Giải ngân và các hồ sơ cần có cho quy trình vay vốn tại ngân hàng
Giải ngân là gì?
Giải ngân tiếng anh là drawdown hoặc disbursement, theo wikipedia được hiểu nghĩa theo một cách nôm na, thì giải ngân có nghĩa là việc tiền hoặc nguồn vốn được thanh toán cho một hạng mục hoặc công việc cụ thể. Trình bày rõ ràng hơn thì giải ngân là kết quả bạn nhận được tiền sau khi hoàn thành các yêu cầu về thủ tục và bước thực hiện được đặt ra cho kế hoạch hoặc dự án đó.
Thông thường, giải ngân là một quá trình được triển khai thành nhiều bước ứng với mỗi giai đoạn thực hiện kế hoạch hoặc dự án. Sau khi hoàn thành xong hoặc trước khi thực hiện công việc của giai đoạn nào thì bạn sẽ được nhận tiền của giai đoạn đó. Việc giải ngân còn được thực hiện linh động thông qua hình thức séc, phiếu mua hàng… ngoài hình thức tiền mặt.
Trong ngành ngân hàng, thuật ngữ “giải ngân” được sử dụng rất phổ biến và chỉ ra rằng ngân hàng thực hiện giải quyết vấn đề tiền bạc và tài chính chiểu theo y như hợp đồng thỏa thuận giao dịch vay mượn giữa khách hàng và ngân hàng đã được thảo luận và thống nhất theo một kế hoạch cụ thể.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Kế hoạch này sẽ chỉ ra lộ trình giải ngân bao gồm giải ngân nhiều lần hoặc một lần. Với điều kiện khách hàng phải hoàn tất các điều kiện và các thủ tục vay đã được ngân hàng kiểm duyệt cho kể cả từng bước giải ngân. Mỗi bước giải ngân chính là từng đợt mà ngân hàng sẽ chi tiền cho khách hàng đăng ký thủ tục vay nợ.
Ngoài lĩnh vực ngân hàng ra, thì thuật ngữ giải ngân còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nữa
Giải ngân trong chứng khoán
Trong đầu tư chứng khoán, giải ngân là cả một nghệ thuật đầu tư ý chỉ việc việc rót vốn để mua một loại hoặc là danh mục chứng khoán nào đó khoảng bao nhiêu tiền trong tổng số vốn đang có vào một thời điểm cụ thể. Nếu việc mua bán chứng khoán của lần đó đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, vậy thì người ta có thể sử dụng thuật ngữ “giải ngân” tốt để ám chỉ khả năng của nhà đầu tư đó.
Giải ngân nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
ODA loại hình nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài (còn được gọi là vốn viện trợ) với lãi suất thấp, thậm chí là không lãi suất của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển với mục đích phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi ở nước được đầu tư. Nước ta là một trong các nước nhận được khá nhiều loại hình vốn ODA này.
Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ xin vốn viện trợ thì các nước phát triển đó sẽ lên kế hoạch khoảng thời gian giải ngân cụ thể. Vốn ODA sẽ được rót theo từng giai đoạn và được theo dõi quản lí rất sát sao. Nếu như các dự án hoạt động không đạt hiệu quả thì sẽ bị ngừng trệ giải ngân ngay lập tức. Ngoài ra, việc rót vốn ODA cũng có thể bị dừng lại hoặc giảm bớt vì lí do nước nhận hỗ trợ đã được xếp hạng phát triển cao hơn và có thể tự lực để phát triển.
Quy trình vay vốn tại ngân hàng?
Trong lĩnh vực ngân hàng, giải ngân là một bước khá quan trọng nằm trong 5 bước chính của quy trình tín dụng bao gồm các bước theo thứ tự: (1) Tiếp xúc với khách hàng; (2) khách hàng nộp hồ sơ vay vốn cho ngân hàng; (3) ngân hàng kiểm tra tính hợp pháp hợp lệ của hồ sơ, điều kiện tài chính, khả năng sinh lời của dự án; (4) lập hợp đồng tín dụng với khách hàng trong hợp đồng tín dụng có ghi rõ các điều kiện kể cả giải ngân một cách cụ thể do hai bên thoả thuận với nhau; và (5) người vay sẽ nhận được thông báo từ ngân hàng về các kỳ giải ngân cụ thể.
1. Tiếp xúc với khách hàng
Hệ thống ngân hàng luôn tổ chức các phòng ban làm việc, và đặc biệt là bộ phận chăm sóc và tìm kiếm khách hàng cho các lĩnh vực huy động vốn và vay vốn. Trước tiên, nhân viên tín dụng sẽ tìm kiếm và tiếp xúc với khách hàng có nhu cầu vay vốn; đồng thời, trao đổi và xác định khả năng vay vốn và chi trả của khách hàng ở mức độ nào.
Sau đó, nhân viên tín dụng sẽ xem xét tùy theo năng lực trả nợ của khách hàng mà làm hỗ trợ khách hàng làm hồ sơ xét duyệt vay. Bộ hồ sơ này sẽ cần thiết phải có đầy đủ các loại giấy tờ mà ngân hàng yêu cầu từ phía khách hàng phải hoàn tất được trình bày một cách cụ thể trong bước tiếp theo.
2. Khách hàng hoàn tất hồ sơ xét duyệt vay gửi ngân hàng
Để có thể hoàn tất thủ tục hồ sơ xét duyệt vay, khách hàng cần phải cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nhân thân, tài chính, mục đích sử dụng vốn và tài sản đảm bảo cụ thể như sau:
– Hồ sơ chứng minh pháp nhân: bao gồm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng kí tạm trú dài hạn, giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy chứng nhận độc thân.
– Hồ sơ chứng minh tài chính: khách hàng cần cung cấp các giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập của cá nhân mình cho ngân hàng vì đây là yếu tố quan trọng nhằm thể hiện được khả năng trả nợ của khách hàng. Những loại giấy tờ đó có thể là hợp đồng lao động, bảng lương hàng tháng, sổ sách bán hàng thể hiện rõ doanh thu hoặc là các loại hợp đồng cho thuê tài sản…
– Hồ sơ mục đích sử dụng vốn: khách hàng cần chứng minh được rõ ràng và cụ thể mục đích sử dụng vốn đồng thời khách hàng cũng cần cam kết với ngân hàng rằng bạn luôn luôn sử dụng vốn vào đúng mục đích đó. Các mục đích vay vốn của khách hàng có thể là dùng vào việc mở rộng sản xuất hoặc kinh doanh, mua sắm, sữa chữa tài sản…
– Hồ sơ chứng minh tài sản đảm bảo: thông thường thì khách hàng đi vay sẽ phải chứng minh tài sản đảm bảo, khi đó khách hàng cần phải cung cấp đầy đủ giấy tờ thể hiện quyền sở hữu hoặc được ủy quyền. Có những trường hợp vay nợ được đảm bảo bằng hình thức tín chấp nhưng đa phần kiểu đảm bảo này chỉ sử dụng cho loại hình thẻ tín dụng.
Tất cả những thông tin và giấy tờ khách hàng cung cấp trong hồ sơ vay vốn cho ngân hàng cần đảm bảo tính xác thực. Ngân hàng sẽ dựa trên những thông tin này để ấn định mức vốn vay và giải ngân cho các bạn. Nếu như có bất kì thông tin nào sai sót mà ngân hàng phát hiện ra, quá trình vay nợ của bạn sẽ có vấn đề rất lớn và thậm chí là bạn có thể bị phạt hoặc nghiêm trọng hơn là bạn không nhận được một đồng vốn vay nào.
3. Ngân hàng thẩm định giấy tờ hồ sơ vay vốn
Khâu cực kì quan trọng đối với ngân hàng đó là thực hiện thẩm định giấy tờ sau khi khách hàng cung cấp bởi vì cần đảm bảo được sự chính xác trong thông tin trong hồ thì ngân hàng mới tránh được các rủi ro tín dụng.
Ngoài ra, nếu như có sự thiếu sót trong các loại giấy tờ mà ngân hàng yêu cầu khách hàng cung cấp, nhân viên tín dụng sẽ kịp thời thông báo cho khách hàng bổ sung hoàn chỉnh. Sau khi hồ sơ đầy đủ, nhân viên tín dụng sẽ chuyển sang cán bộ thẩm định kỹ lưỡng rồi mới trình cấp trên để phê duyệt hồ sơ.
4. Phê duyệt khoản vay và lập hợp đồng tín dụng
Dựa vào các bộ giấy tờ hồ sơ do cán bộ tín dụng cung cấp và sự kiểm tra kỹ lưỡng của cán bộ thẩm định thì ngân hàng sẽ đưa ra quyết định xét duyệt khoản vay hay không. Đồng thời, ngân hàng sẽ xem xét thông tin của khách hàng và đánh giá lại một lần nữa để xác định khoản tiền cho vay tối đa có thể cung cấp cho khách hàng một cách hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, vừa đảm bảo khả năng quản lý rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
5. Thông báo khách hàng và tiến hành giải ngân
Sau khi đã đưa ra quyết định cho vay, thông qua nhân viên tín dụng, ngân hàng sẽ thông báo kết quả đến khách hàng và cùng nhau thực hiện kí kết hợp đồng đi vay cũng như cam kết thực hiện các điều khoản được ghi trên hợp đồng. Khi đó, khách hàng cần lưu ý kỹ đến thông tin về thời gian và số tiền giải ngân để có thể kịp thời liên hệ với ngân hàng mà thực hiện các thủ tục tiếp theo và nhận được sự giải ngân.
Các lưu ý để quá trình giải ngân được thuận lợi
Để cho quá trình giải ngân được diễn ra thuận lợi thì trước tiên khách hàng cần hoàn thành các thủ tục giấy tờ một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất. Đặc biệt, cần tôn trọng tính xác thực của thông tin mà mình đã cung cấp và thực hiện theo những thỏa thuận đã cam kết với ngân hàng.
Bên cạnh đó, khách hàng cần lưu ý đến các khoản phí và lãi suất để quản lý được khoản vay của mình tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ vay, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các lần giải ngân tiếp theo của khách hàng. Đồng thời, việc đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích vừa là trách nhiệm của khách hàng cùng với động tác trả lãi và gốc đúng hạn chính là cơ sở để ngân hàng thực hiện giải ngân đúng hạn.
Nếu như các bạn có bất cứ thay đổi gì trong thông tin khách hàng hoặc là muốn thay đổi điều khoản nào trong thỏa thuận đã ký kết với khách hàng, kể cả việc thay đổi mục đích sử dụng vốn thì cần có sự thông tin trình báo với ngân hàng thông qua nhân viên tín dụng để được nhận sự hướng dẫn cụ thể và thực hiện các thủ tục tiếp theo một cách chính xác nhằm tránh các hệ lụy đáng tiếc về sau này do làm sai qui tắc và đánh mất lòng tin đối với hệ thống ngân hàng.
Nguồn: nganhang24h