Giảm giá nhưng vẫn không có người thuê
Dịch bệnh kéo dài đã khiến tình hình kinh doanh, dịch vụ giảm sút, nhiều khách thuê đã phải trả mặt bằng, kéo theo đó là tỷ lệ mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại và các vị trí đắc địa như phố cổ gia tăng rõ rệt.
Theo khảo sát, kể từ đầu tháng 5 đến nay, thị trường mặt bằng cho thuê tại Hà Nội liên tục giảm sâu. Đặc biệt, ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội do lây từ ổ dịch Đà Nẵng, nhiều chủ nhà có mặt bằng cho thuê đã giảm giá thuê tới 50%, song, người đi thuê mặt bằng kinh doanh thời điểm này vẫn đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều chủ nhà cũng cho biết, dù có giảm nữa lượng khách thuê cũng không có, bởi rất ít người mạo hiểm trong việc mở cửa hàng mới kinh doanh giai đoạn này. Thậm chí, nhiều người còn rục rịch muốn trả lại mặt bằng khi dịch bệnh quay trở lại Hà Nội.
Theo số liệu của Savills Việt Nam, có khoảng 50% đơn vị bán lẻ có mức doanh thu sụt giảm trên 50% trong và sau giai đoạn Covid-19 bùng phát đợt 1. Bên cạnh đó, đại dịch cũng đã tác động đến thu nhập cũng như tâm lý tiêu dùng của khách hàng, nguồn cầu ở hầu hết các mặt hàng bán lẻ đều giảm, các công ty và đơn vị bán lẻ hiện không thể tiếp tục kế hoạch mở rộng quy mô.
Tiếp đến những ảnh hưởng của dịch đợt cuối tháng 7 khiến mặt bằng bán lẻ khu phố cổ Hà Nội nhiều tháng qua đã ế ẩm lại chẳng ai thuê, vị trí "vàng" có thể giảm tương đương 30-40% nhưng vẫn không cải thiện được tình thế.
Chia sẻ với báo Thanh tra, ông Ngô Văn Hùng, chủ một cửa hàng cho thuê trên phố Hàng Bông cho biết, lượng người hỏi thuê mặt bằng rất ít dù giá thuê ông đã giảm tới 30% trong 6 tháng. Khi mặt bằng chưa có người thuê thì dịch COVID-19 quay trở lại.
"Cửa hàng nhà tôi nằm ở phố lớn thuộc trung tâm nên trước đây chưa bao giờ ế khách thuê. Giá cho thuê cũng cao nhất, nhì Hà Nội. Từ khi dịch bệnh này xuất hiện, người thuê trả lại cửa hàng do kinh doanh không có lãi, tôi đã sửa sang lại và giảm hẳn 50% giá thuê trong 6 tháng. Tuy nhiên, tôi cũng không hi vọng nhiều và có thể phải mất chừng 1 năm nữa thì mặt bằng cho thuê mới ổn định. Chưa bao giờ mặt bằng cho thuê lại phải đi tìm khách thuê khó khăn đến vậy", ông Hùng cho biết.
Ông Hùng không phải là người duy nhất có mặt bằng cho thuê mà không tìm được khách thuê. Nếu như trước kia, bất động sản phố cổ thậm chí được coi là đất "kim cương" thì sau hai đợt dịch, giá cho thuê mặt bằng phố cổ trung bình đã giảm từ 10 - 30% nhưng vẫn không có người thuê.
Có thể là 1 năm để hồi phục lại thị trường mặt bằng cho thuê tại phố cổ. |
Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh, tình trạng nhà mặt phố Hà Nội, nhất là khu vực phố cổ xuống giá cho thuê trong thời gian gần đây là một điều dễ hiểu, do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.
Vị chuyên gia này lý giải, phố cổ Hà Nội vốn là nơi có đặc thù văn hóa, là nơi tập trung nhiều địa điểm tham quan du lịch và phần lớn việc kinh doanh phụ thuộc nhiều vào lượng khách quốc tế, vì vậy khi không có khách du lịch, tình hình kinh doanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá cho thuê mặt bằng tại phố cổ luôn ở mức cao nên những người kinh doanh khó có thể trụ nổi nếu tiềm lực tài chính không mạnh.
Ngoài ra, sự lên ngôi của kinh doanh online, thương mại điện tử trong mùa dịch cũng khiến nhiều người từ bỏ mặt bằng truyền thống để cắt giảm chi phí. Rõ ràng xu hướng số hóa sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nên việc các doanh nghiệp tái cấu trúc lại hoạt động để đem lại hiệu quả cao nhất là điều bắt buộc.
"Xu hướng thuê nhà mặt phố và trung tâm thương mại sẽ giảm trong tương lai", ông Thịnh dự báo.
Một chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, sẽ cần một thời gian dài, có thể là 1 năm để hồi phục lại thị trường mặt bằng cho thuê tại phố cổ, tuy nhiên giá thuê cũng sẽ giảm từ 10% - 20% so với thời kỳ “hoàng kim”.
Mặt bằng khu vực khác lên ngôi
Trong khi đó, trái ngược với tình trạng ế ẩm ở khu phố cổ, phố cũ của Hà Nội, các quận khác như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy… mặt bằng vẫn được các cơ sở kinh doanh tìm kiếm.
Trao đổi với vov, anh Nguyễn Dũng một môi giới bất động sản cho biết, vừa giới thiệu được 3 khách thuê mặt bằng khu vực Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Các cửa hàng, mặt bằng kinh doanh nhất là những nơi có diện tích vừa phải vẫn thường xuyên được tìm kiếm và khách vẫn có nhu cầu thuê nhưng không phải khu trung tâm, đất vàng của Hà Nội.
“Khách thuê đa phần là dịch vụ ăn uống hay bán các mặt hàng phục vụ đời sống nên họ thuê ở các quận khu vực đông dân cư tập trung của Hà Nội, nhiều cơ sơ kinh doanh, trường học chứ không tìm kiếm mặt bằng trên phố lớn trung tâm hay quanh hồ Hoàn Kiếm” - anh Dũng chia sẻ.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, dịch bệnh khiến mặt bằng kinh doanh bán lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng và giảm sút rõ. Cùng với khu vực kinh doanh lưu trú, dịch vụ thương mại cũng chịu ảnh hưởng nặng nề đặc biết là khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội.
“Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch thiệt hại nặng nề và trực tiếp. Các cơ sở kinh doanh lưu trú, kèm với đó là cơ sở dịch vụ phục vụ du khách sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng. Không có khách du lịch thì khách sạn đóng cửa, cửa hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống không thể kinh doanh được.
Đối tượng kinh doanh của các cửa hàng ở phố cổ Hà Nội là du khách thế nên mặt bằng trống tăng lên là điều bình thường, khi ngành du lịch hoạt động bình thường mặt bằng này sẽ được lấp đầy trở lại” - ông Điệp cho biết.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ