Hà Nội, Thứ Năm Ngày 05/12/2024

“Đất vàng” Tổng công ty đường sắt bị thu hồi do sử dụng sai mục đích

DTVN 11:17 12/10/2020

Được biết, trước đây 2 lô đất vàng có địa chỉ tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu được Nhà nước giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thuê và thời hạn thuê đất đã hết từ năm 1996.

Số phận nào cho hai lô đất vàng

Được biết, trước đây 2 lô đất vàng có địa chỉ tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu được Nhà nước giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thuê và thời hạn thuê đất đã hết từ năm 1996. Nhưng đến tháng 5/2013, VNR lại thỏa thuận với Công ty TNHH Hà Thành hợp tác đầu tư, sở hữu, quản lý và kinh doanh khách sạn tại khu đất số 80 Lý Thường Kiệt và số 22 Phan Bội Châu. Theo đó, hai bên hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn để đầu tư xây dựng và khai thác khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại các khu đất trên theo tỷ lệ góp vốn 50/50.

Trong khi Công ty TNHH Hà Thành góp vốn bằng tiền mặt, thì VNR góp bằng tài sản và quyền thuê đất tại 2 lô đất, được định giá 30 tỷ đồng, bằng 50% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn. Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn đã được UBND TP Hà Nội cho thuê đất để thực hiện dự án khách sạn 4 sao theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa VNR và Công ty TNHH Hà Thành.

Đối với số 80 Lý Thường Kiệt diện tích 717,4m2 tài sản trên đất có khách sạn 5 tầng đang quản lý, sử dụng theo nguyên trạng do hết hạn hợp đồng thuê đất từ năm 1996 nhưng vẫn chưa có thủ tục thuê lại.

Lô đất tại 22 Phan Bội Châu diện tích 261m2 tài sản trên đất là nhà để xe hết hạn hợp đồng thuê đất 2015.

Tuy nhiên, chỉ trong hơn 2 năm hoạt động (2013 - 2015), trong khi chờ thực hiện khách sạn 4 sao mới, tổng lỗ lũy kế kể từ khi được chuyển giao cho đối tác lên tới hơn 4 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, do những bất đồng giữa 2 bên góp vốn, khách sạn đóng cửa hoàn toàn, không có bất cứ nguồn thu nào, nhưng được biết mỗi năm vẫn trả hàng tỷ đồng tiền thuê đất cho Nhà nước.

Theo kết luận Thanh tra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương và quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu. VNR không xây dựng phương án lập pháp nhân mới nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Hà Thành. Quá trình góp vốn VNR đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở. Trong khi đó đơn vị thẩm định giá trị tài sản góp vốn là xấp xỉ 67,5 tỉ đồng.

Tháng 3/2020, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phải thu hồi 2 lô đất "vàng" số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) về cho Nhà nước sau 4 năm Kết luận thanh tra số 2222 năm 2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ được ban hành. Theo thanh tra Chính phủ cho biết, 2 lô đất "vàng" bị VNR đem góp vốn đầu tư ngoài ngành sai quy định nhưng tới nay lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chưa kiểm điểm trách nhiệm theo kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng yêu cầu VNR tiếp tục thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với lô đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Thu lợi bất chính từ việc tận dụng lô đất để kinh doanh

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính lập phương án sử dụng hai lô đất trên đảm bảo hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết quả xử lý sau thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực theo thông báo số 165/TB-VPCP năm 2018 liên quan đến việc góp vốn của VNR tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt - 22 Phan Bội Châu (Hà Nội) đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước. “Nếu không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự”, văn bản nêu rõ.

Mặc dù có kết luận của Thanh tra Chính phủ cùng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc thu hồi đất vàng để trả về cho Nhà nước, thế nhưng theo quan sát và tìm hiểu của PV, hiện tại khách sạn Thương mại Sài Gòn ở địa chỉ 80 Lý Thường Kiệt đang đóng cửa, còn khu đất 22 Phan Bội Châu lại biến thành bãi trông xe, có bảo vệ trông nom và sau khi xe ra vào đều được khóa cửa cẩn thận.

Vậy, ai là người đứng sau thu lợi bất chính từ việc tận dụng lô đất để kinh doanh làm bãi giữ xe và nguồn thu từ điểm kinh doanh này về đâu?

Để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong việc góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu, lãnh đạo VNR phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật đang là những câu hỏi mà dư luận đang thắc mắc trong khi quỹ đất công cộng Thủ đô còn đang vô cùng thiếu hụt.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dat-vang-tong-cong-ty-duong-sat-bi-thu-hoi-do-su-dung-sai-muc-dich-d83618.html

Bạn đang đọc bài viết “Đất vàng” Tổng công ty đường sắt bị thu hồi do sử dụng sai mục đích tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản