CĐT Smile Trung Yên Building: Chưa giải chấp đã bán dự án
Dự án Smile Trung Yên Building (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên (Công ty Trung Yên) đã bàn giao và đi vào hoạt động 1 năm nay.
Dự án Smile Building đã được ký kết vào cuối năm 2017. Cần phải nói là khách hàng cũng đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán 95% giá trị tiền mua căn hộ theo đúng tiến độ thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán và được bàn giao căn hộ theo thông báo. Thế nhưng cư dân sinh sống tại đây cũng không biết đến khi nào mình mới có thể sở hữu được căn nhà mà do chính mình bỏ tiền ra mua, khi đợi chờ mòn mỏi mà chưa được cấp sổ hồng.
Smile Trung Yên Building (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội). |
Được biết, chung cư Smile Trung Yên Building là dự án Xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an tại ô đất số 19.NO, 20.BT Khu đô thị mới Bắc Đại Kim mở rộng, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Theo nội dung đơn thư của cư dân tòa nhà gửi tới các cơ quan báo chí, người dân đã ký Hợp đồng mua bán với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên. Theo các cư dân ở đây, họ đã vào ở từ tháng 4/2019 nhưng không khác gì ở "chui" trong chính căn hộ của mình vì không nhận được sổ đỏ, không được Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên giải quyết thắc mắc, không được hỗ trợ thêm bất kỳ thông tin gì,…
Theo thông tin phóng viên nắm được, đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên vẫn chưa cấp được sổ hồng cho cư dân Chung cư Smile Trung Yên sau hơn một năm vào ở. Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân tại đây luôn sống trong tình trạng lo âu và tự bơi trong vô vọng.
Bán nhà năm 2017, nhưng năm 2019 mới giải chấp
Tại sao lại như vậy? Theo căn cứ thông tin tín dụng trên hệ thống thông tin tín dụng quốc gia CIC, hệ thống công chứng UCHI tính đến nay, người dân tòa chung cư được biết, tòa nhà ở Smile Trung Yên Building bị thế chấp làm tài sản bảo đảm tính đến 28/7/2019 cho khoản vay 139 tỷ đồng cho Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Ba Đình. Đó chính là nguyên nhân thời gian qua, chủ đầu tư không thể hoàn tất thủ tục cấp sổ đỏ cho cư dân.
Đến tận tháng 12/2019, đại diện chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên (Công ty Trung Yên) mới ra thông báo, đơn vị này đã hoàn thành xong thủ tục giải chấp dự án Smile Trung Yên Building với ngân hàng và đang tiến hành hỗ trợ khách hàng làm sổ.
Như vậy, hợp đồng mua bán với khách hàng đã kí vào năm 2017, vậy mà năm 2019 chủ đầu tư chung cư Smile Trung Yên Building mới hoàn thành xong thủ tục giải chấp. Trao đổi về vấn đề pháp lý trong câu chuyện này, Luật sư Hồ Diên Trung, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã chia sẻ với Thương Hiệu & Công Luận như sau: "Trường hợp Công ty Trung Yên đang thế chấp tài sản cho Ngân hàng (chưa giải chấp) mà tự ý mang tài sản đó bán cho người mua là vi phạm quy định của Bộ luật dân sự, Luật nhà ở, chưa nói đến việc vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán với người mua, hợp đồng thế chấp với ngân hàng.
Ngoài ra, trường hợp Công ty Trung Yên cố tình giấu thông in hoặc đưa thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý của tài sản dẫn đến người mua bị hiểu nhầm, Công ty Trung Yên còn có thể vi phạm quy định của Luật quảng cáo, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,..."
Ông Trung cho hay, trong trường hợp Công ty Trung Yên được Ngân hàng và người mua nhà đồng ý về việc bán tài sản đang thế chấp, Công ty Trung Yên phải làm thủ tục giải chấp tài sản trước khi bán hoặc người mua kế thừa nghĩa vụ thế chấp với ngân hàng.
Tuy nhiên, chủ đầu tư khi đã cố tình bán tài sản đang thế chấp thường sẽ giấu thông tin, không để người mua biết về tình trạng tài sản đang bị thế chấp.
Trước đó, luật sư Nguyễn Anh, Công ty luật L&P cũng cho hay việc chủ đầu tư (CĐT) dự án chung cư Smile Trung Yên Building chưa giải chấp dự án hay từng căn hộ mà đã thực hiện bán là sai.
Vì tài sản đó phải là tài sản không nằm trong tình trạng thế chấp, thì mới được bán cho khách hàng. Nó được quy định trong Điều 147, Luật Nhà ở năm 2014 - Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong trường hợp CĐT thế chấp dự án đó cho ngân hàng, nếu CĐT không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ lãi, nợ gốc và nợ vay đối với ngân hàng thì ngân hàng có quyền xử lý toàn bộ tài sản mà CĐT thế chấp trong dự án đó. Điều đó có nghĩa nếu CĐT có vấn đề trong việc trả nợ lãi và nợ vay thì ngân hàng có quyền siết nợ bằng chính những căn hộ mà khách hàng mua của CĐT.
Điều đó có nghĩa là tiền thì vẫn mất, nhưng nhà không phải là của mình. Trong trường hợp, CĐT làm ăn thất bại không trả được nợ cho ngân hàng thì ngôi nhà của khách hàng đã mua cùng phần tiền khách đã trả sẽ bị mất.
Nếu dự án đã bị thế chấp thì quyền của khách hàng sẽ không được đảm bảo, chỉ có quyền CĐT bồi thường thiệt hại, còn quyền sở hữu sở hữu căn hộ sẽ không có. Vì quyền sở hữu căn hộ đang bị bủa vây bởi ngân hàng, căn hộ đã bị thế chấp. Mà tất cả tài sản đều đã liệt kê hết, bao gồm tài sản pháp nhân và tài sản của dự án.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ