Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Nhiều doanh nghiệp đầu tư Condotel, vì sao mỗi Cocobay “vỡ trận”?

DTVN 20:21 27/11/2019

Tổ hợp Cocobay được cho là nằm khá xa trung tâm thành phố Đà Nẵng, lại có thiết kế khá chật chội trong mỗi căn hộ, khách sạn, không tạo được vẻ sang trọng của một tổ hợp nghỉ dưỡng...

Tổ hợp giải trí - nghỉ dưỡng hàng đầu Đông Nam Á Cocobay khá vắng khách trong suốt thời gian qua.

"Cocobay" và "Condotel" dường như là từ khóa hot nhất mặt báo và cộng đồng mạng xã hội trong mấy ngày qua khi cả hai cụm từ này đều gắn với những sự kiện truyền thông đình đám cũng như những tranh luận chưa có hồi kết về một loại hình nhà ở hiện vẫn đang bị rơi vào tình cảnh "vô thừa nhận".

Thu hút là bởi, dự án Cocobay Đà Nẵng hơn 2 năm trước đã khiến cả thế giới phải để ý tới khi danh thủ Ronaldo trong một chiến dịch quảng cáo mà chủ đầu tư đã phải chi hàng triệu USD đã nói rằng: "Cocobay - My home in Vietnam", tạm dịch là: Cocobay là nhà của tôi ở Việt Nam.

Lận đận số phận "đứa con lai"

Trong khi đó, Condotel cũng có độ "hot" không kém khi loại hình nhà ở này lại là "đứa con lai" giữa căn hộ chung cư và phòng nghỉ khách sạn. Hàng loạt ý kiến, tranh luận giữa nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, báo chí khắp các diễn đàn... trong suốt hơn 2 năm qua đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Thậm chí, đầu năm nay, trong một số văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan phải sớm ban hành, ra được chế tài để quản lý loại hình bất động sản khá mới này. Đến nay, Bộ Xây dựng vẫn đang cho rằng - phải chờ ý kiến các bộ ngành khác.

Nhưng, câu chuyện về Condotel cũng như "độ nóng" của nó chưa dừng lại ở đó bởi, trong quá trình phát triển và chào bán sản phẩm này ra thị trường, cả Cocobay và hàng chục doanh nghiệp khác đều đưa ra một điều khoản được cho là có thể làm mê hoặc bất cứ một khách hàng nào - là khoản lợi nhuận cho thuê lại lên tới 12%.

Bởi thế, vài năm trước, từ khóa "Condotel" đã phủ sóng khắp các trang mạng, diễn đàn về bất động sản bởi lợi nhuận - cho dù mới chỉ là "cam kết" từ chủ đầu tư – lớn gấp đôi nếu mang số tiền đó bỏ vào ngân hàng.

Khi đó, một chuyên gia đã từng nói, cái gì "nóng" quá cũng không tốt và không bền, nhưng dường như ai cũng bỏ ngoài tai, cho đến ngày 23/11 vừa qua, khi hàng trăm khách hàng của Công ty Thành Đô đã trót mua sản phẩm Condotel tại Cocobay Đà Nẵng nhận được thông báo với nội dung "Từ 1/1/2020, chủ đầu tư sẽ không chi trả lợi nhuận như đã cam kết vì những khó khăn về dòng tiền".

Câu chuyện Cocobay ngay lập tức làm nóng các diễn đàn về bất động sản với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả những đồn đoán về một làn sóng "vỡ trận" chi trả lợi nhuận cam kết mang tính dây chuyền mà khởi đầu là Cocobay.

Trên thực tế, gần đây cũng đã có một số chủ đầu tư "thất hứa" với khách hàng về khoản lợi nhuận cam kết này, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ trì hoãn, chây ì…Vì thế, có người nói rằng Cocobay là chủ đầu tư "dũng cảm", dám thẳng thắng thừa nhận và công khai thực tế cũng như năng lực tài chính của mình trong bối cảnh việc kinh doanh Condotel không mang lại kết quả và lợi nhuận như các bên đã kỳ vọng.

Cũng có ý kiến "cuộc chơi Condotel" dường như đang đến hồi kết bởi những cảnh báo đã được đưa ra từ mấy năm trước nhưng dường như ai cũng phớt lờ, bỏ ngoài tai.

Nhưng, những bình luận nói trên chỉ là khuyến nghị.

Vì sao Cocobay "vỡ trận"?

Theo thống kê của các đơn vị tư vấn, thị trường bất động sản hiện nay tồn đọng khoảng 30.000 căn Condoltel chưa bán được, trong đó có cả những chủ đầu tư lớn như Vingroup, FLC, MIKGroup…Tuy nhiên, hầu hết trong số đó vẫn đang thực hiện chi trả lợi nhuận từ 8 -10% như đã cam kết với khách hàng và họ cũng không lâm cảnh khó khăn về dòng tiền như Cocobay.

Vậy tại sao cũng kinh doanh, đầu tư Condotel nhưng Cocobay lại gặp khó về tài chính đến vậy trong khi hầu hết các doanh nghiệp khác vẫn chưa có "biểu hiện" gì.

Mấy ngày qua, giới truyền thông cũng loan tin rằng, Cocobay khó khăn là do tính toán sai lầm hay do sự ra đi của một loạt doanh nhân trẻ, trong đó có Coco Trần. Thực tế không đúng như đồn đoán, bởi vị trí và vai trò của vị doanh nhân 9x này tại Tập đoàn Empire (Công ty Thành Đô) cũng không hẳn quan trọng như nhiều người nghĩ.

Trong lý lịch của mình, Coco Trần có tên khai sinh là Trần Thị Hiền, đã từng du học tại Anh trong nhiều năm và là con gái của nhân vật khá nổi tiếng trong một vụ án vài chục năm trước –"Thuyết buôn vua".

Tất cả những chi tiết đó cũng không là nguyên nhân khiến Cocobay lâm cảnh khó khăn hiện nay với khoản lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Hơn 2 năm trước, khi bắt tay vào đầu tư Cocobay, ông Nguyễn Đức Thành có chia sẻ với người viết rằng, ông rất tự tin với dự án này, với đội ngũ những nhân sự trẻ, trong đó có con trai ông. "Chúng nó học hành bài bản, tiếp xúc nhiều và có những ý tưởng táo bạo…rất hay", ông Thành nói và toát lên vẻ tự hào về cậu con trai Nguyễn Thành Nam – người được ông giao cho chức Tổng giám đốc tập đoàn.

Cũng tại buổi nói chuyện, ông Thành úp mở rằng, khả năng tài chính của Thành Đô là khá vững, vững đến mức ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Ngân hàng SHB có gợi ý rót 500 tỷ nhưng ông "chưa thèm nhận", chưa phải sử dụng tiền vay ngân hàng.

Nhưng sau đó thì ai cũng biết, Ngân hàng SHB là đối tác "thân thiết" của Thành Đô trong quá trình triển khai dự án Cocobay Đà Nẵng.

Mọi chuyện tưởng chừng như khá thuận lợi với Thành Đô, từ tài chính cho đến hình ảnh, danh tiếng tập đoàn đều lên như diều gặp gió, trong đó đáng kể là tập đoàn này đã nhận được cái gật đầu từ danh thủ Ronaldo cho một chiến dịch quảng cáo dự án có độ phủ rộng khắp thế giới.

Nhưng cũng không ai biết được chữ ngờ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản không mấy thuận lợi, thanh khoản hầu khắp các dự án khá èo uột và "tổ hợp vui chơi giải trí sôi động nhất Đông Nam Á - Cocobay" lại khá thưa vắng khách vì được cho là nằm khá xa trung tâm thành phố Đà Nẵng, lại có thiết kế khá chật chội trong mỗi căn hộ, khách sạn, không tạo được vẻ sang trọng của một tổ hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp. Những điều này dường như nằm ngoài sự tính toán của ban lãnh đạo Thành Đô.

Những thông báo về giảm giá phòng, ưu đãi, tặng quà…liên tiếp được phát đi từ Cocobay trong suốt 2 năm qua nhưng lượng khách cũng không cải thiện là bao. Họa vô đơn chí, khoảng cuối 2018, xuất phát từ tính toán hiệu quả hay vì nguyên nhân nào khác, Ngân hàng SHB công bố rút khỏi dự án Cocobay Đà Nẵng càng khiến cho ông Thành và Công ty Thành Đô bấn loạn.

Trong khi, hàng loạt cơ quan, sở ngành của Đà Nẵng vẫn ngày đêm "chăm sóc" dự án Cocobay vì những vấn đề liên quan đến giấy phép, thủ tục về đất đai, thiết kế chưa được "hoàn chỉnh".

Cái khó của Cocobay là từ đó.

Còn với giới trong nghề, thất bại của Cocobay đến từ tổng thể các nguyên nhân, trong đó năng lực tài chính được cho là yếu tố then chốt bởi sự phụ thuộc quá nhiều vào đối tác cung cấp vốn, trong khi bản thân Cocobay là dự án tầm cỡ, có quy mô lên tới trên 10.000 tỷ đồng.

May mắn và cũng là chút "oxy" còn lại của Thành Đô hiện nay dường như trông chờ hết vào doanh thu của khu nghỉ dưỡng Naman Retreat nằm đối diện Cocobay do tập đoàn này làm chủ đầu tư đang vận hành khá ổn định.

Theo VnEconomy

Link gốc : http://vneconomy.vn/nhieu-doanh-nghiep-dau-tu-condotel-vi-sao-moi-cocobay-vo-tran-20191127125102509.htm

Bạn đang đọc bài viết Nhiều doanh nghiệp đầu tư Condotel, vì sao mỗi Cocobay “vỡ trận”? tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc