Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bài 10: Hòa Phát - `Vua thép` Đông Nam Á và hành trình vươn ra biển lớn

DOANH NHÂN VN 15:35 21/08/2021

Hòa Phát nằm trong tốp 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Từ Quý 1/2021, tập đoàn này trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á

Những nước đi ở sân chơi thế giới

Cuối tháng 5 vừa rồi, báo chí nước ngoài và trong nước đều rầm rộ đưa tin về việc Tập đoàn Hòa Phát vừa mua được mỏ quặng có trữ lượng hơn 320 triệu tấn tại Úc. Theo đó, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Liên bang Úc đã chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của công ty con tại Úc thuộc Tập đoàn Hòa Phát.

Đây là mỏ quặng nước ngoài đầu tiên được Tập đoàn Hòa Phát "để mắt" tới, sau mỏ quặng đang sở hữu tại Hà Giang, trữ lượng khai thác khoảng 500.000 tấn/năm. Khi đó, giá trị hợp đồng chưa được hai bên tiết lộ theo quy định bảo mật thông tin tuy nhiên, với trữ lượng như vậy, các chuyên gia đều dự đoán đây là một thương vụ lớn thể hiện cho tham vọng của "vua thép" Việt Nam.

Theo thông tin phát đi từ Tập đoàn Hòa Phát, sau khi giao dịch hoàn tất, "vua thép" sẽ là chủ sở hữu dự án quặng sắt Roper Valley với trữ lượng ước tính 320 triệu tấn, cho công suất khai thác khoảng 4 triệu tấn/năm. Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn, tương đương 10 triệu tấn/năm.

Australia là quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới với tổng sản lượng là 900 triệu tấn vào năm 2020 - chiếm khoảng 37,5% tổng sản lượng thế giới. Đất nước này cũng là nơi có trữ lượng quặng sắt thô lớn nhất thế giới, theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ là khoảng 50 tỷ tấn. Vào năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát bắt tay được với Top 4 chủ mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới tại quốc gia này. Cụ thể, thông tin từ Tập đoàn này, bà Vương Ngọc Linh – Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất khẳng định, ngoài chủ mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới Vale (Brazil) hiện là nhà cung cấp thường xuyên của Công ty, Hòa Phát đã thiết lập thêm quan hệ mới với các nhà sản xuất lớn và lâu đời nhất gồm Rio Tinto (sản lượng 329.5 triệu tấn năm), BHP (227 triệu tấn năm), FMG (170 triệu tấn năm), Royhill (55 triệu tấn/năm).

Hiện Hòa Phát nằm trong tốp 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Từ Quý 1/2021, Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á, sở hữu hệ sinh thái sản phẩm thép từ quặng sắt đa dạng nhất.

Sau khi trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, Tập đoàn Hòa Phát đang đặt mục tiêu củng cố vị thế của mình với việc khởi công xây dựng một lò luyện thép mới với số tiền đầu tư là 3,7 tỷ USD vào đầu năm 2022.

Tự tin cạnh tranh với nhiều "ông lớn" trên thế giới

Hồi tháng 6, Tập đoàn Hòa Phát đã công khai tham vọng xuất khẩu các sản phẩm ống thép, tôn mạ sang nhiều các quốc gia Châu Âu, Mỹ, khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á.

Được biết, các nhà máy tôn và ống thép Hòa Phát đã hoạt động với 100% công suất để phục vụ bán hàng trong và ngoài nước. Ngay từ đầu năm 2021, Công ty CP Sản phẩm thép Hòa Phát đã chủ trương tối ưu công suất tất cả các dây chuyền để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường xuất khẩu phục hồi sau đại dịch Covid. Đặc biệt, định hướng phát triển thị trường xuất khẩu được xem là hoạt động kinh doanh trọng yếu trong năm 2021.

Ban lãnh đạo Hòa Phát có thể tự tin xuất khẩu, cạnh tranh với nhiều "ông lớn" trên thế giới bởi theo số liệu từng được công khai trên trang chủ thì trong 5 tháng đầu năm 2021 sản lượng ống thép, tôn mạ của Hòa Phát ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt đạt 334.000 và 123.000 tấn, tương ứng tăng 21% và 270% so với cùng thời điểm năm 2021.

Riêng sản phẩm tôn mạ kẽm và mạ lạnh, tỷ trọng hàng xuất khẩu đóng góp khoảng 45% tổng sản lượng các loại hàng bán ra trong 5 tháng vừa qua. Đối với sản phẩm ống thép, bên cạnh thị phần luôn trên 30% tại thị trường nội địa, hơn 10 năm qua, ống thép Hòa Phát đã xuất khẩu đi hầu hết thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc…

Bên cạnh đó, nhiều nước Âu Mỹ phục hồi sau đại dịch liên tục đặt nhiều đơn hàng từ các sản phẩm này, do đó đây là thời điểm thích hợp để nhắm đến các thị trường mới.

Để có thể phục vụ định hướng trên, tập đoàn đã triển khai một loạt kế hoạch nhằm tạo tiền đề triển khai.

Đầu tiên, vấn đề tự chủ nguyên liệu đầu vào đã được giải quyết khi tập đoàn đã thông báo mua thành công mỏ quặng sắt Roper Valley với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. tại Úc.

Chưa dừng lại ở đó, Hòa Phát cho biết tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Được biết, nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép là than luyện cốc hiện được Hòa Phát nhập khẩu từ nước Úc – thị trường cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới. Do đó, việc mua lại mỏ than với trữ lượng khai thác lớn sẽ giúp tập đoàn tự chủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho các kế hoạch sắp tới, cụ thể là xuất khẩu.

Bước đi trên được nhiều chuyên gia đánh giá cao, trong bối cảnh phần đông nhà máy thép của Việt Nam dựa vào sắt thép vụn để sản xuất. Tuy nhiên, sắt thép vụn hiện nay hạn chế, giá lại tăng, chất lượng kém, chưa kể khó khăn trong vận chuyển. Có thể nói, những doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện, sử dụng sắt thép vụn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.

Theo ước tính của VNDirect thì trung bình giá quặng sắt năm 2022 là 160 USD/tấn, mỏ quặng sắt RVIM tại Úc có thể đóng góp khoảng 4.635 tỷ đồng, tương đương 22,1% lợi nhuận trước thuế của Hòa Phát trong năm tới. Hòa Phát có thể tận dụng việc giá quặng sắt cao kỷ lục và chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với thời điểm năm 2014 để thu lời.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dần chuyển mình tự chủ về vấn đề vận tải nguyên vật liệu. Hòa Phát cũng đã đặt Nhật đóng xong và đưa vào vận hành tàu The Harmony trọng tải 90 nghìn tấn để chuyên chở hàng rời như than, quặng sắt,… Hiện HPG sở hữu 2 tàu có quy mô lớn như vậy, giúp Hòa Phát chủ động trong việc nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như xuất khẩu.

Đây cũng là một phương án mà ban lãnh đạo Hòa Phát tính toán đến để có thể đảm bảo có lượng tàu trong những giai đoạn cao điểm, giảm rủi ro cước tàu khi giá tàu tăng cao. Thực tế từ Tết Nguyên đán đến nay, thị trường rất khan tàu, giá cước tàu Kamsarmax đã tăng gấp đôi. Hòa Phát luôn được biết là doanh nghiệp có lượng chân hàng rất lớn, mỗi năm cần nhập hàng chục triệu tấn nguyên liệu quặng sắt, than, đá vôi, phế liệu…ở trong và ngoài nước để phục vụ sản xuất. Đặt chân vào ngành vận tải biển phục vụ việc chuyên chở hàng hóa sẽ giúp tập đoàn tối ưu được chi phí, làm bàn đạp cho nhiều tham vọng tương lai.

Trong tương lai gần, Hòa Phát sẽ tiếp tục nhắm đến việc giữ vững vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á bằng kế hoạch khởi công lò cao 85 nghìn tỷ đồng (3,7 tỷ USD) vào đầu năm 2022. Điều này cũng nhằm để phục vụ cho việc sản xuất thép cuộn cán nóng, hưởng ứng những nỗ lực của Chính phủ, tránh phục thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Động thái vừa nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần từ Trung Quốc - một trong những cường quốc hàng đầu về sản xuất thép trên thế giới cắt giảm xuất khẩu thép với việc hạn chế về môi trường khắt khe hơn đối với các nhà sản xuất thép của họ.

Hòa Phát đã sản xuất và bán được 1,8 triệu tấn thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng 33% lên 18 nghìn tỷ đồng, doanh thu tăng 31% lên 120 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam là nhà sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, và sản lượng thô tăng 11% vào năm 2020 lên khoảng 19,5 triệu tấn, gấp 3 lần trong vòng 5 năm. Ngành thép vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp và sẽ được hậu thuẫn của Chính phủ trong thời gian sắp tới. Có thể nói rằng, Tập đoàn Hòa Phát đang trong thời điểm vô cùng thuận lợi để vươn tới đỉnh cao trong tương lai.

Những con số ấn tượng về Hòa Phát

Tổng tài sản: 159.808 tỷ đồng (6 tháng/2021)

Doanh thu: 66.900 tỷ đồng (6 tháng/2021)

Lợi nhuận sau thuế: 16.749 tỷ đồng(6 tháng/2021)

Số cán bộ công nhân viên: 25.428 người (2020)

Số nộp ngân sách: 5.200 tỷ đồng (6 tháng/2021)

Hệ thống nhà máy: Hà Nội; Hải Dương; Hưng Yên; Phú Thọ; Hà Giang; Bắc Giang; Thái Bình; Quảng Bình; Đà Nẵng; Quảng Ngãi; Bình Định; Bình Dương; Bình Phước; Long An; TP. Hồ Chí Minh; Đồng Nai

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/hoa-phat-va-tham-vong-vuot-bien-lon-ra-the-gioi--36678.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 10: Hòa Phát - `Vua thép` Đông Nam Á và hành trình vươn ra biển lớn tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần