Đầu tháng 6, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho hay trong ngày 20/5, tại TP HCM bất ngờ xuất hiện một doanh nghiệp có tên CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) được thành lập với vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng. Trụ sở chính tại tầng 46, toà nhà Bitexco Financial Tower, số 2 đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.
Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính. Trong đó, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986), Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật nắm 99,996% vốn tại Auto Investment Group. 0,004% vốn còn lại chia đều cho hai cá nhân khác là bà Nguyễn Thị Diễm Hằng và ông Lưu Thiện Hữu.
Đáng chú ý, đây là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ lớn nhất từ trước đến nay, thậm chí vượt cả vốn điều lệ của 29 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất (đã công bố báo cáo tài chính) đến hết quý I/2021. Mức vốn điều lệ của Auto Investment Group còn vượt xa các ông lớn nhà nước như Tập đoàn PVN, Viettel, VNPT.
Trao đổi với chúng tôi khi ấy, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết số vốn góp lên tới 21,7 tỷ USD đứng tên ông là nguồn lực huy động từ bên ngoài, có thể từ cá nhân, tổ chức, các quỹ đầu tư trên thế giới.
Tuy nhiên, vị CEO khẳng định đây chỉ là số vốn góp chứ vốn vận hành của công ty chỉ cần vài chục tới dưới 200 triệu. Cách thứ nhất để huy động được số vốn trên theo ông Quốc Anh là tự kinh doanh đã tạo ra một khoản tiền. Thứ hai là mong muốn các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam (doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân lớn) "ủng hộ vài tỷ USD là được". Phương án huy động vốn thứ ba được đưa ra là huy động từ các quỹ đầu tư thế giới.
Ông Quốc Anh cho hay số vốn 21,7 tỷ USD vẫn còn "khiêm tốn" do "đất nước mình còn nghèo nên nghe tới con số 21 tỷ USD thì lớn quá". Vậy nhưng, đến đến sáng ngày 18/8 là tròn 90 ngày - hạn cuối để góp vốn theo quy định pháp luật, Auto Investment Group vẫn chưa có động thái gì về số vốn góp nói trên.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, nguồn tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Chúng tôi sẽ chờ hết ngày để nhận thông tin góp vốn như hồ sơ đăng ký. Nếu hết ngày mà doanh nghiệp không thực hiện, chúng tôi thông báo cho người đại diện doanh nghiệp biết để thực hiện các nghĩa vụ về điều chỉnh vốn. Hiện nay, vẫn chưa có động thái gì cả".
Về việc này, theo Luật sư Đặng Bá Kỹ, thành viên Công ty Luật TNJ (Đoàn Luật sư TP HCM), kể từ ngày công ty đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp cho đến hết 90 ngày tiếp theo, cổ đông bắt buộc phải góp đủ số vốn đã cam kết góp.
Sau khi hết thời hạn 90 ngày nêu trên, nếu những cổ đông nào đã cam kết góp vốn nhưng đã không thực góp, sẽ không còn là cổ đông của công ty nữa. Người nào góp chỉ một phần vốn đã đăng ký, cam kết thì chỉ có quyền tương ứng với số tiền thực tế đã góp đó.
Trong thời hạn 30 ngày tiếp theo (sau khi kết thúc 90 ngày nêu trên), công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký lại vốn điêu lệ tương ứng với số vốn đã thực góp. Sau khi kết thúc các mốc thời hạn nêu trên, kể từ đây, vốn điều lệ của CTCP là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán, tức là chỉ bao gồm những loại cổ phần đã được cổ đông thanh toán đầy đủ cho công ty.
Ngay cả khi việc doanh nghiệp không góp đủ vốn như cam kết, thì cũng không đồng nghĩa các cá nhân này sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, mà họ chỉ bị phạt khi không góp đủ số vốn nhưng đã không hề làm thủ tục đăng ký giảm vốn điều lệ trong 30 ngày như đã nêu trên. Có nghĩa rằng, nếu các cá nhân này góp không đủ, nhưng đã làm đúng và đủ thục tục giảm vốn điều lệ, thì cũng không bị phạt.
Nói thêm về siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng, cuối tháng 7, trao đổi với chúng tôi, ông Quốc Anh cho biết đã ra mắt sàn thương mại điện tử USG Community. Trên trang web, sàn này tự giới thiệu là mô hình kinh doanh kết hợp các yếu tố nền tảng công nghệ phối hợp hệ sinh thái toàn cầu dựa trên 5 yếu tố chính gồm nền tảng Automation, Big Data, Block Chain, AI và Replication 5.0 (hệ thống nhân bản).
Sàn thương mại điện tử này đặt mục tiêu giúp khách hàng cá nhân có thể mua hàng hóa trên bất kỳ quốc gia nào một cách dễ dàng và giúp doanh nghiệp cũng có thể bán hàng, tiếp cận đến hơn 3 tỷ khách hàng trên toàn cầu thông qua hệ thống của họ.
Mới nhất, Auto Investment Group đã công bố hàng loạt chính sách ưu đãi đối với các đại diện kinh doanh khi tìm được khách hàng ký kết hợp đồng.
Theo đó, ngoài việc được sử dụng miễn phí gói dịch vụ trên sàn thương mại điện tử USG sau khi đăng ký tham gia, người đại diện kinh doanh được hưởng hoa hồng 20.000 đồng trên mỗi doanh nghiệp họ giới thiệu thành công.
Người đại diện kinh doanh mặc định được hưởng 1% trên tổng giao dịch phát sinh tại khu vực quản lý với tổng tiền cao nhất là 10 tỷ đồng/tháng. Đáng chú ý, người đại diện kinh doanh sẽ được công ty tặng 10.000 cổ phần cổ tức ưu đãi, mệnh giá 25.000 đồng/cp ghi nhận trên hệ thống sàn USG, tức tổng giá trị cổ tức là 250 triệu đồng.
Tuy nhiên, khoản cổ tức này chỉ được phê duyệt chi trả 1% trên tổng cổ phần hàng tháng khi công ty có lãi và người đại diện đạt mức 1.000 doanh nghiệp trở lên tại tỉnh thành mình quản lý.
Họ cũng có thể mua cổ phần của công ty với mức giá giảm 30% trên mức giá 25.000 đồng (tức còn 17.500 đồng/cp) nhưng số lượng cổ phần mua không vượt quá 25 tỷ đồng hoặc 1 triệu USD. Ngoài ra còn có các chính sách về bảo hiểm, phúc lợi khác.