Lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch, nhưng vẫn mù mờ về nợ xấu
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Á – VietABank vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với các chỉ số khá khả quan. Kết thúc năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 76.525 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2018.
Tổng huy động vốn đạt 69.958 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018. Dư nợ tín dụng đạt 42.915 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Nợ xấu kiểm soát tốt ở mức 1,18%, giảm mạnh so với 2018.
Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Việt Á đến 31/12/2019 là 300 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng 100,91% so với đầu kỳ.
Tuy nhiên, lợi nhuận thu được chủ yếu đến từ giảm chi phí dự phòng rủi ro (giảm 126 tỷ đồng, tương đương với 27% chi phí dự phòng của 2018) và tăng lãi thu được từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (tăng 10,6 tỷ đồng).
Tăng trưởng tín dụng của VietAbank không tăng nhiều từ 2017 đến nay, vẫn loanh quanh ở mức trên dưới 12%. Tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm 2019 đạt 14,7%. Thu nhập lãi thuần giảm 8,4% (93 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng VietAbank cho biết nợ xấu kiểm soát tốt ở mức 1,18%, giảm mạnh so với 2018. Tuy nhiên, nợ xấu của VietAbank đến nay vẫn là một ẩn số đối với các nhà đầu tư, khi mà nhiều năm ngân hàng này không công khai phần thuyết minh của báo cáo tài chính.
Số lãi dự thu và chi phí dự phòng rủi ro còn khá cao, không chỉ tạo nghi ngờ về con số nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng, mà đặt ra nghi vấn về độ minh bạch của các số liệu trong báo cáo (duy nhất năm 2017, Ngân hàng công bố báo cáo tài chính có đầy đủ thuyết minh).
Thêm nữa, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của VietAbank cho thấy, năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng âm hơn 1.200 tỷ đồng. Trong số này, gần 420 tỷ đồng do giảm các khoản thu nhập từ lãi và các khoản tương tự. Con số lợi nhuận từ chênh lệch thực thu kinh doanh ngoại hối, vàng bạc, chứng khoán hơn 13 tỷ đồng là yếu tố giúp giảm đi số âm dòng tiền mà VietAbank phát sinh năm vừa qua.
Khối lượng tiền lớn của ngân hàng này bị đọng lại chủ yếu ở các khoản về kinh doanh chứng khoán (gần 1.400 tỷ đồng), các công cụ tài chính phái sinh (hơn 4.800 tỷ đồng).
Khả năng sinh lời ở mức thấp so với các ngân hàng cùng quy mô
Thêm nữa, khả năng sinh lời của VietAbank trong vòng 5 năm trở lại đây không có sự thay đổi rõ rệt, vẫn ở mức thấp so với các ngân hàng khác có cùng quy mô.
Chỉ số sinh lời trên vốn sở hữu (ROE) từ năm 2016 - 2018 luôn dưới 3%, đến 2019 nhỉnh lên 5,6%, cho thấy lợi nhuận thu được của các cổ đông trên vốn sở hữu rất thấp. (Chỉ số ROE năm 2019 của Ngân hàng An Bình là 13,78%; Ngân hàng Tiên phong 26,11%, Oceanbank là 25,44%.
Cũng so sánh với các ngân hàng khác về khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA), như Ngân hàng An Bình là 1,5%, Ngân hàng Bắc Á 0,73%, thì chỉ số ROA của Ngân hàng Việt Á ở mức 0,3% là quá thấp.
Thu nhập lãi cận biên (NIM) cũng không cao, chỉ là 1,48%, cho thấy việc kinh doanh không mang lại hiệu quả của ngân hàng này trong năm vừa qua.
Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp VietAbank lại lỡ hẹn với mục tiêu tăng quy mô vốn điều lệ vì nhiều lý do. Được biết, mới đây ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận VietABank tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của VietABank thông qua.
Mục đích tăng vốn của VietABank nhằm đạt chuẩn Basel II, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tài chính để tăng trưởng quy mô.