Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Phó Thống đốc NHNN chia sẻ khó khăn nếu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay

VIETQ 08:45 04/10/2021

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết việc giảm lãi suất cần phải cân nhắc đến các yếu tố mục tiêu ổn định các yếu tố vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tạo niềm tin cho doanh nghiệp.

Nội dung trên là quan điểm của Phó Thống đốc NHNN khi cộng đồng doanh nghiệp Tp.HCM đề cập tới trong buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến ngày 2/10.

Cụ thể, các doanh nghiệp tại thành phố đã đề xuất được giảm lãi suất một cách thực chất hơn, tiếp cận nguồn vốn vay mới với chi phí thấp để phục hồi sản xuất. Ông Đào Minh Tú cho biết thấu hiểu với những khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời mong muốn doanh nghiệp chia sẻ với các ngân hàng.

Ông nhấn mạnh rằng việc hạ lãi suất cho vay trong thời gian vừa qua bởi các ngân hàng trực tiếp giảm chi phí, giảm lợi nhuận, đồng thời bản chất các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, dù trước đó Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo kiên quyết, sử dụng các biện pháp trực tiếp, gián tiếp thông qua công cụ điều hành để yêu cầu các ngân hàng có trách nhiệm hạ lãi suất, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Tú lập luận tiếp, việc huy động phải đảm bảo lãi suất tối thiểu để người dân gửi tiền có lợi nhuận. Ví dụ bây giờ huy động bình quân 4,5-5%/năm trừ đi lạm phát khoảng 3%, ít nhất người dân còn 2% để có lợi nhuận từ tiền gửi. Ngành ngân hàng rất muốn giảm lãi suất, cho khối doanh nghiệp vay từ 2-3%/năm nhưng để triển khai cần phải huy động tiền gửi với lãi suất 1-2%/năm. Khi đó, người dân chắc chắn không gửi tiền vào ngân hàng, chuyển sang kênh khác.

Bên cạnh đó, vị Phó Thống đốc cũng tỏ ra thận trọng với nguy cơ dòng tiền chảy vào các lĩnh vực không được khuyến khích như bất động sản sẽ gây ra ra nhiều hệ lụy khiến nền kinh tế phải trả giá. Bài học bong bóng thị trường bất động sản giai đoạn 2009 - 2010 vẫn còn đó.

Hiện tại, bản thân các ngân hàng thương mại cũng gặp khó khăn, dù không trực tiếp như doanh nghiệp nhưng nguy cơ hiện hữu trong tương lai gần. Ngân hàng sẽ phải chấp nhận nợ xấu đã và đang xuất hiện với tốc độ khá nhanh do nguyên nhân khách quan doanh nghiệp khó khăn không trả được nợ.

Do tính chất đặc biệt của năm nay, nên các ngân hàng buộc phải tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn kiêm nhiệm vụ kiểm soát tín dụng không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.

Đáng chú ý, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước cho hay một doanh nghiệp phá sản có thể không ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng chỉ cần một ngân hàng mất ổn định, mất kiểm soát sẽ ảnh hưởng toàn bộ nền tài chính quốc gia. Do đó, nguyên tắc điều hành là mở rộng tín dụng, hạ lãi suất nhưng vẫn phải ổn định vĩ mô, ổn định hệ thống ngân hàng thương mại, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Cho dù không điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nhưng theo của một số tổ chức như chứng khoán Bảo Việt (BVSC) NHNN vẫn đang thực hiện các biện pháp khác nhau để duy trì thanh khoản dồi dào, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời điểm khó khăn của dịch bệnh.

Mới đây, Thống đốc NHNN thông tin rằng sẽ tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong thời gian tới. Riêng trong năm 2020, NHNN đã 2 lần tăng hạn mức tín dụng cho một số các ngân hàng thương mại, trong đó hạn mức cao nhất lên tới 30% để kích thích nền kinh tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh nới room tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên cơ sở các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết Ngân hàng nhà nước cũng đang xem xét về việc đưa gói cấp bù lãi suất 3.000 tỉ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỉ đồng (lãi suất 3-4%/năm) ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Cuối cùng, liên quan đến thời hạn tái cơ cấu, hoãn, giãn nợ đến hạn đến 30/6/2022 được quy định trong Thông tư 14 đang được nhiều doanh nghiệp mong chờ sẽ kéo dài thêm bởi quá trình hồi phục sau dịch không thể diễn ra trong một sớm, một một chiều, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ trả lời rằng: Quan điểm của Ngân hàng nhà nước là điều hành linh hoạt, đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 cơ quan này sẽ xem xét tình hình dịch bệnh, sức khỏe nền kinh tế, khó khăn của doanh nghiệp để quyết định. NHNN trước đây cũng đã 2 lần điều chỉnh thông tư về tái cơ cấu, giãn, hoãn nợ để phù hợp tình hình thực tế.

Trong thời gian sắp tới, Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh với trách nhiệm cao nhất nhưng cần ưu tiên các đối tượng cần nhất và trong hoàn cảnh nguồn lực có hạn, không thể ban hành những chính sách cào bằng.

Theo dữ liệu của Ngân hàng nhà nước, tổng giá trị lãi suất ngân hàng đã giảm từ đầu dịch tới nay đã đạt xấp xỉ 26 nghìn tỉ đồng. Trong đó có 16 nghìn tỉ đồng lãi suất giảm trong 3 đợt dịch đầu tiên và khoảng 9 nghìn tỉ đồng từ ngày 15/7 tới cuối tháng 9 từ các ngân hàng thương mại.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/pho-thong-doc-nhnn-chia-se-kho-khan-neu-cac-to-chuc-tin-dung-giam-lai-suat-cho-vay.html

Bạn đang đọc bài viết Phó Thống đốc NHNN chia sẻ khó khăn nếu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng