Báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cho thấy, năm 2019 lợi nhuận tăng 47% thì nợ xấu cũng điều chỉnh tăng so với đầu kỳ.
Thu nhập lãi thuần năm 2019 của Vietbank đạt 1.216 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2018. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng khá tới 218% lên mức 48 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận mức tăng 436%, đạt 7,5 tỷ đồng. Mua bán chứng khoán đầu tư tăng 64%, lên 310 tỷ đồng. Hoạt động khác đạt 162 tỷ đồng, tăng 57%.
Nợ xấu của Vietbank tăng cao |
Đổi lại, chi phí hoạt động của Vietbank cũng tăng gần 20%, chiếm 1.051 tỷ đồng. Sau khi trừ hơn 80 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, Vietbank đạt lãi ròng hơn 470 tỷ đồng, tăng 47% so năm 2018. Riêng quý 4/2019 lợi nhuận sau thuế đóng góp 129 tỷ đồng, tăng 80%.
Tại thời điểm cuối năm 2019, cho vay khách hàng của Vietbank đạt mức 40.918,7 tỷ đồng, tăng 15,28% so với đầu kỳ. Tiền gửi khách hàng tăng mạnh hơn với 24%, đạt mức 49.446 tỷ đồng.
Trong đó, nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm cuối năm 2019 của Vietbank tăng 21,5%, lên mức 539 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,25% của năm 2018 lên 1,32%.
Đáng nói, các khoản lãi phí phải thu tăng vọt tới 84%, lên mức 1.647 tỷ đồng. Vietbank vẫn là ngân hàng có vốn điều lệ thấp chỉ 4.190 tỷ đồng.
Trong năm 2019, nhân viên ngân hàng Vietbank tăng thêm 379 người, lên mức 2.300 người. Tương ứng mức chi phí cho nhân viên tăng 37%, từ 414 tỷ lên 566,7 tỷ đồng, trong đó lương và phụ cấp chiếm 441 tỷ đồng (cùng kỳ 331 tỷ đồng).
Rung lắc ở thượng tầng - tập đoàn Hoa Lâm
Bà Trần Thị Lâm hiện là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm ngoài việc sở hữu một phần tòa nhà Lim Tower 1, (9-11 Tôn Đức Thắng), hiện tập đoàn này đang sở hữu tòa nhà Lim Tower 2 (ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Võ Văn Tần, Q3), tòa nhà VietBank, Kingdom 101 tại 334 Tô Hiến Thành, khu dân cư 2-3-4 phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), dự án văn phòng kết hợp khu thương mại căn hộ 1,6ha nằm liền kề khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi và khu du lịch làng Chài ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm) khởi nghiệp từ năm 1993 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Nhất Nguyên - sáng lập bởi vợ chồng ông Dương Ngọc Hoà và bà Trần Thị Lâm.
Ông Hòa từng là Giám đốc Hoa Lâm, hiện nay vợ ông - bà Trần Thị Lâm là người đứng đầu Tập đoàn.
Năm 2004, Công ty Cổ phần Ô tô – Xe máy Hoa Lâm chuyển đổi sang tên mới: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm, đồng thời thành lập liên doanh Hoa Lâm – Kymco chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh xe tay ga thương hiệu Kymco.
Năm 2006, Hoa Lâm bắt đầu tham gia thị trường tài chính khi đầu tư số vốn lớn tại Ngân hàng Việt Nam Thương tín. Và cho đến thời điểm này, Hoa Lâm là 'xương sống gắn liền với Vietbank.
Trong khi đó, diễn biến mới nhất cho thấy, tập đoàn Hoa Lâm đang dính phải nhiều 'vận đen' đeo bám liên tiếp thời gian gần đây.
Theo Sở KHĐT TP.HCM, hiện cơ quan này đã có báo cáo UBND TP.HCM các vấn đề liên quan đến dự án này, đồng thời đã tham mưu UBND TP.HCM giao Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra việc thực hiện tại dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao của Công ty Hoa Lâm - Shangrila theo đúng quy định.
Về dự án Khu y tế Kỹ thuật cao, theo tài liệu PV có được, để phát triển một khu y tế kỹ thuật cao, ngày 10/8/1999, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 4525/QĐ-UB-NC chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu y tế kỹ thuật cao tại huyện Bình Chánh.
Tiếp đó, Kiến trúc sư trưởng Thành phố có Quyết định số 4417/KTST-ĐB2 ngày 19/4/2000 duyệt quy hoạch chia lô Khu Trung tâm Y tế kỹ thuật cao 42,5 ha chia làm 6 phân khu với quy mô 1.200 giường bệnh: Khu trung tâm 2,55 ha; các khu điều trị 16,01 ha; Khu đào tạo và nghiên cứu 2,5 ha; khu hành chính, dịch vụ 2,27 ha; khu kỹ thuật nghiệp vụ 2,08 ha; khu xử lý kỹ thuật và phụ trợ 1,1 ha; đất công viên cây xanh 4,29 ha, đất giao thông và bến đỗ 10,7 ha.
Đến tháng 5/2001, UBND TP.HCM có Quyết định số 42/2001/QĐ-UB về một số chính sách khuyến khích đầu tư Khu y tế kỹ thuật cao, như đóng tiền thuê đất một lần là 20 USD/m2/50 năm, tiền bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật tương đương 0,20 USD/m2/năm…
Sau đó, theo đề nghị của UBND TP.HCM, ngày 21/6/2008, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 925/TTg-KGVX gửi các bộ và UBND TP.HCM về việc đồng ý với đề nghị của UBND TP.HCM về việc cho phép Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm và Shangri-la Healthcare Investment Pte.Ltd hợp tác thành lập doanh nghiệp để đầu tư và khai thác Khu y tế kỹ thuật cao. Theo đó, dự án này hoạt động trong thời gian 69 năm, được hưởng các chính sách về khuyến khích xã hội hóa và ưu đãi đầu tư.
Văn bản của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND TP.HCM có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành để chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng dự án, trình duyệt theo quy định, thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định.
Ngày 10/7/2008, UBND Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 4110222000279 chứng nhận Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm góp 30% và Shangri-La Healthcare góp 70% để thành lập Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm - Shangri-La với vốn điều lệ gần 407,65 tỷ đồng (24,2 triệu USD) và tổng vốn đầu tư 6.746 tỷ đồng.
Đến ngày 26/12/2008, UBND TP.HCM có quyết định số 5637/QĐ-UBND về duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu y tế kỹ thuật cao tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Một năm sau, UBND TP.HCM có Quyết định số 5748/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 về điều chỉnh, bổ sung Quyết định 5637/QĐ-UBND.
Theo đó, diện tích toàn khu là 422.961 m2 gồm: Khu đất chức năng (224.197 m2); đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án (48.916 m2); đất trường học (14.977 m2); đất cây xanh thể dục thể thao (35.623 m2); đất giao thông (76.615 m2); đất công trình hạ tầng kỹ thuật (22.633 m2).
Đáng lưu ý, 4 lô đất với diện tích 73.275 m2 gồm, Lô PT1 - “Trung tâm hội nghị, triển lãm về y tế, giải trí, mua sắm, ăn uống và chăm sóc nâng cao sức khỏe, nhà nghỉ phục vụ lưu trú ngắn hạn và dài hạn cho bệnh nhân và thân nhân” - 24.359 m2; đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án tại các Lô D1 - 24.636 m2, Lô D2 - 12.327 m2, Lô D3 - 11.953 m2.
Trong Khu y tế kỹ thuật cao đã có 3 dự án cho Trung tâm mua sắm Aeon Bình Tân và hai dự án về nhà ở. Đối với Lô PT1 (24.359 m2) và Lô D1 (24.636 m2) đã được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư 41112000109 ngày 19/6/2014 cho dự án Trung tâm mua sắm Aeon Bình Tân.
Đối với đất nhà ở, căn hộ phục vụ dự án Lô D2 - 12.327 m2 và Lô D3 - 11.953 m2 được chủ đầu tư góp vốn bằng quyền sử dụng đất và chủ đầu tư đã chuyển nhượng hết vốn góp cho doanh nghiệp khác. Hiện nay, Tập đoàn Hoa Lâm này hiện vẫn đang còn loay hoay đề nghị sửa mục tiêu dự án “nhà ở, căn hộ phục vụ dự án” chuyển thành “khu nhà ở, căn hộ” (ưu tiên bán cho bác sỹ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu y tế kỹ thuật cao).
Tuy nhiên từ năm 2019, báo chí có phản ánh “Khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của Dự án Khu Y tế Kỹ thuật cao” của Tập đoàn Hoa Lâm được phê duyệt là đất quy hoạch y tế nhưng chủ đầu tư đã biến thành dự án nhà ở thương mại. Hàng loạt đơn vị môi giới đặt cọc giữ chỗ với khách hàng. Dự án lúc đó được rao bán rầm rộ trên thị trường với tên gọi Aio City, quy mô 4 block chung cư cao 28 tầng (khoảng 2.107 căn hộ), giá trên dưới 40 triệu đồng/m2.
"Dính" pháp luật
Viện Kiểm sát quân sự trung ương vừa hoàn tất cáo trạng truy tố cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và 7 bị can liên quan đến vụ sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM).
Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị can: Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo, Trần Trọng Tuấn (phó giám đốc công ty Hải Thành) bị truy tố về tội "vi phạm quy định về quản lý đất đai"; Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan bị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, các khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 (tổng cộng hơn 7.300m2) đường Tôn Đức Thắng có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng hải quân (QCHQ).
Ngày 13-3-2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ đã họp và nhất trí phương án hợp tác kinh doanh các khu đất trên và giao cho chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo trực tiếp chỉ đạo.
Theo đó, Công ty Hải Thành phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất, tổ chức thực hiện hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất này, nhưng bảo đảm đúng quy định của pháp luật và có lợi cho quân chủng.
Đầu tháng 10-2006, Thành ủy, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương để lại toàn bộ tiền sử dụng đất cho Bộ tư lệnh Hải quân để chi phí giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng doanh trại hoặc cơ sở phúc lợi cho các đơn vị của hải quân.
Quá trình thực hiện, các bị can Bùi Như Thiềm (nguyên trưởng phòng kinh tế QCHQ), Bùi Văn Nga (nguyên giám đốc Công ty Hải Thành), Đoàn Mạnh Thảo (nguyên trưởng phòng tài chính QCHQ) đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh QCHQ và trực tiếp thực hiện các phương án chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất trên từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế trái quy định về quản lý đất đai.
Cụ thể, mặc dù QCHQ chưa có báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhưng Thiềm, Thảo đã trình Thường vụ Đảng ủy QCHQ xin ý kiến để ký các hợp đồng liên doanh liên kết xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trong thời hạn từ 45-49 năm, với mức khoán từ 4,5-5 USD/tháng/m2 trong suốt thời hạn liên doanh.
Ông Nguyễn Văn Hiến (khi đó là tư lệnh QCHQ) đã ký nhiều văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 khu đất vào hợp tác kinh doanh, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê.
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhất trí về chủ trương nhưng chỉ đạo: "Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất". Tuy nhiên, với sai phạm của các bị can, cả 3 lô đất này đều đã rơi vào tay tư nhân.
Tại lô đất số 2, tháng 7-2006, ông Hiến ký quyết định giao cho Công ty Hải Thành sử dụng vào mục đích hợp tác liên doanh làm kinh tế với Công ty Cảnh Hưng để thành lập Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành với vốn điều lệ 15 triệu USD (Công ty Hải Thành 10%, Công ty Cảnh Hưng 90%) trong thời hạn 49 năm.
Tháng 11-2007, Đoàn Mạnh Thảo ký báo cáo giải trình về 3 phương án cho Công ty Cảnh Hưng thuê khu đất số 2 gửi các ủy viên Thường vụ Đảng ủy, thủ trưởng Bộ tư lệnh Hải quân... Thường vụ Đảng ủy QCHQ họp phiên mở rộng đã nhất trí theo phương án "chuyển sang hình thức liên doanh góp vốn".
Sau đó, ngày 17-12-2007, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị khu đất số 2 là 187 tỉ đồng để Công ty Hải Thành nộp vào ngân sách nhà nước khi khu đất làm dự án.
Bị can Thảo đã trình cho ông Hiến ký các văn bản gửi UBND TP.HCM xin được ghi thu, ghi chi tiền sử dụng khu đất số 2 với nội dung: "Việc nộp số tiền chuyển quyền sử dụng khu đất số 2 là 187 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước là rất khó khăn đối với kinh phí của Bộ tư lệnh Hải quân và Công ty Hải Thành.
Đề nghị UBND TP.HCM xem xét giải quyết cho ghi thu, ghi chi số tiền này vào thẳng tài khoản của QCHQ, sau đó QCHQ sẽ chi cho Công ty Hải Thành để tạo một phần vốn đầu tư dự án.
Khi dự án đi vào hoạt động, Bộ tư lệnh Hải quân chỉ đạo Công ty Hải Thành chuyển toàn bộ tiền thu được về Bộ tư lệnh sử dụng theo đúng quy định của Nhà nước".
Từ văn bản trên, UBND TP.HCM đã trình Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính thống nhất đồng ý.
Ngày 21-5-2008, các bên ký hợp đồng góp vốn, xác định giá trị góp vốn của Công ty Hải Thành là 187 tỉ đồng bằng giá trị quyền sử dụng khu đất số 2 với thời hạn 49 năm.
Hiện tại Công ty Cảnh Hưng Hải Thành đã xây dựng tòa nhà 27 tầng nổi, 4 tầng hầm, và đã hoàn thiện 9 tầng đang cho thuê làm văn phòng.
Đồng thời, Công ty Cảnh Hưng đã bán hết cổ phần cho một số đối tác (chiếm 90% giá trị vốn góp). Thế nhưng đến nay, Công ty Hải Thành chưa nộp về QCHQ số tiền sử dụng đất 187 tỉ đồng.
Tương tự, lô đất tại địa chỉ số 9-11 Tôn Đức Thắng vốn được Bộ Quốc phòng giao cho Công ty Hải Thành quản lý.
Công ty Hải Thành đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Mai Anh thực hiện dự án xây dựng cao ốc đa chức năng tại đây với thời hạn 49 năm.
Để thực hiện dự án, hai bên ký hợp đồng liên doanh, thành lập Công ty TNHH Mai Thành, vốn điều lệ 15 triệu USD (Công ty Hải Thành 10% và Công ty Mai Anh góp 90%).
Công ty Mai Anh bảo đảm thanh toán cho Công ty Hải Thành một khoản thu nhập ổn định hằng năm không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty liên doanh là 115.032 USD/năm.
Khi liên doanh đi vào hoạt động thì khoản thu nhập này do công ty liên doanh thanh toán cho Công ty Hải Thành. Giá trị quyền sử dụng đất khu đất số 9-11 Tôn Đức Thắng do UBND TP.HCM phê duyệt là 248 tỉ đồng.
Cũng với cách thức như trên, số tiền sử dụng đất này được chuyển cho QCHQ sử dụng. Ngày 8-9-2008, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất số 9-11 Tôn Đức Thắng cho Công ty Hải Thành, mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn sử dụng 50 năm.
Ngay sau đó, Công ty Hải Thành và Công ty Mai Anh ký phụ lục sửa đổi hợp đồng liên doanh, xác định vốn điều lệ của công ty liên doanh là 510 tỉ đồng, Công ty Hải Thành góp 248 tỉ bằng giá trị quyền sử dụng đất khu đất, tương ứng 48,64% với thời hạn 50 năm, Công ty Mai Anh góp 261 tỉ đồng, tương ứng 51,36%.
Theo đề nghị của Công ty Hải Thành, ngày 28-11-2013, UBND TP.HCM cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Hải Thành sang Công ty TNHH Mai Thành. Sau khi liên doanh đi vào hoạt động, đến tháng 12-2009, các bên ký điều lệ Công ty TNHH Mai Thành sửa đổi, xác định vốn điều lệ công ty liên doanh là 1.050 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty Hải Thành giữ nguyên số vốn góp, Công ty Mai Anh chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho Công ty TCO Việt Nam (Công ty Mai Anh còn 276 tỉ đồng chiếm 26,37%, Công ty TCO 525 tỉ đồng chiếm 50% vốn điều lệ).
Sau đó, UBND TP.HCM cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyển sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sang Công ty TCO và Công ty TNHH Mai Thành.
Công ty TNHH Mai Thành đã xây dựng xong tòa nhà 34 tầng, hiện đang cho thuê làm văn phòng. Đến nay, Công ty Hải Thành chưa nộp về QCHQ số tiền sử dụng đất 248 tỉ đồng.