tìm kiếm, Quảng Ninh đã nhận được khá nhiều đề xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, “nặng ký” nhất phải kể đến Tập đoàn Rockingham (Mỹ) và Joinus Việt (liên doanh với Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc và Posco E&C).

Thế nhưng, câu chuyện phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng trước để hút khách rồi mới xây sân bay, hay xây sân bay trước rồi mới đến các tổ hợp đã khiến các nhà đầu tư “chùn chân”, dự án đi vào bế tắc.

Cái khó lớn nhất của việc xây sân bay Vân Đồn là làm sao chinh phục được vùng sình lầy, không có đường vào, chỉ vịt có thể bơi. Tưởng chừng, ý tưởng này đi vào ngõ cụt, nhưng khi một doanh nghiệp tư nhân là Tập đoàn Sun Group khẳng định, sẽ cùng lúc xây cả sân bay và các dự án phát triển kinh tế tại Vân Đồn thì “lối ra” cho sân bay Vân Đồn đã xuất hiện.

Vào thời điểm quyết định được đưa ra, thông tin này khiến tất cả gần như bị sốc. Bởi Sun Group khi đó vẫn chỉ là “tay mơ” trong lĩnh vực hàng không. Dù rằng, tập đoàn này vốn là doanh nghiệp kinh tế đa ngành, uy tín, năng lực đều thuộc top đầu Việt Nam.

Kỳ tích xuất hiện ở Vân Đồn

Ngay sau khi nhận đầu tư dự án Sân bay quốc tế Vân Đồn, Tập đoàn Sun Group đã bắt tay với các đối tác ngoại như đơn vị thiết kế kiến trúc từ Singapore và đặc biệt là mời được NACO (Netherlands Airport Consultants) để tư vấn về thi công, vận hành, đào tạo đội ngũ CBNV.

Phải nói thêm một chút về NACO. Trên thế giới, NACO được coi là chuyên gia hàng không tại những vùng đất “khó nhằn”.

NACO được thành lập vào năm 1949 bởi TS. Albert Plesman, người sáng lập và là Chủ tịch Hãng hàng không Hoàng gia Hà Lan - Royal Dutch Airlines (KLM). Trước hậu quả của thế chiến thứ 2, Plesman đã nhìn thấy sớm hay muộn thì nhu cầu thiết kế, xây dựng, tái thiết các sân bay ở Hà Lan và nước ngoài sẽ tăng nhanh chóng. Ngành hàng không trở nên quan trọng cho mỗi quốc gia trong việc khôi phục kinh tế sau chiến tranh.

Chính vì thế, ông đã tập hợp một nhóm chuyên gia có khả năng thiết lập được cơ sở hạ tầng cần thiết cho ngành hàng không. Trong những năm đầu tiên, NACO đã ghi dấu với nhiều dự án như tại Indonesia, Ai Cập và Đức.

Danh tiếng của đơn vị này được củng cố khi các chuyên gia NACO đóng vai trò trực tiếp trong phát triển kế hoạch tổng thể sân bay Amsterdam Schipho từ những năm 1950. Khi sân bay này chính thức khai trương năm 1967, NACO là đơn vị duy nhất tham gia vào mọi hoạt động mở rộng sân bay. NACO đã tham gia định hướng cho hơn 600 sân bay trên khắp thế giới. Trong đó, có rất nhiều dự án mang tính bước ngoặt cho cả một nền kinh tế.

Năm 2015, Mexico quyết định sẽ xây dựng một sân bay quốc tế mới gần Mexico City, giữa vùng đầm lầy Texcoco. Sân bay đầu tiên trên thế giới mang “hình con nhện” không có mái nhà thông thường, không có tường thẳng đứng, cũng không có cột theo nghĩa thông thường. Nó sẽ là cửa ngõ tuyệt vời vào Mexico.

Và NACO đã đem kinh nghiệm xây dựng những sân bay “khó nhằn” như thế đến Việt Nam, cùng với trí tuệ, tâm huyết của Sun Group làm đổi thay một vùng sình lầy thành “cửa ngõ giao thương Vùng Đông Bắc”.

“Chúng ta có một đường băng đạt chuẩn quốc tế với hệ thống dẫn đường hiện đại bậc nhất thế giới. Đó thực sự là nỗ lực vượt bậc” - Arjan Kuin, cố vấn cấp cao của NACO kể lại.

Trực tiếp giám sát hoạt động triển khai xây dựng tại sân bay Vân Đồn, bà Romy Berntsen - Quản lý dự án của NACO khẳng định: Đây là sân bay hiện đại nhất Việt Nam, được trang bị đường cất - hạ cánh với hệ thống tiếp cận hạ cánh chuẩn CAT2 ILS hiện đại hàng đầu hiện nay, hệ thống đèn tiếp cận hạ cánh chuẩn CAT2 công nghệ LED.

Nhiều trang thiết bị hiện đại khác cũng được Sun Group đầu tư cho sân bay, để tiết giảm tối đa thời gian đợi chờ làm thủ tục cho du khách, tối đa hóa các trải nghiệm. Có thể kể tới hệ thống khay trả tự động iLane tích hợp với máy soi đa chiều đáp ứng tiêu chuẩn dò chất nổ lỏng Euro Standand 3 do hãng Smith (Đức) sản xuất, tiên tiến nhất khu vực hiện nay, lần đầu tiên được trang bị tại Việt Nam và có thể soi đồng loạt 3 khách cùng lúc. Công nghệ này đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ TSA, với chi phí đầu tư cao hơn 30% so với hệ thống trả khay ở các sân bay đang áp dụng tại Việt Nam. Hay hệ thống ghế ngồi có ổ cắm sạc điện, usb, vô cùng tiện lợi cho du khách, được đánh giá tương đương các sân bay tiên tiến nhất tại Dubai…

Đối tác thiết kế Singapore cũng đem tới cho Vân Đồn hình ảnh một sân bay sinh thái xanh – hiện đại, hài hòa giữa văn hóa bản địa là vẻ đẹp Vịnh di sản Hạ Long với tiêu chuẩn, hình mẫu của một sân bay hiện đại. Hệ thống giải thưởng kiến trúc thế giới Prix Versailles (Pháp) đã trao tặng sân bay Vân Đồn giải thưởng về thiết kế ngoại thất xuất sắc nhất…

Là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT, sân bay quốc tế Vân Đồn sẽ do chính doanh nghiệp trực tiếp vận hành, khai thác thay vì trực thuộc sự quản lý của ACV. Đây cũng là điểm khác biệt của Vân Đồn so với 21 sân bay đang hoạt động trong cả nước.

Vươn tầm thế giới

Ngày 30/12/2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức được khai trương, đi vào hoạt động.

Tham dự lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) hân hoan chúc mừng thành quả của tỉnh Quảng Ninh. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong xã hội hóa đầu tư hạ tầng để đưa Quảng Ninh thành tỉnh đóng góp ngân sách thứ tư của cả nước.

Và chỉ sau gần 2 năm đi vào hoạt động, sân bay Vân Đồn đã mở các chặng bay tới nhiều thị trường trọng điểm trong và ngoài nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…. Liên tục được vinh danh với hàng loạt giải thưởng quốc tế uy tín, ghi tên mình vào bản đồ hàng không thế giới.

Tháng 11/2020, tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) đã vinh danh Sân bay quốc tế Vân Đồn của Việt Nam là “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á - Asia's Leading Regional Airport 2020” và “Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á - Asia's Leading Airport Lounge 2020”.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, WTA vinh danh sân bay quốc tế Vân Đồn trong khuôn khổ giải thưởng được ví như “Oscar” của ngành du lịch này. Trước đó, vào năm 2019, Sân bay quốc tế Vân Đồn cũng đã được World Travel Awards trao tặng 2 giải thưởng “Sân bay mới hàng đầu châu Á 2019” và “Sân bay mới hàng đầu thế giới 2019”.

Bên cạnh đó, sân bay còn nhận được nhiều giải thưởng quan trọng khác như: “Top 5 sân bay có dịch vụ tốt nhất thế giới” năm 2019 trong hệ thống các sân bay mà Vietnam Airlines đang khai thác…

Theo WTA, sân bay Vân Đồn đã thỏa mãn một cách xuất sắc các tiêu chí đánh giá khắt khe về thiết kế tổng thể sân bay; hệ sinh thái xanh, chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng để giành các giải thưởng lớn này.

Cụ thể, là sân bay quốc tế đầu tiên do một tập đoàn tư nhân Việt Nam đầu tư, hoàn thành sau hơn 2 năm thi công xây dựng, Sân bay quốc tế Vân Đồn được xây dựng theo tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787 và Airbus A320. Sân bay có 07 điểm đỗ máy bay và 04 ống lồng phục vụ hành khách di chuyển từ nhà ga lên máy bay. Công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm.

Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Sân bay quốc tế Vân Đồn cho biết, hàng loạt giải thưởng mang tầm quốc tế được trao tặng cho sân bay Vân Đồn là minh chứng cho sự trưởng thành và nỗ lực phát triển của sân bay, giúp sân bay ghi tên mình vào bản đồ hàng không thế giới. Đó cũng là niềm tự hào và động lực để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa, đem tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.

Không chỉ khai thác kinh doanh, trong hơn một năm qua do chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, Sân bay quốc tế Vân Đồn đã trở thành điểm đón các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các nước có dịch về nước và đưa đón chuyên gia, lao động chất lượng cao của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến Việt Nam làm việc. Tất cả các chuyến bay đến – đi từ sân bay Vân Đồn đều được đánh giá an toàn nhờ quy trình phòng dịch đặc biệt.

Từ một kẻ từng bị coi là “tay mơ”, Sun Group đã vươn lên là “ông lớn” trong lĩnh vực hạ tầng hàng không. Sân bay Vân Đồn không chỉ giữ vai trò là 1 trong 3 cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng Đông Bắc mà còn trở thành động lực để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn khác tới Quảng Ninh.

Những giá trị kể trên đã minh chứng cho sức mạnh, ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh tiên phong tiềm tàng của các doanh nghiệp tư nhân Việt khi đã làm tốt những lĩnh vực trước tới nay vốn mặc định chỉ dành cho… doanh nghiệp Nhà nước. Và điều này cũng minh chứng cho năng lực của các doanh nghiệp Việt, họ làm được những dự án tưởng chừng như không tưởng!

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/chuyen-tu-vung-sinh-lay-toi-cang-hang-khong-quoc-te-van-don-36683.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 8: Chuyện từ vùng sình lầy tới Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần