Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Kỳ 3: Đại gia bất động sản làm điện gió: Cú áp phe nghìn tỉ?

KINH TẾ MÔI TRƯỜNG 07:06 23/09/2021

Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm - ông Đỗ Lê Quân đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là tâm huyết hay thực chất chỉ là cú áp phe?

Như đã đề cập trong kỳ trước, theo thông tin trên cổng quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Tài Tâm được thành lập năm 1996 do ông Đỗ Lê Quân, Tổng giám đốc, SN 1974 là đại diện pháp luật.

Công ty TNHH Tài Tâm có ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Trong đó chủ yếu là tư vấn thực hiện các thủ tục xin thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý dự án đầu tư trong các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, năng lượng.

Đến năm 2020, ông Đỗ Lê Quân hướng "con thuyền" Tài Tâm "Nam tiến", sớm có trong tay bộ sưu tập các dự án đầu tư năng lượng tái tạo với hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời tại vùng ven biển các tỉnh Miền Trung, phía Nam... và đặc biệt là vùng núi đồi Tây Nguyên. Các dự án này có tổng mức đầu tư vào khoảng 50.000 tỉ đồng.

Xét về mức độ chiếm diện tích đất, tuổi đời dự án lẫn tổng mức đầu tư, đây đều là những dự án rất lớn, đầy tham vọng. Sắp tới, khi các dự án bước vào giai đoạn triển khai, bên cạnh nguồn lực đi vay từ các tổ chức tín dụng trong, ngoài nước, thì lượng vốn tự có mà các chủ đầu tư phải chuẩn bị sẽ lên tới cả chục nghìn tỉ đồng.

Đơn cử, nhà máy điện gió Tài Tâm – tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (công suất 50 MW) có tổng vốn đầu tư 1.800 tỉ đồng. Cơ cấu vốn cho dự án gồm 20% vốn tự có tương đương 360 tỉ đồng, 80% là vốn vay tương đương 1.440 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, dự kiến nghiệm thu đưa vào vận hành tháng 11/2021.

Nhà máy điện gió Hoàng Hải – tại xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, do Công ty TNHH MTV ĐT Năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị có công suất 50 MW, tổng mức đầu tư 1.700 tỉ đồng (chủ đầu tư góp 340 tỉ đồng, còn lại 1.360 tỉ đồng là đi vay). Dự kiến nghiệm thu vận hành tháng 10/2021, thời hạn hoạt động 50 năm.

Nhà máy điện gió Hưng Bắc (tại xã Thanh, A Xing, A Túc, và Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có công suất 89,6 MW, tổng mức đầu tư 3.566 tỉ đồng.

Nhà máy điện gió Phương Bắc – Trà Vinh 1 (tương ứng với vị trí V3-5) tại xã ngoài khơi xã Tường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với công suất 300 MW, tổng mức đầu tư dự án là 15.931 tỉ đồng.

Nhà máy điện gió Thạnh Phú tại xã An Điền, An Nhơn, An Quy, Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (công suất 120 MW), có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 4.996 tỉ đồng, trong đó 80% là vốn vay nước ngoài với lãi suất vay 4%/năm trong 12 năm.

Nhà máy điện gió Viên An tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có công suất 201,6 MW, tổng mức đầu tư dự án là 7.296 tỉ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư là 20% vốn tự có, còn lại là vốn vay (lãi suất 10,5%/năm).

3 dự án điện gió Đắk N’Drung (1,2,3) tại huyện Đăk Song, Đắk Nông (mỗi dự án có công suất 100 MW) dự kiến tháng 11/2021 đưa dự án vào hoạt động. Tổng mức đầu tư của cả 3 nhà máy là 10.500 tỉ đồng. Theo tính toán giả thiết ban đầu, 20% tổng vốn là vốn tự có của chủ sở hữu, 80% còn lại là vốn vay (với lãi suất 10%, thời hạn 10 năm)...

Đa phần các dự án nêu trên đều đã được chấp thuận vào quy hoạch điện lực quốc gia năm 2020 vừa qua (quy hoạch điện VII điều chỉnh). Áp lực vốn sẽ không còn là vấn đề nếu chủ đầu tư kịp sang nhượng dự án dưới các hình thức khác nhau ngay khi hồ sơ pháp lý dự án được thông qua.

Nhưng, giới thạo tin cho rằng, tính sơ bộ các dự án điện gió mà Công ty TNHH Tài Tâm đầu tư phát triển đã có tổng mức đầu tư lên đến hơn 50.000 tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra là ông Đỗ Lê Quân lấy tiền ở đâu để đầu tư, khi mà báo cáo tài chính của Công ty TNHH Tài Tâm không thể hiện được số vốn đảm bảo.

Theo các quy định của pháp luật về vốn trong đầu tư các dự án điện gió, để được cấp phép chủ trương đầu tư dự án, chủ đầu tư buộc phải đảm bảo mức vốn góp 30% trên tổng mức đầu tư dự án đối với những dự án có công suất dưới 50 MW và 15% đối với những dự án có công suất lớn hơn.

Trong khi đó, báo cáo tài chính của Công ty TNHH Tài Tâm năm 2020, cơ cấu tài sản tập trung chính vào tài sản dài hạn, trong đó có 3 khoản mục lớn bao gồm: Tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang và đầu tư vào công ty con và công ty liên kết.

Khoản xây dựng cơ bản dở dang treo từ năm 2018 đến 2020 là hơn 120 tỉ đồng. Liên doanh liên kết năm 2018 có thực hiện đầu tư hơn 200 tỉ đồng, nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn 126 tỉ đồng.

Có thể thấy, dù cho tham vọng lớn thì thực tế năng lực tài chính của Công ty TNHH Tài Tâm khó có thể đồng loạt thực hiện các dự án điện gió nêu trên. Đặc biệt, khi các dự án bước vào giai đoạn triển khai đồng loạt, liệu rằng năng lực của Công ty TNHH Tài Tâm có đảm bảo?

Dư luận hẳn có lý do khi dành cho ông Đỗ Lê Quân, một chuyên gia về lĩnh vực môi giới bất động sản, sự hình dung về một vụ áp phe điện gió nghìn tỉ trong tương lai. Giới thạo tin sẵn sàng đánh cược việc sang nhượng dự án cho các nhà đầu tư khác sớm muộn sẽ xảy ra, một khi đã hoàn tất thủ tục.

Điều gì khiến dư luận tin tưởng như vậy? Cùng lật ngược trở lại hành trình hơn 20 năm lập nghiệp của ông Đỗ Lê Quân trước khi bước vào lĩnh vực điện gió.

Sau những năm hoạt động trong Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tháng 6/2020, ông Đỗ Lê Quân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm đã chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Ông Đỗ Lê Quân còn tham gia góp vốn sáng lập và đại diện theo pháp luật cho Công ty cổ phần Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đăng ký trụ sở chính tại số 57 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Đỗ Lê Quân có được sự tín nhiệm này. Có thể khẳng định, lĩnh vực tư vấn, môi giới bất động sản đã tạo uy tín lớn cho ông Đỗ Lê Quân. Việc đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo không làm giảm đi của ông Đỗ Lê Quân và Công ty TNHH Tài Tâm sở trường, uy tín ấy.

Với sự hiện diện và sẵn sàng vào cuộc khi có cơ hội của các nhà đầu tư ngoại đối với thị trường năng lượng tái tạo, nhất là đối tác đến từ Trung Quốc, trên những khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng như ven biển miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc…, thực sự vẫn cần thêm những lời cảnh báo.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp thiết thực để sớm ngăn chặn những vụ áp phe nghìn tỉ đối với các dự án điện gió có thể xảy ra, ngay từ trứng nước, trước khi sự việc để lại những hậu quả nghiêm trọng khôn lường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này.

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/ky-3-dai-gia-bat-dong-san-lam-dien-gio-cu-ap-phe-nghin-ti-59675.html

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 3: Đại gia bất động sản làm điện gió: Cú áp phe nghìn tỉ? tại chuyên mục Kinh tế địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh tế địa phương