Khách hàng cần tìm hiểu kỹ lưỡng các dự án Condotel
Vài năm trở lại đây, sản phẩm này đang vướng phải sự tranh cãi quyết liệt giữa các bộ, ban ngành liên quan trong việc đi tìm “thân phận” cho condotel.
Mới đây, phân tích về những vướng mắc trong đầu tư, quản lý condotel, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã nhấn mạnh, đây là loại hình căn hộ du lịch lưu trú, nên phải hiểu đây là một loạt căn hộ, villa như khách sạn, khu nghỉ dưỡng để lưu trú. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trước đây khách sạn, villa thuộc 1 chủ sở hữu nhưng giờ chuyển hoá thành nhiều chủ sở hữu thứ cấp, dẫn đến việc có cấp quyền cho các chủ sở hữu thứ cấp không? Lưu trú ngắn hạn thì không sao còn lưu trú lâu dài thì sao, hạ tầng có đáp ứng được hay không? Đây là vấn đề cần xem xét.
“Việc này không chỉ giải quyết trong Luật Kinh doanh bất động sản mà còn trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai... Sắp tới tất cả sẽ được xem xét. Sẽ có luật để sửa các luật, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Cần xem xét các yếu tố: Thứ nhất là, xác định quyền sở hữu thứ cấp cho các chủ hộ. Thứ hai, yêu cầu đây là một sản phẩm mang tính lưu trú ngắn hạn thì phải điều chỉnh như thế nào, sẽ được làm rõ trong Luật”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty Luật Trương Anh Tú (TAT Lawfirm) trao đổi với Tạp chí Hòa Nhập cũng cho biết, bản chất đây là những dự án condotel mà nhà đầu tư xin giao đất sản xuất kinh doanh để xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhưng khi tiến hành xây dựng thì lại chào bán giống với các hoạt động kinh doanh bất động sản khác trên thị trường.
“Tôi cho rằng, đất giao sản xuất kinh doanh du lịch không thể trở thành đất ở. Trong trường hợp 'sổ hồng' được cấp cho căn hộ nghỉ dưỡng du lịch (condotel) thì đây là hiện tượng 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'. Các loại đất khác nhau sẽ gắn liền với các quy phạm pháp luật điều chỉnh khác nhau, chính vì vậy không có căn cứ để cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ (du lịch nghỉ dưỡng) trong trường hợp này” - Luật sư Thảo nhấn mạnh.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty Luật Trương Anh Tú (TAT Lawfirm) |
Ngoài ra, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cũng cho rằng, sự chông chênh về pháp lý của các căn hộ condotel sẽ gây ra những hệ quả rất phức tạp cho người sử dụng và người đầu tư, tiềm ẩn những rủi ro pháp lý khôn lường cho người dân, do chưa có sự thừa nhận của pháp luật. “Đây sẽ là một thiệt hại lớn đối với người mua” - Luật sư Thảo nhận định.
Nguy cơ "vỡ trận" cam kết lợi nhuận
Cũng trong sáng 25/11 vừa qua, trong bối cảnh chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng thông báo thừa nhận sẽ không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu có trao đổi với VnEconomy về vấn đề này.
Tiến sĩ cho rằng các dự án condotel không thể thực hiện được việc trả cho nhà đầu tư theo lợi nhuận cam kết 10-12%. Các chủ đầu tư cam kết mức lợi nhuận như vậy rất mỏng manh trong khi tình hình kinh tế của cả thế giới khó khăn chứ không đơn thuần chỉ kinh tế Việt Nam.
Toàn cảnh thị trường du lịch thế giới cũng như Việt Nam, trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tình hình thế giới thì xu hướng tất cả người dân trên thế giới thường cắt giảm chi tiêu. Đi du lịch là một trong những chi tiêu xa xỉ của con người, người ta sẽ tập trung lo vấn đề cơm áo gạo tiền, nhu cầu thiết yếu, giáo dục y tế còn đi du lịch sẽ trở thành dịch vụ xa xỉ phẩm và không được quan tâm nhiều như lúc thịnh vượng nữa.
Tiến sĩ Hiếu cho rằng, khi bất động sản nghỉ dưỡng chưa được định hình bởi pháp luật thế nào, ngay cả kể là nhà ở hay khách sạn hay cơ sở kinh doanh pháp luật cũng chưa định hình được thì việc tranh chấp này ra toà án giải quyết khó khăn. Ngay cả là loại hình nào còn chưa định hình được căn cứ vào đâu mà phát quyết được? Khi đã có tranh chấp mà nền tảng pháp lý chưa rõ ràng thì nhà đầu tư thứ cấp là người chịu rủi ro nhất.
Do vậy, nhà đầu tư thứ cấp cần tỉnh táo cân nhắc kĩ lưỡng về các dự án condotel được quảng cáo với mức lợi nhuận 'khủng', tránh nhận những mất mất lớn.
Dự án Condotel đầu tiên “vỡ trận” về lợi nhuận cam kếtMới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) - Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đã chính thức đã phát đi thông báo thừa nhận sẽ không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng... và đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại Cocobay Đà Nẵng. Theo nội dung trong thư gửi khách hàng, Công ty Thành Đô cho hay, việc kinh doanh loại hình Condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, gặp nhiều vướng mắc. Do đó, dù đã nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện cam kết về lợi nhuận với khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng, song tập đoàn này vẫn đành phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng. |
Phương Lê (T.H)/ Sở hữu trí tuệ