Trả lời câu hỏi của báo giới về ý tưởng miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa COVID-19, Chủ tịch Malpass khẳng định: "Chúng tôi không ủng hộ điều đó, vì điều này có nguy cơ cản trở sự đổi mới, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này." Ngoài ra, ông cũng một lần nữa kêu gọi các nước giàu nhanh chóng hỗ trợ các nước đang phát triển số vaccine đang dư thừa của mình.
Trước đó, WB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lên mức 5,6% trong năm 2021 và 4,3% trong năm 2022. Theo WB, mức tăng trưởng này có thể cao hơn nếu công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được đẩy mạnh tại các nước đang phát triển.
|
WB quan ngại về hệ quả của việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19 |
Phát biểu trên của Chủ tịch Malpass được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về sáng kiến của Ấn Độ và Nam Phi liên quan đến ý tưởng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) trong các ngày 8-9/6.
Sáng kiến này kêu gọi tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, các thiết bị và phương pháp điều trị COVID-19, đồng thời kêu gọi các công ty dược phẩm chia sẻ hiểu biết và dữ liệu của họ.
Chính phủ Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại WTO. Thông báo về vấn đề này, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh mặc dù quyền sở hữu trí tuệ là quan trọng đối với doanh nghiệp, tuy nhiên Washington ủng hộ dỡ bỏ biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa COVID-19.
Nhiều nước khác, trong đó có Pháp, Ấn Độ, New Zealand và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine toàn cầu GAVI đã hoan nghênh ý tưởng này. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn phản đối, cho rằng việc này sẽ tạo tiền lệ có thể gây tổn hại sự đổi mới, cải tiến trong tương lai đồng thời nhấn mạnh động thái này sẽ không giúp thúc đẩy sản xuất vaccine.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) lại vạch ra một kế hoạch mà cơ quan này cho là giải pháp hiệu quả hơn để tăng sản lượng vaccine ngừa COVID-19 so với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ và phù hợp với quy tắc hiện hành của WTO.
Theo đó, kế hoạch của EC gồm ba điểm chính. Thứ nhất, dỡ bỏ bớt các quy định về hạn chế xuất khẩu vaccine cũng như nguyên liệu bào chế vaccine. Thứ hai là các nhà sản xuất và các nhà phát triển vaccine cần có các cam kết cụ thể nhằm tăng nguồn cung cho các nước đang phát triển dễ bị tổn thương trong đại dịch và giá thành vaccine cung cấp đúng bằng chi phí đầu vào.
Thứ ba, các nhà sản xuất có thể sản xuất vaccine mà không cần được các chủ sở hữu bằng sáng chế chấp thuận chỉ khi các hãng này được các cơ quan chức năng có thẩm quyền của nước đó cấp phép.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo