Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Triết lý kinh doanh bất động sản của đại gia Đường 'bia'

DOANH NHÂN VN 09:58 11/10/2021

Từ một cựu binh trở về sau chiến tranh, lặn lội mưu sinh bằng nghề đạp xích lô. Bén duyên với ngành bia ông Nguyễn Hữu Đường trở nên giàu có, từ đó người ta bắt đầu gọi ông là đại gia Đường "bia".

Sinh năm 1954, ông Nguyễn Hữu Đường từng có những năm tháng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1979, sau khi xuất ngũ, ông Đường bắt đầu theo đuổi giấc mơ làm giàu với ý chí sục sôi.

Xuất phát điểm làm nghề chuyên chở thuê bia hơi bằng xích lô vào những năm 1981, sau nhiều năm rong ruổi cùng nghề đạp xích lô, với một số tiền tích lũy được ông quyết định khởi nghiệp kinh doanh. Cuối năm 1986, ông Đường quyết định mua đất thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình để tạo công ăn việc làm cho nhiều đồng đội ngày trước gồm có 7 thương binh. Tổ hợp của ông làm nhiều nghề như làm nút chai cho nhà máy rượu đến sản xuất nước ngọt, nước đá, đóng bia…

Năm 1988, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, ông và các đồng nghiệp chuyển sang làm nhà máy bia và đạt được thành công, trở nên giàu có. Từ đó, cái tên đại gia Đường “bia” đã ra đời.

Doanh nghiệp ngày càng phát triển, ông Đường tiếp tục đặt tham vọng với ngành bất động sản để rồi tiếp tục thắng lợi và trở thành “đại gia” BĐS có tiếng ở đất Hà thành. Công ty TNHH Hòa Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng chục công ty thành viên, tổng tài sản đạt tới nhiều ngàn tỷ đồng.

Nhiều dự án nổi bật mà doanh nghiệp của vị đại gia 67 từng thực hiện này có thể kể đến như: Wyndham Hanoi Golden Lake, Danang Golden Bay... hay chung cư Hòa Bình Green City tại Hà Nội...

Dù nổi lên làm giàu từ đất với những dự án "dát vàng" nổi tiếng, nhưng Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình lại tự nhận không hề thích vàng cũng như không giàu lên từ đất. Trong bài trả lời phỏng vấn Tri thức trực tuyến cách đây không lâu, khi được hỏi bất động sản có phải là cách kiếm tiền dễ hơn làm bia, ông Nguyễn Hữu Đường thẳng thắn chia sẻ: “Tôi giàu lên từ bia chứ không phải từ đất. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người giàu lên từ làm bất động sản. Đây là ngành mang lại lợi nhuận cao. Tôi thấy một đất nước đang phát triển thì ngành bất động sản hấp dẫn là bình thường.

Làm ngành này cũng không phải suy nghĩ nhiều, không phải chấp nhận may rủi nhiều. Nếu có khu đất vị trí tốt, thì lại càng dễ thành công. Trong khi đó làm sản xuất hàng hóa lại rất gặp khó khăn, phải tính đến tiêu thụ ở đâu, đối thủ cạnh tranh như thế nào".

Ông cho rằng con đường thành công ngày hôm nay cũng giống như kinh doanh bất động sản, phần lớn đến từ may mắn. Chia sẻ thêm với báo chí, trong làm ăn ngoài sự thông minh, nhanh nhạy, bản lĩnh của người đứng đầu thì sự trung thực cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông Đường tin rằng lãnh đạo doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi cái mới.

Cơ nghiệp của đại gia Đường "bia" ra sao?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường sở hữu Công ty TNHH Hòa Bình (Hòa Bình) có doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 1.726 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 322,7 tỷ đồng vào năm 2019. Tương ứng, biên lợi nhuận theo doanh thu (ros) đạt mức ấn tượng, xấp xỉ 19%. Cuối thời điểm cùng năm, tổng tài sản của Hòa Bình đạt 9.072 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 953,1 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ông Đường đứng sau làm Tòa tháp quốc tế Hòa Bình, được xây dựng từ năm 2004 – 2006 trên khu đất rộng 1.952 m2 tại số 106 Hoàng Quốc Việt, tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD.

Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam gây được sự chú ý bởi thang dát vàng. Nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới từng đặt văn phòng đại diện ở công trình này như Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC.

Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển tập đoàn đa ngành, đại gia Đường “bia” đã đem khối tài sản này bán ra thị trường với mức giá khởi điểm 705 tỷ đồng. Qua nhiều cuộc tranh đua trả giá của nhiều công ty địa ốc, mức giá chốt cuối cùng cho Tòa tháp quốc tế Hòa Bình là 735 tỷ đồng.

Ngoài bất động sản, đại gia Đường “bia” đã gặt hái nhiều thành công với CTCP Đường Man (Đường Man) – doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á sản xuất Malt – nguyên liệu chính để sản xuất bia.

Theo Viettimes, trong vòng từ năm 2016 đến 2019 thì doanh thu của Đường Man luôn đạt trên nghìn tỷ đồng mỗi năm, cùng đó là mức lãi thuần từ vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Đường Man lần lượt đạt 1.115,8 tỷ đồng và 1.150 tỷ đồng, lãi thuần lần lượt chỉ là 3,8 tỷ và 10,7 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của Đường Man đạt 1.458,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước; lãi thuần đạt 17 tỷ đồng, chưa bằng 1 nửa năm 2018 (38,6 tỷ đồng).

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Đường Man đạt 1.477,2 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 309,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vị doanh nhân này từng chi đậm 1.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước ngọt mang tên V-Cola tại Bắc Ninh, nhằm cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm quốc tế vốn đang phổ biến tại Việt Nam như Coca-Cola, Pepsi.

Ngoài ra, ông Đường từng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ với CTCP Xây dựng và Sản xuất Thép Hòa Bình (Thép Hòa Bình) với 1.000 tỷ xây dựng nhà máy cán thép không gỉ khổ rộng 1,4 m tại Hưng Yên. Đến giữa năm 2017, doanh nghiệp có vốn điều lệ 230 tỷ đồng, trong đó Hòa Bình trực tiếp nắm giữ 85% vốn điều lệ.

Một số cái tên nổi bật khác trong hệ sinh thái Tập đoàn Hòa Bình của đại gia Đường “bia” có thể kể tới như: CTCP Bia và nước giải khát Hòa Bình, Công ty TNHH In ấn và sản xuất bao bì Thuận Phát, CTCP Quốc tế Inox Hòa Bình, CTCP Phát triển Thương mại Hòa Bình, CTCP Trung tâm Thương mại V+ Hòa Bình, Công ty Liên doanh Rượu Việt – Pháp...

Link gốc : Đại gia Đường "bia" và triết lý kinh doanh

Bạn đang đọc bài viết Triết lý kinh doanh bất động sản của đại gia Đường 'bia' tại chuyên mục Người nổi tiếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Người nổi tiếng