Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB) công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Sacombank nhìn từ kinh doanh có lãi 5.460 tỷ đồng: tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh
Về kết quả kinh doanh, quý 3 Sacombank lãi trước thuế 2.085 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.635 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với số lãi 1.212 tỷ đồng đạt được quý 3 năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 Sacombank lãi trước thuế 6.840 tỷ đồng, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 5.460 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 66%. Sacombank trở thành một trong những ngân hàng lãi tăng trưởng mạnh nhất trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2023.
Về tình hình kinh doanh, đóng góp vào lợi nhuận là thu nhập lãi thuần (16.439 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ); là hoạt động dịch vụ (2.032 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ); là kinh doanh ngoại hối (803 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ). Đáng chú ý, trong kỳ Sacombank ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, chỉ 3.144 tỷ đồng (giảm 43,4% cùng kỳ).
Thu nhập lãi thuần 16.439 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi 42.233 tỷ đồng và chi phí lãi 25.794 tỷ đồng. NIM giảm từ 77,9% cùng kỳ năm ngoái xuống còn 63,7%.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến hết quý 3 đạt 427.073 tỷ đồng, giảm 2,7% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 4.200 tỷ đồng, tăng mạnh 40,5% so với đầu năm; nợ nghi ngờ cũng lên đến gần 3.200 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 làn cùng kỳ.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tăng đột biến từ 0,9% đầu năm lên 2,43%. Nợ có khả năng mất vốn chiếm khoảng 40% tổng nợ xấu.
Giá trị huy động tiền gửi khách hàng đến hết quý 3 đạt 507.833 tỷ đồng, tăng 11,67% so với đầu năm, trong đó tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) chỉ đạt xấp xỉ 17%.
Kinh doanh ngoại hối mang về khoản lãi 803 tỷ đồng, trong khi cũng kỳ năm ngoái cũng đạt 759 tỷ đồng.
Sacombank nhìn từ khoản trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư 16.690 tỷ đồng
Đáng chú ý là khoản tiền Sacombank rót vào đầu tư. Báo cáo ghi nhận tổng giá trị “chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán" đến cuối quý 3 còn 23.326 tỷ đồng (giảm 16,4% so với đầu kỳ), chủ yếu là chứng khoán Chính phủ và các tổ chức trong nước phát hành.
Ngoài ra tổng giá trị chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 44.330 tỷ đồng, tăng mạnh đến 42,8% so với đầu năm.
Trong số này đáng chú ý có 20.577 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành. Với những khoản đầu tư này Sacombank đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư hơn 16.690 tỷ đồng (tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm).
Tổng cộng Sacombank "rót" 72.546 tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư, trong đó "ôm" hơn 20.577 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.
Đáng chú ý nhất là khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lên đến 16.690 tỷ đồng, chiếm đến 34% tổng giá trị chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.