Trong thông báo gửi Sở Xây dựng: CĐT khẳng định dự án không được thế chấp
Liên quan đến câu chuyện người dân tại Dự án Smile Trung Yên Building (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) đợi chờ "mòn mỏi" mà chưa được cấp sổ hồng do Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên (Công ty Trung Yên) đã thế chấp dự án cho ngân hàng, được biết, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai số 01/2016/QSDĐ/TY/HĐTC ký ngày 17/05/2016 tại địa chỉ ô đất số 19.NO Khu đô thị mới Bắc Đại Kim mở rộng, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CB 888272 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cấp ngày 20/04/2016 cho công ty Trung Yên.
Hợp đồng thế chấp động sản, quyền tài sản được ký ngày 17/05/2016 và hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai cũng được chủ đầu tư ký vào ngày 25/09/2017.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong thông báo số 017/CV-TY-2017 ngày 13/01/2017 chủ đầu tư gửi Sở Xây dựng lại khẳng định dự án không được thế chấp tại bất kỳ tổ chức tín dụng, cá nhân nào.
Tại cuộc làm việc giữa Reatimes với Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội vừa qua, Đại diện Thanh tra Sở rất bất ngờ trước những thông tin của dự án này khi đang thế chấp với phía ngân hàng.
Thế chấp dự án cho ngân hàng chính là lý do vì sao Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên vẫn chưa cấp được sổ hồng cho cư dân Chung cư Smile Trung Yên sau hơn một năm vào ở. Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân tại đây luôn sống trong tình trạng lo âu và tự bơi trong vô vọng.
Sau 2 năm bán nhà mới hoàn thiện thủ tục giải chấp?
Theo công văn số 440/VCB.BĐI của ngân hàng Vietcombank thông báo việc giải chấp tài sản tại ô đất số 19. NO, Khu đô thị mới Bắc Đại Kim mở rộng, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trung Yên đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng theo hợp đồng tín dụng số 01/2016/TY/HĐTD ngày 6/5/2016.
Do đó, ngân hàng chấp nhận đề nghị giải chấp toàn bộ tài sản, quyền tài sản thuộc dự án “Xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ cục cảnh sát kinh tế - Bộ Công an" (chung cư Smile Trung Yên Building).
Về phía chủ đầu tư Smile Trung Yên Building - Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên (Công ty Trung Yên) cũng cho biết đơn vị này đã hoàn thành xong thủ tục giải chấp dự án Smile Building (số 2 Nguyễn Cảnh Dị, Hoàng Mai, Hà Nội) với ngân hàng và đang tiến hành hỗ trợ khách hàng làm sổ đỏ. Như vậy, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về tính pháp lý của dự án cũng như quyền sở hữu căn hộ của mình.
Như vậy, hợp đồng mua bán với khách hàng đã kí vào năm 2017, vậy mà năm 2019 chủ đầu tư chung cư Smile Trung Yên Building mới hoàn thành xong thủ tục giải chấp.
Căn cứ vào Điều 147 – Luật Nhà ở 2014, số 65/2014/QH13, Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.
Trao đổi về vấn đề pháp lý trong câu chuyện này, Luật sư Hồ Diên Trung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã chia sẻ với Thương Hiệu & Công Luận rằng trong trường hợp Công ty Trung Yên được Ngân hàng và người mua nhà đồng ý về việc bán tài sản đang thế chấp, Công ty Trung Yên phải làm thủ tục giải chấp tài sản trước khi bán hoặc người mua kế thừa nghĩa vụ thế chấp với ngân hàng.
"Trường hợp Công ty Trung Yên cố tình giấu thông in hoặc đưa thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý của tài sản dẫn đến người mua bị hiểu nhầm, Công ty Trung Yên còn có thể vi phạm quy định của Luật quảng cáo, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,..." - ông Trung cho hay.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ