"Đường đua" đến dự án T3 không chỉ có 1 ứng viên là ACV
Dự án xây mới nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và ACV triển khai từ tháng 3-2019 nhằm giải quyết tính trạng quá tải về nhà ga hành khách (vượt công suất thiết kế 1,5 lần từ năm 2017). Dự án ban đầu tưởng chỉ gặp những khó khăn về pháp lý khi ACV, dù có vốn nhà nước chi phối 95,4% nhưng đã là công ty cổ phần nên buộc phải tham gia đấu thầu dự án có tổng trị giá khoảng 10.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trước áp lực cấp thiết về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng hàng không, trong khi sân bay Long Thành (Đồng Nai) đến 2025 mới có thể đi vào hoạt động nên Bộ GTVT đề nghị Chính phủ đưa dự án nhà ga T3 vào danh mục dự án cấp bách và giao cho ACV thực hiện bằng vốn đầu tư của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn ngân sách.
Sau đó, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (nơi giữ quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước thay Bộ GTVT tại ACV) cũng đã có văn bản gửi Chính phủ, thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT cho phép ACV được chỉ định làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ga T3, do có năng lực, kinh nghiệm về phát triển hạ tầng sân bay, có năng lực tài chính dồi dào.
Đồng thời, ACV cam kết đảm bảo tiến độ sẽ đưa T3 vào hoạt động từ năm 2022, nếu được giao làm dự án từ năm 2020 (tiến độ thực hiện dự án là 37 tháng kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư).
Hiện nay, tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về vốn, nhân lực, lên kế hoạch tổng thể, chi tiết từng hạng mục của nhà ga hành khách T3, Tân Sơn Nhất, chỉ chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là triển khai.
Trước đó, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng chỉ định ACV là nhà đầu tư dự án trên diện tích sàn xây dựng khoảng 110.000m2, với công suất 20 triệu hành khách/năm và tổng vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án nhà ga T3 sau khi thực hiện rà soát là giảm 440 tỉ đồng so với đề xuất ban đầu và được huy động từ vốn góp của ACV. ACV cho hay việc đầu Dự án là khả thi về mặt kinh tế - xã hội. Trong khi đó, theo Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn xem xét chủ trương đầu tư, sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án là có thể chấp nhận được.
“Nếu được Thủ tướng chấp thuận, ACV sẽ nỗ lực tối đa và cam kết triển khai dự án nhanh tối đa có thể. Tình thế đã rất cấp bách rồi”, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay.
Tuy nhiên, "đường đua" đến dự án T3 tưởng chừng như chỉ có một ứng cử viên duy nhất là ACV. Vừa qua, Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo do Tổng giám đốc công ty Phạm Trịnh Phương ký, cho biết: Vị trí xây dựng nhà ga 20 triệu khách theo quy hoạch mới nhất của Bộ GTVT là khu đất 16,37 héc ta hiện là đất quốc phòng, tiếp giáp và chồng lấn với khu đất 10 héc ta mà Quân chủng Phòng không - Không quân đã bàn giao cho doanh nghệp này từ 10 năm nay. Vietstar đã và đang chuẩn bị đầu tư nhà ga T3 lưỡng dụng (dành cho dân sự và quân sự) theo quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ GTVT đã được phê duyệt từ 2015.
Văn bản này cho rằng, việc Bộ KHĐT kiến nghị cho ACV làm chủ đầu tư dự án mà không xem xét đến dự án của Vietstar đã được các bộ ngành trung ương thẩm định hồi tháng 9-2016 gây hoang mang cho doanh nghiệp. Lý do là Vietstar đã theo đuổi và tốn nhiều chi phí thực hiện dự án trong các năm qua.
Thậm chí, theo Tổng giám đốc Vietstar Phạm Trịnh Phương, Vietstar đã đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án nhà ga hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt công suất 9,8 triệu lượt khách/năm với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng.
Không quy hoạch nhà ga lưỡng dụng trong sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 31-1-2020, Bộ GTVT đã có văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký, trả lời Vietstar rằng, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất được Chính phủ phê duyệt năm 2015 không có nhà ga hàng không lưỡng dụng và quy hoạch mới điều chỉnh năm 2018 cũng không có nhà ga lưỡng dụng như doanh nghiệp đề cập.
Trong quyết định này, phần nhà ga hành khách chỉ xác định cải tạo, mở rộng các nhà ga hành khách đạt công suất 25 triệu hành khách/năm.
Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư T3 lưỡng dụng của Vietstar nằm trên phạm vi đất quốc phòng trước đây không nằm trong quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt năm 2015 nên đề nghị doanh nghiệp làm việc lại với Bộ Quốc phòng về vấn đề này.
Cũng theo Bộ GTVT, dự kiến đến năm 2025, CHK quốc tế Long Thành mới được đưa vào khai thác. Trong khi đó, năm 2016 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã bắt đầu khai thác vượt công suất thiết kế.
Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu đề xuất phương án mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của tư vấn nước ngoài (Công ty Tư vấn ADPi của Cộng hòa Pháp), Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo và đồng ý lựa chọn phương án do công ty này đề xuất.
Cụ thể, thực hiện điều chỉnh quy hoạch mở rộng, đầu tư, xây dựng mới một nhà ga hành khách hiện đại, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía Nam để đáp ứng yêu cầu phục vụ đạt 20 triệu hành khách/năm, nâng công suất khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, đảm bảo tối thiểu đạt 50 triệu hành khách/năm.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ