Tính thanh khoản trong thị trường chứng khoán là gì?
Tính thanh khoản (liquidity) là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản.
Theo nghĩa này, tiền có tính thanh khoản bằng 100% vì có thể dùng ngay làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch.
Các tài sản khác (ví dụ cổ phiếu, trái phiếu, ngôi nhà) có tính thanh khoản nhỏ hơn 100%, tùy thuộc vào nỗ lực và thời gian cần thiết để chuyển chúng thành tiền mặt.
Cổ phiếu, trái phiếu, ngôi nhà có tính thanh khoản nhỏ hơn 100%. |
Chứng khoán có tính thanh khoản là những chứng khoán có sẵn thị trường cho việc bán lại dễ dàng, giá cả tương đối ổn định theo thời gian và khả năng cao để phục hồi nguồn vốn đã đầu tư nguyên thủy.
Nhờ có thị trường chứng khoán các nhà đầu tư có thể chuyển đổi chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt khi họ muốn và khả năng thanh khoản chính là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán với các nhà đầu tư.
Tính thanh khoản cho thấy sự linh hoạt và an toàn của vốn đầu tư, thị trường hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì tính lỏng của chứng khoán giao dịch càng cao.
Có mối quan hệ chặt chẽ giữa chỉ số P/E và tính thanh khoản chứng khoán. Nhìn vào bảng thống kê tính thanh khoản của cổ phiếu, có thể thấy những cổ phiếu giao dịch sôi động nhất cũng là những cổ phiếu có P/E cao hơn mức trung bình của thị trường (được đánh giá cao hơn các cổ phiếu có cùng lợi tức).
Đây là những chứng khoán có tốc độ tăng giá cao và mang lại giá trị thặng dư cao cho cổ đông thông qua việc chia tách cổ phiếu hay phát hành cổ phiếu mới.
Khi lựa chọn chứng khoán để đầu tư, ngân hàng hay các nhà đầu tư nên xem xét đến tính thanh khoản của chứng khoán. Nếu tính thanh khoản kém, nghĩa là khó tìm được người mua hoặc phải bán mất giá, ngân hàng hay nhà đầu tư sẽ gánh chịu những tổn thất tài chính lớn. Điều này gọi là rủi ro thanh khoản trong đầu tư chứng khoán.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến tính thanh khoản chứng khoán
Thứ nhất, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có uy tín, hiệu quả làm ăn tốt và thông tin công bố minh bạch, rõ ràng thường có tính thanh khoản cao hơn và ngược lại.
Thứ hai, những thông tin có tác động mạnh từ các cơ quan quản lý, ví dụ Chỉ thị 03 đã có ảnh hưởng không nhỏ đối với thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư dù rất muốn mua vào trong thời điểm thị trường đi xuống nhưng đành đứng nhìn khi không còn nguồn cung tiền từ ngân hàng.
Thứ ba, hạn chế về “room” của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải rào cản hết “room” (là khoảng cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của doanh nghiệp trong nước đã niêm yết, hiện là 30% đối với các tổ chức tín dụng và 49% đối với các ngành nghề khác) hoặc gần hết room đối với nhiều cổ phiếu trong tầm ngắm của họ.
Thứ tư, tâm lý của các nhà đầu tư cũng làm cho giao dịch trên thị trường lúc sôi nổi, lúc ảm đạm. Khi thị trường đi lên, nhà đầu tư hưng phấn thì thị trường có tính thanh khoản cao. Khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư bắt đầu lo sợ thì tính thanh khoản của thị trường thấp, dù ai cũng biết rằng thị trường đi xuống là cơ hội để mua vào.
Thứ năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao khiến người dân phải chi nhiều hơn cho tiêu dùng, do đó, số tiền đổ vào chứng khoán của họ sẽ ít đi.
Ngoài ra, các thị trường bất động sản, bảo hiểm, vàng… có sự liên thông với nhau. Nhà đầu tư luôn tìm cách hạn chế rủi ro bằng cách phân bổ nguồn vốn vào nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi thị trường khi có dấu hiệu “nóng” hay “lạnh” đều ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nói chung và tính thanh khoản của chứng khoán nói riêng.
Vì vậy, khi lựa chọn chứng khoán để đầu tư, nhà đầu tư dứt khoát phải xem xét đến tính thanh khoản của chứng khoán, hay nói cách khác là khả năng bán chứng khoán để tái tạo nguồn vốn đầu tư ban đầu.