Hà Nội, Thứ Hai Ngày 16/09/2024

Khi doanh nhân Trịnh Văn Quyết làm từ thiện

DOANH NHÂN VN 12:16 29/09/2021

Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương chống dịch Covid-19, những chuyến bay “nghĩa tình” chở người dân từ “tâm dịch” hồi hương

chở y bác sỹ chi viện cho TP.HCM của Tập đoàn FLC khiến nhiều người cảm phục về hành động thiết thực của doanh nhân Trịnh Văn Quyết.

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 2

Doanh nhân Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh và Cử nhân Luật. Có lẽ, ít người biết rằng, vị doanh nhân này đi lên từ hai bàn tay trắng.

Ông Trịnh Văn Quyết được biết đến với việc kinh doanh từ khá sớm. Năm 14 tuổi, để có chi phí cho các em mình ăn học, ông đã tự mình kinh doanh. Khác với tất cả các bạn cùng trang lứa, chỉ đi học và nô đùa sau những ngày nghỉ, còn ông biết tự lập và biết ý thức cuộc sống gia đình mình.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông không thi đại học liền mà lại đi học sửa chữa điện tử, tự học vào buổi tối.

Sau 2 năm làm thợ sửa chữa, tranh thủ học vào buổi tối thì đến năm 1995, ông Quyết đã trúng cùng lúc 3 trường đại học. Tuy nhiên ông quyết định chọn đại học Luật Hà Nội để theo học. Ông chia sẻ rằng lúc đó khó khăn, ông còn không mua nổi chiếc xe đạp để đi học.

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 3

Trong những năm học đại học, ông phải học kinh doanh với nghề buôn bán điện thoại và mở văn phòng gia sư cho mình để kiếm tiền trang trải sinh hoạt và nuôi các em ăn học.

Sau khi tốt nghiệp, với số vốn kinh doanh tích góp từ thời sinh viên, ông Quyết mở văn phòng Luật sư SMic chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ doanh nghiệp. Khi đó, ông đã ghi dấu ấn qua vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên; vụ giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005...

Ông chủ FLC từng tâm sự rằng, chính nghề luật sư đã giúp ông tích lũy kiến thức cũng như tạo ra cơ hội để đến con đường làm doanh nhân. Ông thừa nhận, nghề "thầy cãi" khiến ông luôn thận trọng vì thế, dù đầu tư rất nhiều dự án song nó phải chắc chắn ông mới làm chứ không mạo hiểm. Và, chính cơ duyên từ nghề luật sư đã đưa ông rẽ hướng sang bất động sản. Nhờ mối quan hệ quen biết các khách hàng kinh doanh bất động sản lớn tại Hà Nội, ông tích lũy kinh nghiệm tư vấn, dần dần biết rõ các thủ tục, cách làm và nhận thấy cơ hội kinh doanh ở đó.

-Tháng 7/2008, Phòng công chứng Hà Nội của Trịnh Văn Quyết trở thành văn phòng công chứng tư có giấy phép số 01 tại thủ đô và cũng khai trương đầu tiên.

-Cùng năm đó, ông Quyết đã thành lập công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune với số vốn 18 tỷ đồng và chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC 2 năm sau đó. Đây là bước ngoặt lớn trong quá trình khởi nghiệp của doanh nhân Trịnh Văn Quyết.

-Năm 2009, với việc khởi công FLC Landmark Tower đã đưa ông Quyết trở thành “một ngôi sao” mới ở lĩnh vực bất động sản.

FLC Landmark Tower
FLC Landmark Tower

- Tháng 10/2011, FLC chính thức niêm yết trên sàn HNX. 1 năm sau, công ty tiến hành sáp nhập FLC Land, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ lên 772 tỷ đồng. Kể từ đó, FLC mở rộng đầu tư bất động sản bằng việc thâu tóm và phát triển một loạt dự án tại Hà Nội cũng như xây dựng những khu nghỉ dưỡng có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại các địa phương khác.

- Cuối năm 2018, ông Trịnh Văn Quyết đã xây dựng hãng hàng không Bamboo Airways phục vụ các tuyến bay nội địa kết nối với các địa phương có các khu nghỉ mát của FLC.

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 4

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết, cá nhân ông và Tập đoàn FLC vẫn đang sở hữu trên 80% vốn của Bamboo Airways, còn lại hơn 10% được nắm giữ bởi các công ty thành viên trong hệ thống FLC, các cán bộ nhân viên của tập đoàn và một số ít cổ đông bên ngoài được chuyển nhượng.

Hiện tại ông Trịnh Văn Quyết vừa là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC, vừa là Chủ tịch HĐQT của Bamboo Airways.

Trong bảng xếp hạng người giàu chứng khoán Việt hiện nay, ông Trịnh Văn Quyết đang đứng ở vị trí 28 với "túi tiền" hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu Bamboo Airways niêm yết, giá trị tài sản chứng khoán của ông Quyết nhiều khả năng sẽ vượt qua 1 tỷ USD và quay trở lại Top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Được biết, cuối năm 2017, ông Quyết từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản gần 59.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ nắm giữ 318 triệu cổ phần tại Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS).

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 5

Chiều ngày 12/7/2021, trong khuôn khổ Chương trình tiếp nhận ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, FLC đã trao tặng Phú Thọ 3 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch và chương trình tiêm vaccine của tỉnh.

Đây là địa phương mới nhất tiếp nhận kinh phí ủng hộ của FLC, sau khi doanh nghiệp triển khai chương trình chung tay chống dịch trên hơn 10 tỉnh thành trong 6 tháng đầu năm 2021.

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 6

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính riêng từ đầu 2020 đến nay, FLC đã đồng hành cùng nhiều điểm nóng về dịch bệnh, thiên tai… với kinh phí hỗ trợ ước tính trên 150 tỷ đồng. Gần đây nhất, doanh nghiệp hỗ trợ trên 20 tỷ đồng kinh phí cho Hà Nội, Hà Tĩnh, Gia Lai, Quảng Bình để thực hiện chiến dịch tiêm vaccine trên địa bàn.

Trước đó, trong các tháng đầu năm, FLC chi viện thiết bị vật tư y tế cho Bắc Giang (3 hệ thống xét nghiệm Covid, xuất xứ Mỹ, trị giá gần 9 tỷ đồng); Vĩnh Phúc (3,5 tỷ kinh phí và máy xét nghiệm Covid 19 Real-time PCR); Quảng Ninh (hệ thống xét nghiệm Real-time PCR mở tự động hoàn toàn); và ủng hộ thêm kinh phí cho Quỹ phòng chống dịch tại nhiều địa phương như Hải Dương, Hoà Bình, Bạc Liêu, quận Cầu Giấy (Hà Nội)…

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 vào giữa tháng 3/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó còn giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ) đã hoan nghênh Tập đoàn FLC cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ, đồng thời đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiếp tục đóng góp, hỗ trợ nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó, ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y Tế đã gửi lời cảm ơn tới sự hỗ trợ thiết thực của Tập đoàn FLC và nhấn mạnh nguồn kinh phí này sẽ được Bộ Y tế phân bổ và sử dụng hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh sắp tới.

Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC từng chia sẻ rằng, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Tập đoàn FLC cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và chung tay đóng góp vào công tác phòng, chống dịch bệnh của cả cộng đồng, cũng như triển khai tối đa các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Và sau đó là hàng loạt những hành động thiết thực của tập đoàn này.

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 7

“Tất cả chúng ta cùng cố gắng để ngày cuộc sống trở lại bình thường đến gần hơn”, đó là dòng trạng thái của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết khi những chuyến bay đưa nhiều người dân Bình Định từ TP.HCM về quê hương vừa hạ cánh xuống sân bay Phù Cát.

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 8

Trước đó, trên “tường” trang mạng cá nhân của Chủ tịch Tập đoàn này cũng cập nhật liên tục về những chuyến bay nghĩa tình của Bamboo Airways.

“Đây là chuỗi chuyến bay trên chuyên cơ đặc biệt mà Bamboo Airways liên tục triển khai từ tháng 6/2021. Các chuyến bay chuyên chở các công dân yếu thế từ các tỉnh thành phía Nam trở về quê hương theo kế hoạch của UBND các tỉnh, đưa đoàn y bác sĩ, nhân viên y tế, nhà hoạt động thiện nguyện.., cùng hàng hóa, vật phẩm chi viện cho tuyến đầu chống dịch…”, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết chia sẻ trên mạng xã hội facebook.

Năm 2020, Bamboo Airways đã vận chuyển miễn cước hàng hoá y tế, nhu yếu phẩm đến các điểm nóng về thiên tai tại Việt Nam
Năm 2020, Bamboo Airways đã vận chuyển miễn cước hàng hoá y tế, nhu yếu phẩm đến các điểm nóng về thiên tai tại Việt Nam

Hãng hàng không Bamboo Airways ra mắt vào ngày 18/8/2018. Thời điểm sinh nhật lần thứ 3 của hãng hàng không rơi đúng vào “bão dịch” hoành hành. Hãng đón chào tuổi mới trong một không khí hết sức đáng nhớ. Thay vì những chương trình tri ân, khuyến mãi hành khách như các năm thì các nguồn lực tập trung vào thực hiện các hoạt động tiếp sức cho cộng đồng, đưa người có hoàn cảnh khó khăn về quê trong dịch bệnh, để “không hành khách nào bị bỏ lại phía sau”.

Cụ thể, chỉ tính riêng các chuyến bay đưa công dân về quê, tính từ tháng 7/2021 tới nay, hãng đã thực hiện hàng chục chuyến bay, đưa hơn 5.000 người dân từ TP.HCM và các tỉnh miền Nam về quê (Bình Định, Gia Lai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa…) một cách thuận lợi và an toàn.

Ông Quyết nói rằng, người của Bamboo Airways coi những chuyến bay nghĩa tình là “món quà sinh nhật” ý nghĩa nhất mà hãng tri ân đến khách hàng.

Còn nhớ vào tháng 3/2020, giữa những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Đại sứ quán Séc tại Việt Nam phối hợp với Bamboo Airways thực hiện một chuyến bay đặc biệt từ Hà Nội đến thủ đô Praha (CH Séc), chuyên chở 280 hành khách quốc tịch Séc về nước.

Cùng với việc đưa các công dân Séc về nước, chuyến bay này cũng sẽ vận chuyển hàng hoá cứu trợ y tế của Chính phủ Việt Nam đến Cộng hòa Séc, nhằm hỗ trợ nước này giải quyết tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 8h20 phút ngày 25/3 từ sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội tới Praha, Cộng hòa Séc, chuyên chở 280 hành khách quốc tịch Séc và châu Âu về nước.

Bamboo Airways sẽ thực hiện chuyến bay đưa công dân EU tại Việt Nam về Ý vào ngày 12/6/2021
Bamboo Airways sẽ thực hiện chuyến bay đưa công dân EU tại Việt Nam về Ý vào ngày 12/6/2021

Bamboo Airways khai thác máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner cho chuyến bay đặc biệt này. Hành khách có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Séc tại Việt Nam để biết thêm chi tiết và đặt mua vé.

Đây là chuyến bay thẳng đầu tiên của một hãng hàng không nội địa Việt Nam đến CH Séc, là kết quả của sự phối hợp giữa Đại sứ quán Séc tại Việt Nam và Bamboo Airways. Chuyến bay càng thêm ý nghĩa khi được thực hiện với mục đích xã hội và nhân văn, trong bối cảnh cả thế giới đang chung tay góp sức vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 9

“Viễn cảnh quý khách ở hai nước cách nhau nửa vòng Trái đất lên máy bay xem 1-2 bộ phim, ngủ một giấc rồi dậy ăn sáng đọc báo là tới nơi, giờ đây không còn quá xa” – Đó là dòng trạng thái cảm xúc trên “tường” của doanh nhân Trịnh Văn Quyết vào ngày 23/9/2021 khi chiếc máy bay thân rộng Boeing 787-9 mang tên "Quy Nhơn City" cất cánh từ Nội Bài đi Mỹ. Chiếc Boeing 787-9, mang trên mình lá cờ đỏ sao vàng và một thương hiệu Việt bắt đầu hành trình 14 tiếng, lần đầu tiên thực hiện chặng bay thẳng không dừng 12.500 km tới một điểm đến ở bên kia bán cầu - San Francisco (Mỹ).

Máy bay của Bamboo Airways hạ cánh tại sân bay San Francisco (California, Mỹ) sau hành trình 13 giờ 30 phút qua quãng đường bay dài gần 12.500 km
Máy bay của Bamboo Airways hạ cánh tại sân bay San Francisco (California, Mỹ) sau hành trình 13 giờ 30 phút qua quãng đường bay dài gần 12.500 km

Ông Quyết nói rằng, đây là thành quả của tập thể Bamboo Airways nỗ lực bền bỉ tiến vào một thị trường hàng không giàu tiềm năng và đòi hỏi tiêu chuẩn sau 3 năm ròng rã.

Khi doanh nhân Quyết “còi” làm từ thiện - Ảnh 10

Sau 13 tiếng 34 phút bay, chiếc Boeing thân rộng đã hạ cánh an toàn tại San Francisco. Chuyến bay thẳng không điểm dừng (non-stop) đầu tiên Việt - Mỹ sẽ góp phần khiến thương mại, du lịch, dịch vụ... giữa hai quốc gia ngày càng thêm thuận tiện và nhộn nhịp, cũng như góp phần mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho thương mại, du lịch, dịch vụ Việt Nam giai đoạn tới.

Trước đó, Hãng hàng không Bamboo Airways từng phát đi thông tin, công ty đã được giấy phép từ Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) để thực hiện 12 chuyến bay thẳng hai chiều Việt - Mỹ trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2021.

Trước sự kiện lớn của hàng không Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây không đơn thuần là một chuyến bay mà nó còn thể hiện cho nỗ lực, dấu ấn của doanh nghiệp Việt ở một thị trường hàng không khó tính bậc nhất thế giới. Sự kiện này, nhiều người đánh giá là “quá sức tưởng tượng” đối với một hãng bay non trẻ. Tuy nhiên, với những người vẫn để tâm theo dõi hành trình “giấc mơ Mỹ” của hãng bay này thì kết quả ở thời điểm hiện tại hoàn toàn không phải dừng lại ở hai từ...ngẫu nhiên.

Ngày 21/9, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại New York, Mỹ, Bamboo Airways đã công bố một loạt thoả thuận với các đối tác lớn.

Cụ thể, hãng bay này đã thỏa thuận lựa chọn động cơ GEnx và gói bảo dưỡng máy bay Boeing 787-9 với General Electric, trị giá 2 tỷ USD. Động cơ GEnx sẽ được sử dụng cho đội máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Đây sẽ là đội bay chủ lực của Bamboo khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ.

Ngoài ra, Bamboo Airways còn đạt thoả thuận với CFM International về việc lựa chọn động cơ LEAP-1A và dịch vụ bảo dưỡng cho toàn bộ 50 máy bay A320 Neo đặt hàng từ Airbus.

Nội dung: Văn Chương

Thiết kế: Hải An

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/khi-doanh-nhan-quyet-coi-lam-tu-thien.html

Bạn đang đọc bài viết Khi doanh nhân Trịnh Văn Quyết làm từ thiện tại chuyên mục Người nổi tiếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Người nổi tiếng