Tổng nợ của VietinBank vượt 1,12 triệu tỉ đồng, gấp hơn 30 lần vốn điều lệ
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) thông báo phát hành thành công 4.000 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 7 năm và 10 năm với giá chào bán bằng mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu. Trong đó, trái phiếu 7 năm là 2.000 tỉ đồng và trái phiếu 10 năm là 2.000 tỉ đồng.
Đây là số lượng trái phiếu nằm trong đợt mở bán ra công chúng đầu tiên của ngân hàng trong năm 2019 và nằm trong kế hoạch 5.000 tỉ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.
Theo Báo Thương trường, Sau khi trừ tổng chi phí hơn 1,2 tỉ đồng, ngân hàng thu ròng 3.998,8 tỉ đồng từ đợt phát hành lần này.
Kết quả chào bán cho thấy, có 13.875 nhà đầu tư đã tham gia mua trái phiếu gồm 13.239 nhà đầu tư cá nhân và 636 nhà đầu tư tổ chức. Trong đó, có 11 nhà đầu tư nước ngoài tham gia với tổng số lượng mua là 3.130 trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu nước ngoài nắm giữ sau đượt chào bán là 3,13 tỉ đồng, chiếm 0,78% giá trị lưu hành.
Cơ cấu nguồn vốn của VietinBank trước và sau khi phát hành trái phiếu (Nguồn: VietinBank) |
Sau khi phát hành thành công 4.000 tỉ trái phiếu, tổng nợ của VietinBank tính đến cuối ngày 27/9 đã tăng lên hơn 1,12 triệu tỉ đồng (tương đương tăng 2% so với cuối ngày 14/8 – thời điểm trước đợt phát hành).
Cụ thể, nợ dài hạn của ngân hàng ở mức 407.007 tỉ đồng, tăng 3% so với ngày 14/8; trong đó, nợ trái phiếu 36.515 tỉ đồng, tăng 14%. Nợ ngắn hạn của VietinBank ở mức 713.495 tỉ đồng, tăng 1,2%.
Với mức vốn điều lệ chỉ hơn 37.200 tỉ đồng, tỉ lệ nợ nợ/vốn điều lệ của VietinBank tính đến cuối ngày 27/9 đã vượt 30 lần.
BIDV ghi nhận tổng nợ tăng lên hơn 1.11 triệu tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) đã phân phối 249,932 trái phiếu năm 2026 và 50,000 trái phiếu năm 2029 cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Thông tin trên Vietstock cho biết, trong tổng số 300,000 trái phiếu đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1, BIDV đã phân phối được 299,932 trái phiếu, bao gồm 249,932 trái phiếu kỳ hạn 7 năm đáo hạn năm 2026 và 50,000 trái phiếu kỳ hạn 10 năm đáo hạn năm 2029, chiếm 99.98% tổng số trái phiếu được phép chào bán. Còn lại là 68 trái phiếu năm 2026 chưa phân phối.
Báo cáo kết quả chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2019 của BIDV |
Sau đợt chào bán trái phiếu này, tại cuối ngày 25/09/2019, BIDV ghi nhận tổng nợ tăng lên hơn 1.11 triệu tỷ đồng. Trong đó có gần 24,910 tỷ đồng nợ từ trái phiếu. Tỷ lệ nợ/vốn cổ phần của BIDV cũng tăng từ 32.16% lên 32.58%.
Bên cạnh đó, người nước ngoài đang nắm giữ 46.5 tỷ đồng trái phiếu do BIDV phát hành, chiếm 0.187% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành.
Theo BIDV, nguồn vốn huy động của BIDV đến từ các nguồn bao gồm: Tiền gửi và vay từ NHNN và Bộ Tài Chính, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác, tiền gửi của khách hàng, và phát hành giấy tờ có giá, phát hành trái phiếu tăng vốn.
Tại thời điểm 30/06/2019, tiền gửi của khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nguồn vốn huy động của BIDV với 81.84%, phát hành giấy tờ có giá, trái phiếu tăng vốn chỉ chiếm 3.78%.
Về hoạt động tín dụng, BIDV có mức tăng trưởng tín dụng bình quân năm trong giai đoạn 2016-2018 là 16.9%. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt mức 7.7%.
Trong giai đoạn từ 2017 đến nửa đầu năm 2019, dư nợ cho vay doanh nghiệp Nhà nước tại BIDV giảm dần cả về số tuyệt đối và tỷ trọng. Cuối năm 2017, dư nợ cho vay doanh nghiệp là 37,072 tỷ đồng, đến cuối tháng 6/2019, con số này đã giảm xuống còn 26,544 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng cho vay giảm từ 4.28% xuống 2.49%.
Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân có xu hướng tăng dần. Từ dư nợ 269,328 tỷ đồng (chiếm 31.07% tổng dư nợ) cuối năm 2017, đến cuối tháng 6/2019 tăng lên 335,962 tỷ đồng, chiếm 33.42% tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ xấu của BIDV trong giai đoạn 2017-2018 đều ở mức dưới 3% và tại thời điểm 30/06/2019, tỷ lệ nợ xấu của BIDV là 1.98%.
Theo MTĐT