Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank; UPCoM: VAB) vừa công bố BCTC quý 3/2023, ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, bất chấp thu nhập từ việc cho vay khách hàng của nhà băng này tăng trưởng ấn tượng.
Theo báo cáo, quý 3/2023, thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của VietABank đem về 141 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù, thu nhập từ việc cho vay khách hàng của VietABank trong quý 3/2023 đem về 2.019 tỷ đồng, tăng mạnh 46% so với cùng kỳ. Thế nhưng, chi phí mà VietABank phải trả lãi tiền gửi khách hàng tăng tới 76,6%, lên 1.877 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần suy giảm đáng kể.
Trong quý, lãi từ hoạt động dịch vụ là 14 tỷ đồng (giảm 45%); Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 1,5 tỷ đồng (giảm 58,7%). Ở chiều ngược lại, Lãi mua bán chứng khoán kinh doanh không ghi nhận doanh thu, cùng kỳ báo lỗ 1,7 tỷ đồng; Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư là 130 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số khiêm tốn chỉ 2,1 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022; Thu nhập khác của VietABank cũng tăng 1,4% so với cùng kỳ, lên 37,4 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của VietABank trong quý 3/2023 là 225 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Trong kỳ, nhà băng này cũng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 42,9 tỷ đồng, tăng hơn 128% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế của VietABank giảm 67% so với cùng kỳ, xuống 63 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2023 là 55,4 tỷ đồng, “bốc hơi” 63% so với cùng kỳ năm 2022.
Giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm mạnh trong quý 3/2023, VietABank cho biết, quy mô tổng tài sản thời điểm 30/9/2023 tăng 13.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; Cho vay khách hàng tăng 5.243 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ; Theo đó thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 635 tỷ đồng; Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư (bán TPCP) tăng 128,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, chi phí huy động vốn tiếp tục ở mức cao do huy động kỳ hạn dài từ quý 3/2022 dẫn đến chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng 815 tỷ đồng, tăng 76,7% so với cùng kỳ năm trước; Lãi suất cho vay tiếp tục giảm và giải ngân ở mức thấp so với cùng kỳ, VietABank cũng thực hiện miễn, giảm lãi theo định hướng nên thu nhập lãi thuần giảm 180 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi từ việc cho vay khách hàng của VietABank là 6.410 tỷ đồng (tăng 59%). Thế nhưng, nhà băng này phải chi trả lãi tiền gửi khách hàng 5.390 tỷ đồng (tăng 77%), khiến thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của VietABank chỉ thu về 1.020 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Trong khi, các khoản thu nhập khác của VietABank sụt giảm đáng kể, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng gấp đôi so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận sau thuễ lũy kế 9 tháng đầu năm, VietABank báo lãi 483 tỷ đồng, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng cho vay khách hàng của VietABank là 66.735 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm.
Đáng chú ý, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của VietABank là -749 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm.
Tổng nợ xấu của VietABank vào cuối tháng 9/2023 là 1.129 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 2,3 tỷ đồng, giảm 82% so với đầu năm.
Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 39,9 tỷ đồng, tăng 29,8% so với đầu năm. Cùng với đó, Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 19,3% so với đầu năm, lên 1.087 tỷ đồng.
Chất lượng nợ vay của VietABank có phần đi lùi khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,53% hồi đầu năm lên 1,69% vào cuối tháng 9/2023. Tuy nhiên, VietABank thuộc nhóm ngân hàng có mức tỷ lệ nợ xấu thấp nhất toàn ngành sau 9 tháng đầu năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 14/11, giá cổ phiếu VAB ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu, tăng 2,94% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 600 nghìn đơn vị