Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, tại một số đồ án quy hoạch xây dựng chưa tính toán cụ thể về dân số của loại hình bất động sản căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (offcicetel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), nhà thương mại liên kết (shophouse)…. Hiện tại, nhiều chủ sở hữu, chủ sử dụng, vận hành bất động sản tạo ra nhiều bất cập, vướng mắc.
Thực tế, quy định pháp lý ràng buộc trong quan hệ hợp đồng giữa các nhà đầu tư ban đầu và thứ cấp còn thiếu. Các địa phương còn lúng túng trong việc cấp giấy tờ sở hữu condotel, officetel, shophouse...
Theo đề nghị mới của Bộ Xây dựng, các địa phương sẽ quản chặt các mô hình bất động sản kể trên. Cũng theo bộ này, khi thị trường khó khăn, một số chủ đầu tư xin chuyển đổi condotel, officetel sang căn hộ tạo thành áp lực lên hệ thống hạ tầng của khu vực.
Số liệu từ Bộ Xây dựng về thị trường nhà ở, bất động sản quý II cho thấy lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép tăng hơn so với quý I, đặc biệt là ở những địa phương trọng điểm: Khánh Hoà, Phú Yên, quý I không có dự án nào nhưng quý II thêm 2-3 dự án được cấp phép.
Cũng theo Bộ Xây dựng, 668 căn condotel đã được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Dù vậy, so với quý trước, số nghiệm thu chỉ bằng 27%. Quý này tiếp tục không có căn biệt thự du lịch nào được nghiệm thu nhưng văn phòng kết hợp lưu trú từ 0 nhảy vọt lên 931 căn.
Thời gian qua, trước việc condotel (căn hộ - khách sạn) phát triển nóng, nhưng pháp lý vẫn chưa hoàn thiện, tiềm ẩn rủi ro cao, các ngành, địa phương đã đồng loạt ban hành quyết định quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình này.
Trước đó, đáng chú ý là báo cáo của Bộ Công an gửi Thủ tướng Chính phủ về bất cập đối với loại hình này, đồng thời đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp phép dự án mới, không cho phép chuyển đổi condotel thành nhà ở.
Sau văn bản kiến nghị của Bộ Công an, tỉnh Bình Định là địa phương đầu tiên chỉ đạo Sở Xây dựng tạm dừng cấp phép xây dựng với các dự án căn hộ, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Văn bản tương tự cũng được UBND TP. Hà Nội ban hành vào cuối tuần trước. Song, Hà Nội không chỉ đạo tạm dừng cấp phép dự án mới, mà giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch và UBND các quận, huyện rà soát lại tất cả các dự án gần đây, đảm bảo theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Bày tỏ ý kiến về động thái mới đây của Bộ Xây dựng, trao đổi với Kinh tế & Tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) đánh giá, condotel là một sản phẩm lưu trú rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch theo chiến lược mà Thủ tướng đã phê duyệt.
"Để đáp ứng được nhu cầu theo chiến lược của Thủ tướng, Việt Nam cần rất nhiều dự án lưu trú như condotel.
Tuy nhiên, việc triển khai loại hình này cần có lộ trình và theo từng giai đoạn. Bởi theo thống kê của hiệp hội, những dự án condotel được cấp phép và đang triển khai đã tăng lên một con số khá lớn", ông Đính cho biết.
Theo vị chuyên gia này, động thái của Bộ Xây dựng là cần thiết. Bởi nếu cứ cho phát triển một cách ồ ạt và dồn dập sẽ gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung như hiện nay.
Chưa kể, theo ông Đính, trên thị trường đang còn rất nhiều dự án dở dang và chuẩn bị triển khai.
Nếu trong một, hai năm tới mà phát triển hết lượng dự án này, tình trạng lệch pha cung cầu sẽ là tất yếu. Điều này gây lãng phí nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ngoài ra, theo ông Đính, trong việc rà soát khâu cấp mới chắc chắn sẽ rà soát cả những chủ đầu tư đã triển khai dự án. Đây cũng là cơ hội để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém.
"Quan trọng nhất vẫn là phải có sự tham gia của các nhà đầu tư bởi nếu không, doanh nghiệp sẽ buộc phải tính đường khác như bán hay chuyển nhượng dự án...", Phó Chủ tịch VARs nhấn mạnh.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ