Lãi thuần đạt 73,365 tỷ đồng tăng gần 40%
Mới đây, ngân hàng Nam Á công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2019. BCTC cho thấy nhiều chỉ số quan trọng của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) đều có mức tăng trưởng tốt. Trong đó phải kể đến tổng tài sản của nhà băng này tăng 19.628 tỷ đồng đạt mốc 94.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng tiền gửi khách hàng cũng gia tăng 16.557 tỷ đồng đạt 70.744 tỷ đồng, tăng khoảng 30%; khoản cho vay khách hàng tăng gần 33% lên mức 67.545 tỷ đồng.
Dòng tiền trên sổ sách của nhà băng này cũng khá ấn tượng khi mức thu lãi thuần đạt 2.186 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng đạt 73,365 tỷ đồng tăng gần 40%; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư từ 29,255 tỷ đồng tăng lên đến 115,910 tỷ đồng (tăng vọt 296%).
Chính vì vậy, lãi thuần của Nam Á Bank công bố cuối năm 2019 đạt 731 tỷ đồng tăng 140 tỷ đồng so với năm 2018, tương đương tỷ lệ tăng trưởng là 23%.
Nợ xấu lên tới 1.333 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro giảm 88%
Điều đáng nói là Nam Á Bank dành cho khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức giảm tới 88%. Cụ thể cuối năm 2018 nhà băng này dành 101 tỷ đồng cho khoản dự phòng rủi ro tín dụng nhưng cuối năm 2019 chỉ còn vỏn vẹn trên 12 tỷ đồng.
Không những thế nhóm dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng mạnh. Trong đó nhóm dư nợ xấu của Nam Á Bank tại thời điểm cuối năm 2019 lên tới 1.333 tỷ đồng, trong khi đó năm cùng kỳ năm 2018 là 784,722 tỷ đồng, tức là tăng mạnh tới 70%. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,54% của đầu kỳ lên 1,97%.
Trước đó, thời điểm 31/12/2016, số dư nợ xấu của Nhà Băng này là 706 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,94%. Ngoài ra, nợ xấu bán cho VAMC đã tăng tới 12 lần trong năm 2016, từ 333 tỷ đồng lên 3.995 tỷ đồng.
Tuy rằng mức tăng trưởng tín dụng của Nam Á Bank tốt, huy động cao nhưng tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của Ngân hàng này từ 2018 đến nay cũng đang tăng lần lượt là 64,2% và 63%. Với các cơ quan giám sát tài chính, ngân hàng, tín dụng tăng trưởng trên 30% là rất… nóng thường kéo theo chất lượng tín dụng xấu. Thực tế việc này đã xảy ra tại Nam Á Bank khi nợ xấu năm 2018 là 1,54% trong khi đó năm 2019 là 1,97%. Điều này có nghĩa là Nam Á Bank đang phải chi phí nhiều trong khi hiệu quả hoạt động chưa thực sự tăng.
Nhằm duy trì khả năng thanh khoản, đảm bảo năng lực tự bảo vệ của ngân hàng trước nguy cơ rút tiền gửi đột ngột Thông tư 36/2014 của NHNN đã quy định các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài phải duy trì tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) không quá 80%. Trong khi đó chỉ số này của Nam Á Bank những năm gần đây đều trên 80%, cụ thể: năm 2017 là 88,9%, năm 2018 là 88%, năm 2019 là 89%. Mặt khác, thực tế cho thấy hiện Nam Á Bank là một trong những ngân hàng có vốn điều lệ khá thấp chỉ 3.890 tỷ đồng.
Lục đục nội bộ nhân sự cấp cao
Thời điểm hiện tại nhà băng này do ông Nguyễn Quốc Toàn làm Chủ tịch HĐQT, các ông Phan Đình Tân và Trần Ngô Phúc Vũ làm Phó Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến vai trò của Công ty TNHH Hoàn Cầu (Tập đoàn Hoàn Cầu).
Nhưng những lùm xùm liên quan đến tranh chấp cổ phần trong gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Toàn gần đây vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Hồi giữa tháng 3/2019, ông Nguyễn Chấn (bố của ông Nguyễn Quốc Toàn) đã tổ chức họp báo công bố thông tin tố cáo con trai chiếm giữ ngân hàng.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Chấn cho biết, vào giữa năm 2016, vợ ông là bà Tư Hường đau bệnh nên có giao cho ông Nguyễn Quốc Toàn quản lý ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu, nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng ông Chấn và bà Tư Hường. Cho rằng lạm dụng tín nhiệm, ông Chấn đã tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn và một số người khác liên kết chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Nam A Bank và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu... Điều này đang khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và trông đợi kết quả cuối cùng từ cơ quan điều tra.
Trong cơ cấu cổ đông của Nam Á Bank cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương sở hữu 12,75% vốn, ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ 4,5% vốn, anh trai ông Toàn là ông Nguyễn Quốc Mỹ - Phó chủ tịch HĐQT Nam A Bank nắm giữ 3,86% vốn, còn lại là các cổ đông khác.
Tìm hiểu cho thấy Công ty Rồng Thái Bình Dương thành lập năm 1999, trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP HCM hiện do bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền (SN 1982) làm Tổng Giám đốc.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ