Trong năm 2020, giá vàng đã có giai đoạn tăng ngoạn mục do kinh tế thế giới suy yếu và dịch Covid-19 bùng phát. Covid-19 buộc chính phủ các nước đồng loạt tung ra những gói kích thích kinh tế lớn, có nguy cơ khiến lạm phát gia tăng, giữa bối cảnh lãi suất thấp và căng thẳng địa chính trị gia tăng, khiến cho vàng là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều nhà đầu tư.
Giá vàng đã đạt đỉnh cao lịch sử là 2.072,50 USD/ounce vào tháng 8/2020, so với chỉ 1.300 USD hồi giữa năm 2019. Đó là giai đoạn giá vàng tăng mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ.
Sau đợt tăng đó, giá vàng đã giảm dần, xuống khoảng 1.900 USD/ounce, khi lợi suất trái phiếu Mỹ nhích lên và đồng USD ổn định. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng. Kết quả thăm dò của Reuters mới đây cho thấy, các nhà phân tích dự báo giá vàng sắp tới sẽ hồi phục chậm, song vẫn tiếp tục đi lên, thậm chí có thể sẽ lập kỷ lục cao mới, và giá trung bình năm 2021 sẽ gần 2000 USD/ounce.
Bên cạnh đó, bầu cử năm nay có nhiều người gửi phiếu qua đường bưu điện do dịch Covid-19, có thể dẫn tới sự nhầm lẫn trong quá trình kiểm phiếu khiến cho việc công bố kết quả bị chậm lại, trong khi Tổng thống Trump tuyên bố ông không chấp nhận chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trong trường hợp thua ở cuộc bầu cử tháng 11, làm dấy lên những lo ngại về nhiều yếu tố bất trắc.
|
Những thông tin gần đây liên quan đến hiện tượng nhiễm Covid-19 của Tổng thống Trump cũng là một yếu tố tạo nên sự thiếu chắc chắn về những tuần cuối cùng trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
Tất cả những yếu tố trên, từ khủng hoảng sức khỏe tới bất ổn kinh tế và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ gây tâm lý hoang mang khiến nhà đầu tư xa lánh thị trường chứng khoán đang biến động rất mạnh để tìm tới vàng.
Tóm lại, trong trường hợp Tổng thống Trump tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì chính quyền của ông ở nhiệm kỳ thứ 2 này sẽ có rất nhiều thăng trầm, ít nhất cũng bằng nhiệm kỳ đầu. Còn nếu ông Biden đắc cử, chính quyền Mỹ có thể sẽ trở về gần như những chính quyền trước, với mong muốn khôi phục lập trường đa phương trong lĩnh vực đối ngoại, tức là sẽ ít gây biến động liên quan đển rủi ro chính trị và căng thẳng quốc tế.
Tuy nhiên, mặc dù hai ứng cử viên đại diện cho những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ các chính sách trong nước đến vai trò của Mỹ trên trường quốc tế, song mục đích của cả 2 ông, từ gần hạn đến trung hạn, sẽ đều là nỗ lực kích thích kinh tế phục hồi để vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ