Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên do Công ty Cổ phần Tây Đức làm chủ đầu tư, có quy mô 17,7ha với tổng mức đầu tư khoảng 346,82 tỷ đồng. Dự án nằm giữa nút giao của 2 tuyến đường Nguyễn Tất Thành và đường tỉnh 301, đây là vị trí đắc địa của TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, được đánh giá là khu đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội.
Sàn bất động sản Hưng Phát Holding là nhà phân phối chính của dự án này. Qua quảng cáo rao bán dự án rầm rộ từ nhân viên sàn bất động sản Hưng Phát Holdings, nhiều khách hàng đã tin tưởng tìm đến dự án.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại Khu đô thị Nam Phúc Yên đang thi công ngổn ngang, các cơ sở vật chất cơ bản như công trình đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, hệ thống chiếu sáng đều chưa hoàn thiện.
Cơ sở hạ tầng tại Khu đô thị Nam Phúc Yên đang thi công ngổn ngang. |
Theo lời của nhân viên môi giới, mức giá đất nền tại dự án này có thể lên đến 20 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Khách hàng muốn mua đất thì phải đặt cọc 100 triệu dưới hình thức cho công ty vay. Sau này công ty sẽ trả lại bằng lô đất mà khách đã đăng ký.
Sau đó, khách hàng đóng tiền theo tiến độ dự án. Tiến độ như sau: Đợt 1 thanh toán 35% sau 7 ngày đặt cọc, đợt 2 thanh toán 30%, đợt 3 thanh toán 25% sau khi ký hợp đồng 70 ngày, đợt 4 thanh toán 10% giá trị hợp đồng khi nhận thông báo bàn giao đất.
Điều đáng lưu ý là theo hồ sơ, chủ đầu tư chỉ được phép chuyển nhượng nhà đất cho khách hàng. Cụ thể, "Phương án tiêu thụ sản phẩm trong đó bán 51 căn nhà ở có sân vườn, bán 433 căn nhà ở liền kề, bán 270 căn chung cư" - Văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ. Như vậy, chủ đầu tư chỉ được phép chuyển nhượng nhà đất chứ hoàn toàn không được bán đất nền.
Được biết, khách hàng phải cam kết trong vòng 2 năm sẽ tự xây dựng nhà ở theo bản thiết kế của chủ đầu tư. Nếu trong vòng 2 năm không xây dựng nhà ở, chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng nhưng khách hàng sẽ phải chịu chi phí đó.
Trong khi đó, Tại Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014 có quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh như sau: “Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.
Quy định là như vậy, nhưng các nhân viên sàn môi giới vẫn quảng cáo, rao bán đất nền cho khách hàng và sẵn sàng nhận đặt cọc, giữ chỗ, ký hợp đồng vay, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng.
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp mua tài sản hình thành trong tương lai dưới hình thức góp vốn, vay vốn và sau đó khách hàng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” do năng không đảm bảo năng lực để triển khai dự án.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đưa ra lời khuyên: “Những Hợp đồng vi phạm quy định của pháp luật là hoàn toàn vô hiệu. Người mua nhà cần hết sức thận trọng, tìm hiểu thật kỹ về tư cách của Chủ đầu tư, các hồ sơ pháp lý có liên quan để tránh nhiều trường hợp đáng tiếc.
Các Chủ đầu tư thiếu nguồn vốn, rất dễ “lách luật” làm liều, chưa kể đến nhiều Chủ đầu tư còn vẽ ra dự án, huy động số tiền hàng chục, hàng trăm tỷ đồng rồi bỏ trốn. Khi đó, có đòi lại được tiền cũng hết sức nhiêu khê và phiền phức”.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ