Chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng vừa chính thức thông báo chấm dứt việc chi trả chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng từ năm 2020. |
Liên quan tới việc không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng với khách hàng, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) - Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đã đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại Cocobay Đà Nẵng.
Cụ thể, khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm Condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.
Ngoài ra, hai bên có thể tiến hành thanh lý các Condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư sẽ hoàn lại tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký, nhưng Công ty Thành Đô sẽ chiết khấu một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh… và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Công Thành Đô. Thời hạn chi trả chậm nhất đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10%/năm đối với số tiền đó.
Đáng chú ý nhất là giải pháp, khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các Condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm; Hoặc vẫn giữ lại các Condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm, trong đó lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường. Sau 3 năm thì lợi nhuận cố định hoặc 80% lãi từ kinh doanh sản phẩm này.
Sự việc nêu trên đã nhanh chóng gây xôn xao dự luận, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản bởi Cocobay Đà Nẵng là dự án Condotel đầu tiên mà chủ đầu tư thất hứa với khách hàng về cái gọi là "cam kết lợi nhuận" khi hai bên ký hợp đồng mua bán.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công ty Luật TAT Law firm |
Nhận định về giải pháp của chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng nêu trên, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công Luật TAT Law firm cho rằng: “Việc tiếp tục trở thành Condotel là một điều không thể xảy ra, vì như chúng ta đã biết hiện nay loại hình condotel chưa được pháp luật ghi nhận, bản chất nó chính là khách sạn, một sản phẩm nghỉ dưỡng du lịch, lưu trú. Cho nên, nếu chọn giải pháp này thì còn tiếp tục bế tắc dài dài” - luật sư Thảo nói.
Giải pháp chuyển Condotel trở thành nhà ở, đất ở, khiến luật sư này hết sức kinh ngạc. Bởi lẽ, theo luật sư Thảo, Cocobay Đà Nẵng là một dự án về du lịch lưu trú được chính quyền địa phương cấp phép. Đất sử dụng trong trường hợp này chính là đất sản xuất kinh doanh đất thương mại dịch vụ và đã được nhà nước quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Cho nên, việc chuyển đổi thành nhà ở là điều bất hợp lý.
“Không hiểu nội dung này trước khi đưa ra với khách hàng đã được thông qua chính quyền địa phương và đã được chấp nhận hay chưa. Thế mà chủ đầu tư lại lạc quan đến thế, luật sư Thảo phân tích nhận định.
Nhận định thêm về các giải pháp chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đưa ra, vị luật sư này cũng cho rằng, một chi tiết hết sức vô lý là nếu khi chuyển sang đất ở nhà ở thì người mua nhà lại phải chịu thêm phí tổn 15% giá trị mua bán, đây chính là một sự đánh đố nhằm trực lợi của chủ đầu tư.
“Tôi hiểu rằng, công ty này có ý định thu 15% là để dự phòng chuẩn bị chi trả cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh dịch vụ sang đất ở, mà phải trả 100% tiền sử dụng đất. Như vậy, là người mua bất động sản phải bỏ tiền ra để mua bất động sản của mình”, luật sư Thảo nhấn mạnh.
Giải đáp những băn khoăn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, luật sư Thảo cho biết: “Đứng trước hiện tượng Condotel phát triển rầm rộ trong những năm qua, tất cả các cơ quan nhà nước đều biết hiện tượng này từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên một số cơ quan đã khá thờ ơ với sự việc này ví dụ như Bộ Tài nguyên & Môi trường hay là trực tiếp quản lý ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Trong khi đó Bộ Xây dựng vốn có rất ít có chức năng liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, thì lại tỏ ra nhiệt tình thái quá, thực tế chúng ta đều biết rằng việc xây dựng hoặc bán Condotel là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng không có cơ quan nào lên tiếng cảnh báo hay là ngăn chặn và hậu quả như đến ngày hôm nay thì chúng ta đã thấy là nó đã, đang và sẽ còn xảy ra nhiều hệ lụy cho xã hội.” LS Thảo nhấn mạnh.
Phân tích mô hình kinh doanh của Condotel, hiện một câu chuyện đang được lan toả chóng mặt trên mạng xã hội bởi giúp nhiều người nhìn rõ bản chất của vụ việc "vỡ trận" này.
Cụ thể: "Công ty BĐS mời bạn mua ngôi nhà 10 tỉ. Chỉ cần trả 3 tỉ. Họ sẽ thu xếp với ngân hàng cho bạn vay 7 tỷ. Bạn không cần quan tâm lãi phải trả cho ngân hàng vì công ty này cam kết sẽ thuê lại ngôi nhà đó để kinh doanh và trả tiền cho bạn đủ để bạn trả lãi ngân hàng đồng thời có thêm một khoản lợi nhuận bỏ túi. Nghe kèo có vẻ thơm. Trong cuộc chơi này ngân hàng tất nhiên không ngu. Họ sẽ giữ giấy tờ ngôi nhà đó chừng nào bạn chưa trả hết 7 tỉ gốc + lãi tiền vay. Thực tế thì đến lúc này, ngân hàng mới là chủ thực của ngôi nhà đó. Không phải bạn. Nếu không có đủ 10 tỉ thì bạn chỉ là người đi vay hộ cho công ty BĐS mà thôi. BĐS xuống giá. Lãi suất tiền vay tăng. Công ty BĐS kêu không kinh doanh được vì thị trường không nóng như kỳ vọng và không trả tiền thuê nhà cho bạn. Lúc này nếu không xoay ra đủ số tiền, ngân hang sẽ siết nợ ngôi nhà đó còn bạn mất 3 tỉ và mắc bệnh đau đầu mãn tính. Câu chuyện này được kể mấy năm trước bởi một anh có Facebook là Nguyen Van Bao. Giờ nó đang được tái hiện rõ ràng với những nhà đầu tư tại Cocobay và sắp tới có thể là hàng loạt cái tên đao to búa lớn khác".