Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Doanh nghiệp khôi phục sản xuất vẫn ngổn ngang nỗi lo

VIETQ 17:13 10/10/2021

Trước tình hình mới hàng loạt các doanh nghiệp đã đi vào khôi phục sản xuất trở lại nhưng còn đó ngổn ngang nỗi lo như nguồn nhân lực, vốn, chuỗi cung ứng hàng hóa chưa thể phục hồi…

Như thiếu oxy để thở

Hơn 4 tháng dịch bệnh với cấp độ giãn cách tăng dần ở TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam khiến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn chồng chất, thậm chí là đóng cửa, rời thị trường. Khi điều kiện bình thường hòa mở lại, thì nhiều ngày nay, người lao động ồ ạt về quê đã cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động cho sản xuất. Tuy nhiên, đó không phải là khó khăn duy nhất hay lớn nhất, bởi doanh nghiệp thực sự đang đứng trước rất nhiều mối lo về vốn, về chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng, về chi phí… khi khôi phục sản xuất kinh doanh vào thời điểm này.

Công ty Việt Thắng Jeans (gọi tắt là Công ty Việt Thắng) là một trong những doanh nghiệp của ngành dệt may khởi động lại sản xuất ngay sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách. Bây giờ, quay trở lại sản xuất, khó khăn đầu tiên là nguyên liệu đầu vào, người lao động đi lại cũng còn khó nên Công ty Việt Thắng đang hoạt động cầm chừng.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Việt Thắng cho biết, một khó khăn lớn mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối đầu là thiếu vốn cho khôi phục sản xuất sau 4 tháng không doanh thu. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho thấy, 40% số doanh nghiệp tạm dừng do dịch và giờ khôi phục lại chỉ còn dòng tiền hoạt động “ít hơn 1 tháng”. Ông Việt ví, doanh nghiệp đang thiếu tiền như chúng ta đang thiếu oxy để thở.

“Hiện nay doanh nghiệp đang khôi phục lại. 4 tháng nay chúng tôi không có doanh thu, đương nhiên là không có lãi và muốn tăng tài sản bảo đảm cũng không có vì doanh nghiệp đã đưa hết tài sản cho ngân hàng rồi. Nhưng lúc đó ngân hàng chỉ thẩm định cho vay 70%- 80% giá trị tài sản thế chấp, có nơi sợ rủi ro chỉ cho vay 50%. Vì vậy chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nâng hạn mức vay, được vay bằng đúng giá trị tài sản bảo đảm để giải quyết khó khăn về dòng tiền” - ông Phạm Văn Việt nói.

Tương tự như vậy, Công ty liên doanh Bột quốc tế cũng thực hiện “3 tại chỗ” chỉ với 45 công nhân trong tổng số 150 công nhân của các phân xưởng. Nhưng rồi công ty này cũng phải ngưng sản xuất vì nguồn cung nguyên liệu đứt gãy, đồng thời đầu ra cho sản phẩm vừa khó vừa tăng chi phí vận chuyển.

Một tuần sau khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 về "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", công ty vẫn chưa sản xuất trở lại vì nhiều lý do. Bà Huỳnh Kim Chi, Giám đốc Công ty liên doanh Bột quốc tế cho biết, nguyên liệu từ nguồn trong và ngoài nước vừa qua đứt đoạn rất nhiều, nên không phải nói khôi phục sản xuất là làm được ngay.

“Giờ tập hợp công nhân, có bao nhiêu thì sản xuất bấy nhiêu. Nhưng lo là bao bì, thùng chứa chưa ai làm, nguyên liệu các bên cung cấp cho công ty cũng chưa đủ, đầu nguyên liệu có thì mới sản xuất được” - bà Huỳnh Kim Chi nói.

Lo ngại đội giá sản phẩm

Không chỉ lo thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mất đầu ra thị trường… doanh nghiệp còn đứng trước nỗi lo lớn là nguy cơ tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh. Giá phí vận chuyển container tăng 4-5 lần so với trước dịch Covid-19 làm tăng giá sản phẩm Việt Nam bán ở nước ngoài, đồng thời làm gia tăng giá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đang phải bố trí lại dây chuyền sản xuất cho đảm bảo giãn cách, thực hiện xét nghiệm cho người lao động theo quy định. Tất cả những chi phí đó đương nhiên sẽ làm cho giá thành của từng sản phẩm tăng lên.

Vừa khôi phục sản xuất, sáng 7/10, Công ty Meet More, chuyên sản xuất cà phê hòa tan, nhận được thông báo của một số nhà cung cấp nguyên vật liệu báo tăng giá thêm 20%. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More chia sẻ, cộng với mức tăng giá 30% của thời điểm bùng dịch, công ty chấp nhận sản xuất không lợi nhuận mà chỉ duy trì để giữ thị trường và khách hàng.

“Giờ giá nguyên liệu tăng vẫn giữ ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, có một số nguyên liệu trước đây chưa tăng thì bây giờ bắt đầu tăng 20%. Giá nguyên liệu cà phê tăng 30-35%, đường tăng nhiều nhất với trên 30%” - ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, trong 4 tháng qua, các doanh nghiệp "3 tại chỗ” đã dùng hết nguồn lực, nhất là nguồn tài chính dự trữ để lo ăn nghỉ cho người lao động và để bù chi phí đầu vào tăng giá nhưng giá sản phẩm thì không tăng.

Khó khăn là vậy, nhưng cộng đồng doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn đang nóng lòng khôi phục sản xuất nhanh nhất có thể.

Đừng để thủ tục gây thêm rào cản

Nhiều DN dự đoán phải mất ít nhất 3-4 tháng để vượt qua những khó khăn hiện tại, với điều kiện giao thông giữa TP HCM và các tỉnh, thành khác trở lại bình thường và mang tính chất thúc đẩy. Bên cạnh đó, cũng cần phải có liệu pháp tinh thần cho DN, người lao động yên tâm hơn.

Theo các DN, hiện TP HCM đã cho người dân có "thẻ xanh" đi lại giữa 4 tỉnh lân cận nhưng vẫn chưa có sự thống nhất trong cách thức tổ chức thực hiện giữa các địa phương. "Tôi đi từ TP. HCM đến nhà máy ở Bình Dương đã bị lực lượng chức năng tại Bình Dương chặn lại vì không có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính.

Trong khi nhà máy đặt ở Bình Dương, thời điểm này rất cần ban lãnh đạo có mặt để chỉ đạo, đôn đốc, lên tinh thần cho anh em và ổn định sản xuất" - tổng giám đốc một DN thực phẩm bức xúc. Theo vị này, DN nào tại TP HCM cũng có nhà máy hoặc văn phòng, đại lý, chi nhánh, nhà cung cấp, nhà mua hàng tại các tỉnh nên nếu việc đi lại còn khó khăn sẽ gây chậm trễ, thậm chí là tổn thất cho DN.

Cũng bức xúc vì việc đi lại giữa thành phố và các tỉnh lân cận còn khó khăn, mới đây, 4 hội ngành hàng lớn của thành phố là Hội Lương thực Thực phẩm, Hội Dệt may thêu đan, Hội Cơ khí - Điện và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ đã gửi văn bản kiến nghị UBND thành phố sửa Văn bản 3252/UBND-ĐT theo hướng giảm chi phí không cần thiết nhằm hỗ trợ thiết thực cho DN.

Cụ thể là cho phép công nhân, chuyên gia khi di chuyển bằng phương cá nhân hoặc bằng xe đưa đón để đến cơ sở sản xuất kinh doanh tại TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An nếu đã tiêm ngừa Covid-19 đủ 2 mũi hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng không áp dụng việc yêu cầu bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (7 ngày/lần) hoặc đã tiêm ngừa Covid-19 mũi 1 được 14 ngày cũng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính. "Việc yêu cầu xét nghiệm Covid-19 định kỳ như vậy là một sự lãng phí rất lớn cho DN, nhất là trong bối cảnh hầu hết DN gặp áp lực rất lớn về tài chính và đang huy động toàn bộ nguồn lực để tái sản xuất" - các hội ngành hàng phản ánh.

Link gốc : https://vietq.vn/doanh-nghiep-khoi-phuc-san-xuat-van-ngon-ngang-noi-lo-d192405.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp khôi phục sản xuất vẫn ngổn ngang nỗi lo tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương