Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng sơn, mặc dù các quy định của hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện đã phần nào bảo đảm tính răn đe và mang tính khả thi trong xử lý, góp phần làm giảm thiểu các hành vi vi phạm trong hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết LPG tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh LPG cạnh tranh không lành mạnh bằng cách chiếm giữ, trao đổi, mua bán các loại chai LPG không thuộc quyền sở hữu gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng tại các huyện, thành phố được 83 vụ (tăng 38 vụ so với cùng kỳ năm 2020).
Đáng chú ý, mặc dù số vụ kiểm tra tăng nhưng số vụ việc vi phạm lại giảm hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2021, qua kiểm tra phát hiện 31 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (giảm gần 45% so với cùng kỳ năm trước). Qua kiểm tra tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 110 triệu đồng.
Các hành vi phạm chủ yếu bao gồm: Không niêm yết giá; niêm yết giá không đúng quy định; Không treo biển hiệu, biểu tượng của đầu mối cung cấp xăng dầu (thương nhân kinh doanh LPG) ký hợp đồng bán LPG chai với cửa hàng bán lẻ xăng dầu; vi phạm an toàn vận chuyển LPG chai; vi phạm lập sổ theo dõi chai LPG bán tại cửa hàng…
Thực tế cho thấy nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, lãnh đạo Cục, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các Đội QLTT trực thuộc đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ kinh doanh. Nhờ đó, số vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng giảm đi đáng kể góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.
Theo lực lượng chức năng, hành vi này trước hết ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, chất lượng của các bình gas bị chiếm dụng khi đã bị cắt tay sách mài vỏ không an toàn, nguy cơ cháy nổ cao.
Các đối tượng san chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Một số cửa hàng kinh doanh LPG không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu theo quy định thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hình thức bốc xếp, bảo quản chai gas LPG; tận dụng nhà ở làm nơi kinh doanh, không có hệ thống kho dự trữ riêng biệt, kinh doanh gas chung với nhiều mặt hàng khác...
Mặt khác, việc đăng ký thông tin hệ thống phân phối với Sở Công Thương của các doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng không thực hiện đầy đủ nên khó khăn trong việc theo dõi, quản lý và là một trong những nguyên nhân gây ra việc cạnh tranh không lành mạnh.
Trước tình hình nói trên, trong thời gian tới Tổng cục Quản lý thị trường cho biết sẽ thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp gồm:
Thứ nhất, quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương và cấp ủy và chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-BCT của Bộ Công Thương và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ.
Thứ hai, tăng cường theo dõi diễn biến thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát và đặc biệt là tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc nổi cộm, phức tạp trong kinh doanh LPG.
Thứ ba, chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ban, ngành tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng khác nhằm xử lý kịp thời những hành vi vi phạm; kiên quyết xóa bỏ tình trạng sang chiết gas trái phép, gây mất an toàn phòng, chống cháy nổ.
Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, ký cam kết cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh LPG.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, doanh nghiệp cũng cần đồng hành với các cơ quan chức năng trong các vấn đề như: Tích cực tham gia các chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật; nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; phát hiện, phản ánh, tố giác kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh LPG; áp dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử công khai có các thông tin về LPG... nhằm kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng cháy nổ mất an toàn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân cũng như tạo sự minh bạch cho cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.