Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), mục đích của buổi gặp gỡ nói trên là tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng tư nhân.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, riêng đối với Vietnam Airlines, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý tái cấp vốn khoản vay 4.000 tỉ đồng cho 3 ngân hàng thương mại, để hãng hàng không này vay vốn trong gói 12.000 tỉ đồng mà Quốc hội đã thông qua. Vietnam Airlines cũng đã nhận được khoản vay hỗ trợ này với lãi suất 0%.
Theo TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, các hãng hàng không hiện nay gần như tê liệt, không hoạt động với 80 - 90% số lượng máy bay nằm chờ ở sân bay trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Thị trường bay quốc tế giảm tới 96%. Vào thời điểm trước dịch (2019), mỗi ngày có khoảng 400 - 600 chuyến bay nội địa, thì đến nay giảm còn khoảng 50 chuyến bay/ngày.
Trong khi đó, chi phí của các hãng hàng không rất lớn: chi trả tiền thuê, mua máy bay, các đối tác cung cấp dịch vụ, đào tạo, bảo dưỡng máy bay, lương nhân công và trả lãi ngân hàng. Ước tính chi phí bình quân để chi thường xuyên của các hãng hàng không hiện là khoảng trên 100 tỉ đồng/ngày.
Còn theo Nghị quyết 105 mới đây, ngành ngân hàng được giao nghiên cứu một cơ chế trong thẩm quyền hoặc nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét hỗ trợ cho ngành hàng không, chủ yếu hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp.
“Nếu không có gì thay đổi, ngày 28/9 tới, Ngân hàng Nhà nước rất mong có được sự đóng góp của các doanh nghiệp hàng không về việc tháo gỡ khó khăn. Dựa vào đó, Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) và các đơn vị đầu mối sẽ tháo gỡ trực tiếp”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng thông tin.
Dự kiến, thành phần tham dự buổi trao đổi gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp hàng không.