Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Biến tướng sở hữu chéo ngân hàng: Chuyên gia cảnh báo mối quan hệ lợi ích

SỞ HỮU TRÍ TUỆ 17:07 09/10/2021

Cho dù sở hữu chéo, về mặt danh nghĩa đã giảm đi rất nhiều, song giới chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng kiểm soát tín dụng của cổ đông lớn và người liên quan.

Tuy 2 mà 1, tuy 1 mà 2

Về bản chất, sở hữu chéo không xấu, có nhiều hình thức khác nhau và là hiện tượng phổ biến của ngân hàng các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sở hữu chéo bị biến tướng, nó tạo ra sự lỏng lẻo, mất vốn, tham nhũng...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng về mặt danh nghĩa, tình trạng sở hữu chéo giảm đi nhiều, nhưng gần đây doanh nghiệp bất động sản gia tăng đầu tư cổ phần vào nhà băng. Đồng thời, vị trí chủ chốt ở một số ngân hàng “kết nạp” thêm lãnh đạo của công ty bất động sản.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho Ngân hàng Quốc dân tăng tối đa thêm 1.500 tỉ đồng để nâng lên 5.600 tỉ đồng vốn điều lệ, dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Ở đại hội cổ đông thường niên 2021, ngân hàng này chia sẻ kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 7.100 tỉ đồng, sớm nhất sẽ tăng tổng nguồn vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng, đón nhận cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo báo cáo tài chính quý 2-2021, sau nửa đầu năm nay, Ngân hàng Quốc dân lãi ròng sau thuế gần 101 tỉ đồng, tăng hơn 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của ngân hàng KienlongBank cũng đã thông qua việc bổ sung ông Lê Hồng Phương, Tổng giám đốc BB Group, vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2022.

Hiện ông Phương đang đảm nhận vị trí CEO tại BB Group, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản, F&B và tài chính.

Tương tự, tại một sự kiện hồi tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thaiholdings (hoạt động trong lĩnh vực bất động sản) được giới thiệu là đại diện cổ đông lớn của LienVietPostBank.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói rằng sau hơn một năm rưỡi đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, cho đến nay có thể nhận thấy rõ là hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời.

Thiếu dòng tiền đang là cái khó trực tiếp lớn và đáng quan ngại nhất hiện nay, có thể làm cho doanh nghiệp bị ngộp thở, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy, hỗ trợ, giữ chân người lao động. Do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, công trình xây dựng phải dừng nên DN không có sản phẩm để bán, giao dịch bị sụt giảm mạnh, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.

Câu chuyện này đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp bất động sản khi không có mối liên kết chặt chẽ với các nhà băng. Nhưng nó lại cho thấy được tầm nhìn của các ông chủ thực sự đứng đằng sau của các doanh nghiệp bất động sản khác khi nhìn vào mối lợi ở nhà băng hiện tại.

Mối lợi của các cổ đông này khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng không phải từ việc tăng giá cổ phiếu, hay khoản cổ tức không mấy hấp dẫn của nhà băng. Rất có thể, lợi ích của các ông chủ, bà chủ tập đoàn bất động sản khi trở thành cổ đông lớn của nhà băng là có thể “bẻ lái” tín dụng đến dự án bất động sản sân sau.

Trên thực tế, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, quan hệ tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giữa ngân hàng với doanh nghiệp bất động sản sân sau đều có những liên hệ nhất định.

Theo báo cáo tài chính năm hợp nhất quý IV/2020 của Thaiholdings ghi nhận, năm qua doanh nghiệp này đã rất thành công trong hoạt động huy động vốn "khủng", trong đó có phần lớn từ nguồn vay nợ ngân hàng.

Trong hơn 918 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn củaThaiholdings thì có đến hơn 570 tỷ đồng từ ngân hàng LienVietPostBank cho vay. Cụ thể, LienVietPostBank chi nhánh Thăng Long chiếm hơn 276 tỷ đồng và LienVietPostBank chi nhánh Ninh Bình chiếm gần 300 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp cũng đã trả hơn 115 tỷ đồng ngay trong năm.

Đối với khoản vay ở chi nhánh Thăng Long, Thaiholdings đã sử dụng gần 820.000 cổ phần tại Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) để làm tài sản bảo đảm.

Hồi tháng 10/2020, tại nghị quyết thông qua việc vay vốn, ban lãnh đạo Thaiholdings kì vọng sẽ vay được tối đa 500 tỷ đồng từ LienVietPostBank - con số khá cao so với tài sản thế chấp là cổ phần của Du lịch Kim Liên (giá mua ban đầu là 305.100 đồng/cổ phiếu)...

Áp lực quản lý Nhà nước

Bà Nguyễn Thị Hồng - thống đốc NHNN - yêu cầu từng tổ chức tín dụng phải điều hành sao cho tăng trưởng tín dụng an toàn, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết theo định hướng của NHNN, tín dụng cả năm nay khoảng 12% và sẽ điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Tín dụng được tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

"Tín dụng đối với một số lĩnh vực đều tăng trưởng khá, nhưng cho vay đối với bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng cao hơn so với mức tăng bình quân. Sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán là tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng" - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Về điều hành tín dụng thời gian tới, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế. Tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Để giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định về giới hạn tín dụng. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có (dư nợ này đã bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp phát hành.

Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp các công ty, tập đoàn bất động sản sở hữu mạng lưới công ty con, công ty cháu chằng chịt thì giới hạn tín dụng rất dễ bị vượt qua. Tức ngân hàng có thể cho các nhóm liên kết này vay vượt 25% vốn tự có của mình mà không vi phạm quy định về “người liên quan”.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao, cho dù sở hữu chéo, về mặt danh nghĩa đã giảm đi rất nhiều, song giới chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng kiểm soát tín dụng của cổ đông lớn và người liên quan.

TS Cao Sĩ Kiêm lo ngại là khi cổ đông lớn tại các ngân hàng là ông chủ của các tập đoàn bất động sản thì vốn tín dụng rất dễ bị bẻ lái vào những dự án bất động sản của tập đoàn ấy, ngân hàng trở thành sân sau cấp vốn cho các dự án bất động sản của cổ đông lớn.

Nguyên Thống đốc NHNN nhắc lại nhiều đại án ngân hàng mà nguyên nhân chính xuất phát từ sở hữu chéo và khẳng định những bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo. Đó là đại án Hứa Thị Phấn, người đã mua gần 85% cổ phần Ngân hàng TrustBank, giữ chức vụ Cố vấn cấp cao HĐQT, thao túng mọi hoạt động của ngân hàng. Chính bà Phấn đã chỉ đạo HĐQT, Hội đồng đầu tư bất động sản của Trustbank đầu tư vào một số dự án của các công ty do bà Phấn làm chủ, dùng thủ đoạn nâng khống giá trị 4 bất động sản rồi lại chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Trustbank mua lại các bất động sản này với lý do 'mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản', trong khi Trustbank đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định.

Cũng trong vụ Trustbank, trước tòa, Phạm Công Danh đã thừa nhận mua lại ngân hàng để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư các dự án bất động sản của mình và của đồng nghiệp.

Ông Kiêm cho biết, những trường hợp trên là minh chứng cho thấy ma trận sở hữu chéo đã được sử dụng để làm lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích, gây mất vốn cho ngân hàng và đó cũng chưa phải là những trường hợp cuối cùng.

Với những quy định ngày càng chặt chẽ của NHNN, đa phần các ngân hàng không còn vi phạm quy định về sở hữu chéo, song ở các ngân hàng TMCP tư nhân, theo nhận định của nguyên Thống đốc NHNN, “bóng ma” bất động sản phía sau các ngân hàng chưa hề biến mất, sở hữu chéo và sử dụng ngân hàng “nhà” để vay vốn đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn còn. Kết quả, có một phần lớn nợ xấu nằm trong bất động sản chưa xử lý được.

Muốn hạn chế được rủi ro, tiêu cực từ việc ông chủ bất động sản gia tăng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, cơ quan quản lý có thể yêu cầu ngân hàng tách bạch quyền sở hữu và quyền quản trị. Đây là giải pháp lâu dài, đòi hỏi phải có thêm hoặc nâng cao các chuẩn mực về quản trị.

Có lẽ, giải pháp trước mắt là cần yêu cầu ngân hàng công bố thông tin chi tiết hơn, đồng thời trao quyền giám sát nhiều hơn cho thị trường, cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung việc sửa đổi quy định pháp luật về “người liên quan”. Khái niệm “người có liên quan” hiện mới chủ yếu bao gồm quan hệ gia đình và quan hệ sở hữu giữa cổ đông lớn với công ty con. Trong khi trên thực tế, mối quan hệ của “người liên quan” rất đa dạng, không chỉ bao hàm quan hệ gia đình, mà còn là quan hệ sinh tế, quan hệ xã hội…

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/bien-tuong-so-huu-cheo-ngan-hang-chuyen-gia-canh-bao-moi-quan-he-loi-ich-d113588.html

Bạn đang đọc bài viết Biến tướng sở hữu chéo ngân hàng: Chuyên gia cảnh báo mối quan hệ lợi ích tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng