Hà Nội, Thứ Ba Ngày 15/10/2024

Sau 14 năm Agribank vẫn 'lỡ nhịp' cổ phần hóa: Vì sao?

SỞ HỮU TRÍ TUỆ 16:17 11/10/2021

Khởi động cổ phần hoá từ 2007 nhưng 14 năm nay, tiến trình trở thành ngân hàng đại chúng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và đất đai

Agribank 'lỡ nhịp' cổ phần hóa do còn vướng 80 cơ sở nhà, đất

Năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QĐ-TTg đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó, Nghị định 140/2020/NĐ/CP vừa được ban hành có sửa đổi một số điều sẽ góp phần tháo gỡ khá nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.

Agribank một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, đặt mục tiêu cổ phần hoá thành công trong năm 2021 sau khi đã “lỡ hẹn” nhiều lần. Nguyên nhân vướng về vốn điều lệ của Agribank đã được giải quyết khi Quốc hội đồng ý cấp bổ sung vốn cho nhà băng này từ nguồn ngân sách là 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ.

Trong báo cáo mới đây gửi đến cơ quan của Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra về tình hình, kinh tế xã hội trước kỳ hop thứ hai của Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiến độ cổ phần hóa của Agribank đang được đẩy nhanh.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Agribank phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh để khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017. Đến 31/8/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2.094/2.174 cơ sở nhà, đất.

Đối với 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, trên cơ sở quy định tại 67/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/9/2021), Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại các cơ sở này để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp nhà đất theo quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Thực tế, 14 năm qua tiến trình trở thành ngân hàng đại chúng của Agribank vẫn đang trong giai đoạn "chuẩn bị" bởi vấn đề của Agribank chỉ còn nằm ở đất đai nên chưa thể cổ phần hóa.

Agribank là ngân hàng sở hữu diện tích đất lớn nhất trong khối ngân hàng nhà nước đến thời điểm này với khoảng 2,6 triệu m2 và có nguồn gốc hình thành đa dạng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc xác định giá trị doanh nghiệp của Agribank để thực hiện cổ phần hóa kéo dài nhiều năm qua.

Là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, được Nhà nước giao cho sử dụng đất không thu tiền, đó là một lợi thế về chi phí cho nhà băng này. Nếu cổ phần hoá Agribank phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, đó là trả lại toàn bộ diện dích đất đang sử dụng cho Nhà nước. Nếu muốn sử dụng tiếp thì phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước…

Khó khăn lớn nhất của Agribank hiện nay?

Vốn điều lệ của ngân hàng hiện đạt hơn 34.000 tỷ đồng (sau khi đã được cấp bổ sung thêm 3.500 tỷ đồng đầu năm nay) - thấp nhất trong "Big 4" và một số ngân hàng cổ phần tư nhân như Techcombak, VPBank, MBBank - trong khi đó, Agribank đang là nhà băng dẫn đầu hệ thống với tổng tài sản đến cuối tháng 6/2021 đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng.

Số lượng khoản vay của ngân hàng đứng đầu thị trường, khoảng hơn 3,7 triệu khoản vay. Khoản vay có quy mô dưới 50 triệu đồng là 337.000 khoản vay, các khoản vay nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ rất cao, chi phí hoạt động lớn. Đặc biệt, ở chiều tiền gửi, Agribank có 18 triệu khách hàng; trong đó, quy mô khoản tiền gửi dưới 100 triệu đồng cho mỗi sổ tiết kiệm là 15.280 nghìn khách hàng.

Do quy mô vốn điều lệ thấp, trong khi dư nợ cho vay đứng đầu thị trường nên Agribank khó đảm bảo chỉ số an toàn vốn, đồng thời làm hạn chế khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Vì vậy, khó khăn lớn nhất tại Agribank chính là vốn điều lệ không tương xứng với quy mô hoạt động. Nguồn bổ sung 3.500 tỷ đồng hồi đầu năm chỉ mang tính chắp vá ngắn hạn, trong khi hướng phát triển bền vững và lâu dài cần mở theo kế hoạch cổ phần hóa để tạo điều kiện chủ động hơn trong huy động vốn.

Năm 2020, lợi nhuận của Agribank đạt gần 13.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng...

Năm 2020 là năm ngân hàng kết thúc đề án tái cơ cấu giai đoạn 2, 7/8 mục tiêu đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn duy nhất một mục tiêu không đạt là nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ và nâng hệ số an toàn vốn.

Năm 2021, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của ngân hàng (theo dự kiến được các cơ quan quản lý Nhà nước giao) là hơn 13.640 tỷ đồng. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, ngân hàng sẽ phải dự liệu cho chi phí trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021, ngân hàng Agribank ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi lợi nhuận trước và sau thuế tăng 40%, đạt hơn 9.464 tỷ đồng và 7.573 tỷ đồng.

Liên quan đến dự phòng rủi ro cho khách hàng, tại thời điểm 30/6/2021, Agribank có trích lập gần 32.074 tỷ đồng. tăng 34% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, dự phòng cụ thể đạt gần 22.941 tỷ đồng, tương đương tăng 53%. Nó cho thấy, Agribank đã trích lập dự phòng rủi ro cụ thể khá mạnh. Nhưng trong kỳ, ngân hàng cũng đã dùng 4.457 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để mạnh tay xử lý nợ xấu.

Nguồn:Báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021

Được biết, các khoản vay không có tài sản đảm bảo, ngân hàng phải áp dụng hệ số rủi ro 100%, trong khi đó cho vay theo Nghị định 55, các khoản vay dưới 200 triệu đồng không yêu cầu tài sản đảm bảo. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn của ngân hàng.

Ngoài ra, Agribank còn vướng một trở ngại lớn đó là tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Theo Nghị định 140/2020/NĐ-CP (30/11/2020) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (13/10/2015), Nghị định số 32/2018/NĐ-CP (13/10/2015) thì: cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá sẽ quyết định có/không có nhà đầu tư chiến lược khi IPO; trong trường hợp này, Thủ tướng là người quyết định.

Từ trước tới nay, Chính phủ luôn mong muốn các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá phải tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Liệu Agribank có thể tìm thấy nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như Vietcombank, VietinBank, BIDV đã từng làm?

Thực tế, vấn đề này rất khó nhằn bởi, các ông lớn như Vietcombank, VietinBank và BIDV cổ phần hoá vào các năm 2007, 2009, 2011, lúc thị trường chứng khoán hưng phấn. Dù vậy, hàng năm trời mới tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, như BIDV mất tới 9 năm.

Hơn nữa, theo Nghị định 126, khi cổ phần hoá Agribank, Nhà nước vẫn nắm tối thiểu 65%, 20% bán ra công chúng, 5% bán nội bộ thì room nhà đầu tư nước ngoài chỉ 10%. Tỷ lệ này thực sự quá thấp.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/sau-14-nam-agribank-van-lo-nhip-co-phan-hoa-vi-sao-d113800.html

Bạn đang đọc bài viết Sau 14 năm Agribank vẫn 'lỡ nhịp' cổ phần hóa: Vì sao? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng