Vừa qua, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) đã chính thức thừa nhận sẽ không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết cho khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Lý do đưa ra là do khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có nhiều vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án. Điều này khiến nhiều khách hàng đã rơi vào tình trạng 'tiến thoái lưỡng nan'.
Khách hàng mua condotel đang đối diện với ác mộng!
Với cam kết lợi nhuận hấp dẫn ở mức 8 - 12%/năm trong vòng 5 - 10 năm, condotel đã thu hút một lượng khách hàng 'khủng' và trở thành phân khúc hot nhất trong dòng bất động sản nghỉ dưỡng. Để có nguồn tiền mua condotel từng được quảng cáo là có lợi nhuận cao nhất thị trường cách đây vài năm, với tỷ lệ chi trả lãi suất lên đến 12%, thì nhiều nhà đầu tư đã phải vay vốn ngân hàng và trả lãi ngân hàng đều đặn.
Khi nộp đủ tối thiểu 95% tổng giá trị hợp đồng, họ sẽ đủ điều kiện được chủ dự án chi trả khoản thu nhập cam kết về lợi nhuận 12%/năm khi cho thuê lại chính tài sản đã mua từ chủ đầu tư.
Được biết, ngân hàng SHB vừa là đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ. Nhiều người mua nhà đã được SHB giải ngân vốn vay từ tháng 3/2017.
Ngân hàng SHB vừa là đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ. |
Ông Nguyễn Hải Long, người đại diện cho gần 700 chủ sở hữu, cũng là người đã bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng khi chia sẻ với Infonet, ông cho biết rất “sốc” khi nhận được thông tin chủ đầu tư tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận cam kết.
“Niềm tin đặt vào chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh, cho vay vốn, tôi nghĩ Ngân hàng SHB là ngân hàng chuyên nghiệp từ khi thẩm định dự án, quản lý dòng tiền của dự án, các giao dịch phải qua ngân hàng thì họ sẽ kiểm soát tốt dự án chi tiêu, hoạt động kinh doanh...”, ông Long nói.
Thế nhưng, câu chuyện không suôn sẻ như cam kết khi từ kỳ trả lợi nhuận cam kết đầu tiên của năm 2018 bắt đầu xảy ra trục trặc, ông Long cho biết, chủ đầu tư chậm trả lợi nhuận cam kết khoảng 2 tháng. Cho đến nay nhiều chủ sở hữu vẫn chưa nhận được tiền trả lợi nhuận cam kết của kỳ đầu năm 2019 từ chủ đầu tư...
“Ngày 16/11, chủ đầu tư họp khách hàng, tuyên bố chấm dứt việc trả lợi nhuận cam kết, đơn phương chấm dứt cam kết của họ tại Hợp đồng mua bán và đến ngày 23/11, chủ đầu tư gửi văn bản chính thức tới những người mua nhà.
Đối với những người mua nhà tại dự án, đặc biệt là đối với những người vay vốn ngân hàng như tôi cảm thấy vô cùng “sốc”, bởi lẽ nhiều người nghĩ rằng tiền thu từ cam kết của chủ đầu tư chủ yếu là trả lãi ngân hàng, nếu bây giờ chủ đầu tư không trả khoản này nữa thì không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng”, ông Long nói.
Tất nhiên không chỉ riêng ông Long, nhiều chủ sở hữu đầu tư vào condotel Đà Nẵng cũng đang lao đao như ngồi trên đống lửa vì không biết lấy tiền đâu trả lãi ngân hàng. Vì mỗi người khi bỏ tiền đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng ai cũng có mục đích cho đồng lợi nhuận mình mong ước có được. Đến giờ khi Cocobay Đà Nẵng 'vỡ trận', khách hàng phải “gánh” thêm tiền lãi vay mà không biết phải xoay sở ra sao.
Liên quan đến khoản lãi vay ngân hàng, theo cam kết, năm đầu ngân hàng cho vay 8%, nhưng sau đó lãi suất thả nổi theo phương thức lãi suất 13 tháng tiết kiệm trả sau cao nhất của SHB cộng với biên độ dao động từ 3,3 đến 4,5%, tùy từng trường hợp.
Và với cách tính này, hiện nay, các chủ sở hữu đang phải trả lãi vay ngân hàng từ 13,4 – 13,7%/năm, thậm chí có trường hợp cao hơn.
Chủ đầu tư: 'Đến giờ này chưa có thiệt hại cho khách hàng'
Trước tình hình khó khăn kể trên, chủ đầu tư đưa ra một số nhóm giải pháp để hai bên tiếp tục hợp tác kinh doanh.
Ở phương án thứ nhất, nếu muốn tiếp tục hợp tác cùng chủ đầu tư, khách hàng sẽ có hai lựa chọn, hoặc là chuyển condotel thành chung cư nhưng mất thêm phí chuyển đổi là 15%, hoặc vẫn giữ dự án condotel và nhận về một mức thu nhập cố định hoặc 80% lãi từ việc kinh doanh sản phẩm này.
Phương án thứ hai là khách hàng tự thanh lý hợp đồng mua bán và tự kinh doanh.
Còn phương án thứ ba, hai bên thanh lý các condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lại tiền theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký.
Ông Nguyễn Đức Thành - chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô. |
Chủ đầu tư của dự án Cocobay cho biết, các phương án này chưa phải là cuối cùng. Những cam kết vẫn có thể thay đổi. Mặc dù phải điều chỉnh lại những gì đã cam kết nhưng chủ đầu tư Cocobay vẫn khẳng định sẽ tiếp tục kinh doanh hình thức bất động sản này. Tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận sẽ thực tế hơn chứ không như lời hứa trước đây của chủ đầu tư.
Theo ghi nhận từ tuoitre, ông Nguyễn Đức Thành - chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô - cho biết loại hình condotel vỡ trận là đương nhiên, nhưng doanh nghiệp là người dũng cảm thừa nhận sự vỡ trận đó.
"Rất nhiều nơi đã vỡ trận lâu rồi nhưng không nói ra thôi. Nhưng tôi khẳng định đến giờ này chưa có thiệt hại cho khách hàng. Đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, không có nợ xấu ngân hàng.
Chúng tôi có tiềm lực tài chính để giải quyết vấn đề này trong năm 2020" - ông Thành nói.
Được biết, hiện nay khách hàng mua dự án Cocobay đã có công văn gửi tới SHB đề nghị đưa ra giải pháp hỗ trợ đối với các khoản vay và nợ nhưng ngân hàng vẫn chưa có phản hồi.
“Khi luồng tiền không đáp ứng, tôi đã đại diện cho các chủ sở hữu gửi công văn tới Ngân hàng SHB từ ngày 18/9 để đề nghị cùng nhau đưa ra giải pháp đối với các khoản vay nợ nhưng ngân hàng vẫn chưa có phản hồi nào”, ông Long thông tin thêm.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ