Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Chủ tịch HĐQT bị bắt, Petroland đang làm ăn ra sao?

DTVN 11:28 03/10/2019

Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Minh Chính, Chủ tịch HĐQT, nguyên GĐ CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland)...

Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Minh Chính, Chủ tịch HĐQT, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) để điều tra về hành vi 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Cơ quan điều tra cho hay kết quả điều tra bước đầu xác định, với tư cách là Giám đốc Công ty Petroland, Bùi Minh Chính đã ký hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và ký hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỷ đồng.

Hiện, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của bị can và các đối tượng có liên quan...

Petroland là công ty được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ ban Quản lý các dự án công trình xây dựng phía Nam thành công ty cổ phần theo nghị quyết của HĐTV tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2007. Công ty hiện có trụ sở tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thương mại và dịch vụ.

Sở hữu số vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng cùng nhiều bất động sản, tuy nhiên kể từ khi đi vào hoạt động, Petroland lại liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Đvt: Tỷ đồng

Mặc dù vào cuối năm từ 2014 đến 2016 Petroland đều ghi nhận lãi nhưng đáng chú ý rằng để đạt được kết quả này Petroland đã có những cú chuyển mình thoát lỗ vào phút chót.

Cụ thể, khi kết thúc quý III/2014, Petroland vẫn ôm khoản lỗ lũy kế 3 quý đầu năm hơn 14 tỷ đồng và đối mặt với rủi ro hủy niêm yết bắt buộc khi 2 năm trước đó do công ty này đều thua lỗ. Tuy nhiên đến quý 4/2014, PTL bỗng lội ngược dòng thành công khi mang về lợi nhuận từ thu phạt hợp đồng (40,8 tỷ đồng) đủ giúp cả năm thoát lỗ, đạt mức lãi 2,1 tỷ đồng.

Năm 2015, câu chuyện lại được lặp lại khi PTL lại lỗ liên tiếp 3 quý đầu và đột biến có lãi trong quý 4 nhờ bàn giao dự án Chung cư cao tầng Mỹ Phú cho khách hàng, kết quả cuối năm 2015 công ty này lãi 5 tỷ đồng. Diễn biến trong năm 2016 cũng tương tự khi 3 quý đầu công ty này báo lỗ hơn 35 tỷ đồng nhưng đến quý 4 nhờ có nguồn tiền từ khoản thu nhập khác được xem như “vị cứu tinh” đã giúp Petroland đến cuối năm vẫn lãi 1,4 tỷ đồng.

Những tưởng khi hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn thì các khoản thu nhập khác sẽ giúp Petroland xoay chuyển tình thế như những năm trước, song tới năm 2017, mặc dù vào quý 4 công ty vẫn thu về hơn 20 tỷ đồng từ việc vi phạm hợp đồng của đối tác nhưng khoản thu nhập này không đủ sức để gánh khoản lỗ lũy kế 3 quý trước đó, cuối năm công ty ghi nhận lợi nhuận âm 65 tỷ đồng.

Sang quý I/2018, Petroland có lãi từ hoạt động thoái vốn dự án sân golf và Khu biệt thự sinh thái Cam Ranh, tuy nhiên hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn đã khiến công ty phải ghi nhận khoản lỗ hơn 17 tỷ đồng.

Cổ đông công ty này ắt hẳn sẽ mong muốn kịch bản thoát lỗ vào phút chót như những năm trước sẽ xuất hiện trở lại trong những tháng cuối năm 2019 bởi nửa đầu năm nay công ty này tiếp tục ghi nhận kết quả thua lỗ.

Theo BCTC hợp nhất bán niên nửa đầu năm 2019, Petroland ghi nhận doanh thu đạt 22 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Khoản doanh thu này chủ yếu từ hoạt động cung cấp dịch vụ bởi nửa đầu năm nay, công ty không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản.

Năm 2019, công ty đề ra kế hoạch doanh thu là 54 tỷ đồng và không đặt chỉ tiêu lợi nhuận. Như vậy, sau 6 tháng, công ty chỉ mới hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu đề ra.

Bên cạnh đó hoạt động kinh doanh trong kỳ không đem lại hiệu quả cùng với việc nhiều chi phí phát sinh do xử lý các vấn đề tồn đọng từ giai đoạn trước đã dẫn đến sau thuế công ty lỗ đến 6,1 tỷ đồng.

Việc kinh doanh lao dốc cùng với khoản nợ trăm tỷ cũng đã khiến doanh nghiệp này phải thực hiện công tác tái cơ cấu và thoái vốn tại các dự án, trong đó có dự án Chung cư Thăng Long.

Ngoài ra, dù được biết đến là doanh nghiệp có quỹ đất lớn với vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, Petroland chỉ mới hoàn thiện được 5 dự án lớn là Trung tâm thương mại Tài chính dầu khí Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị Dầu khí Vũng Tàu, Petroland quận 2, chung cư Mỹ Phú và Khu phức hợp 30/4.

Về cơ cấu cổ đông của Petroland, hiện tại ông Đinh Việt Thanh-Phó giám đốc đang là cổ đông lớn của công ty với tỷ lệ sở hữu 15,23% tương ứng với hơn 15 triệu cổ phiếu PTL. Mới đây ông Long cũng đã đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu PTL để tăng tỷ lệ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu PTL hiện giao dịch quanh mốc 4.000 đồng/cổ phiếu, bốc hơi tới 74% giá trị so với mức giá cao nhất của cổ phiếu này (16.530 đồng/cổ phiếu, phiên ngày 22/9/2010). Hiện mã cổ phiếu họ dầu khí này tiếp tục bị duy trì diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/6/2019 vẫn ghi nhận âm.

Theo Nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch HĐQT bị bắt, Petroland đang làm ăn ra sao? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Nếu bạn làm kinh doanh, nhất định bạn phải nắm được khái niệm về lỗ lũy kế để kiểm soát tài chính, vậy lỗ luỹ kế là gì và cách hạch toán các khoản lỗ lũy kế như thế nào?