Lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng). Mặc dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, song vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận.
Khoản lãi dự thu này được ngân hàng cho vào nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi.
Do đó, lãi dự thu là một trong những vấn đề nhức nhối của nhiều ngân hàng khi số dư khoản mục này ngày càng tăng cao theo thời gian. Trong đó, SCB và Sacombank là hai ngân hàng có lãi dự thu lớn nhất nhì hệ thống từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét, tại thời điểm 30/6/2021 lãi dự thu tại SCB và Sacombank đang có tín hiệu tích cực khi con số này đều giảm so với đầu năm.
Cụ thể, lãi dự thu tại Sacombank giảm 19,7% so với đầu năm, còn 14.051 tỷ đồng nhưng con số này vẫn gấp hơn 7,3 lần lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2021 (1.914 tỷ đồng).
Lãi dự thu giảm nhưng nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1) tại Sacombank tính đến 30/6/2021 vẫn tăng nhẹ 6% so với đầu năm, lên 354.605 tỷ đồng và nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng tăng 14%, lên hơn 894 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu của Sacombank giảm 3% so với đầu năm, chỉ còn 5.609 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ có sự chuyển dịch từ nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng vọt 170% lên gần 748 tỷ đồng, còn nợ nghi ngờ giảm 55% về mức 431 tỷ đồng.
Còn tại SCB, lãi dự thu chỉ giảm nhẹ 0,1% so với đầu năm, còn 72.516 tỷ đồng (cao nhất hệ thống ngân hàng) và vẫn gấp 174 lần lợi nhuận sau thuế mà nhà băng này đã đạt được trong 6 tháng đầu năm (416 tỷ đồng). Trong khi đó, cho vay khách hàng của SCB vẫn tăng 3% lên con số 360.406 tỷ đồng.
Do lãi dự thu tại SCB giảm nhẹ 0,1% do đó nợ đủ tiêu chuẩn tăng nhẹ 4% lên hơn 356.102 tỷ đồng. Còn các nhóm nợ khác đều giảm so với đầu năm. Do đó, tổng nợ xấu của SCB giảm 61% xuống còn 3.212 tỷ đồng.
Cả Sacombank và SCB đều là ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu càng được quan tâm hơn về biến động của khoản lãi dự thu.
Cũng cần lưu ý, những tổ chức đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu và được NHNN cho phép phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trong khoảng 5 - 10 năm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm giảm lợi nhuận.
Khảo sát của Yuanta cho thấy các ngân hàng được đánh giá cao về chất lượng tài sản như Vietcombank, ACB hay MB đều có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản ở mức thấp hơn 1%.
Tuy nhiên, con số lãi dự thu ở MBBank tính đến 30/6/2021 đang có xu hướng tăng 20,4% so với đầu năm, lên 4.554 tỷ đồng.
Với nhóm "ông lớn" ngân hàng quốc doanh, BIDV và Agribank đều đang ghi nhận số dư lãi dự thu rất cao (BIDV hơn 13.000 tỷ đồng và Agribank gần 12.000 tỷ đồng), gần gấp đôi so với hai ngân hàng còn lại là Vietcombank và VietinBank.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, NHNN vừa ban hành Thông tư 14 sửa đổi bổ sung Thông tư 01, cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trước ngày 1/8 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Quy định mới này cũng giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng, đồng thời tránh bớt tình trạng lãi ảo của các nhà băng.