Hà Nội, Thứ Ba Ngày 15/10/2024

Vụ doanh nghiệp bị dân tố “thay” chính quyền cưỡng chế: Có dấu hiệu hủy hoại tài sản?

DTVN 09:54 10/10/2020

Doanh nghiệp bị tố tự ý tổ chức đưa máy móc, nhân công tổ chức cưỡng chế, đập phá công trình của công dân gây thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Như đã thông tin trước đó, “chuỗi” công trình xây dựng trái phép trên đất ruộng (thửa đất số 67, tờ bản đồ số 5) của gia đình bà Hoàng Thị Lý (tổ 7, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) là công trình xây dựng trái phép từ năm 2008-2009.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, không có quyết định cưỡng chế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Trại Cau ban hành nhưng Công ty Thiên Phúc đã điều động máy móc, nhân công tổ chức cưỡng chế, đập phá nhà của công dân gây thiệt hại lớn về tài sản.

Hình ảnh buổi doanh nghiệp tổ chức "cưỡng chế".

Theo lời ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty Thiên Phúc trước khi tổ chức, tiến hành cưỡng chế một phần thuộc “chuỗi” công trình xây dựng trái phép tại thửa đất số 67, tờ bản đồ số 5 của hộ gia đình bà Hoàng Thị Lý, phía Công ty, bà Dương Hà Chinh, Phó giám đốc Công ty đã “ban hành” hai văn bản thông báo gửi về đến gia đình và chính quyền địa phương. Nội dung nêu rõ nếu không tự tháo dỡ và di chuyển phía công ty sẽ tiến hành tháo dỡ toàn bộ những công trình trên”. Hạn chót là trước ngày 26/7/2019.

Điều phi lý là, toàn bộ diện tích đất số 67, tờ bản đồ số 5 đang thuộc sở hữu của gia đình bà Hoàng Thị Lý, chưa chuyển nhượng cho bất kì, cá nhân tổ chức nào nhưng ông Đỗ Khắc Thân, Giám đốc Công ty Thiên Phúc lại tự nhận rằng đây là đất của ông và ông có quyền phá dỡ công trình?

Trước đó, ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau khẳng định thửa đất số 67 của hộ gia đình bà Hoàng Thị Lý chưa chuyển nhượng cho cá nhân ông Thân hay Công ty Thiên Phúc.

Theo phản ánh của người dân, sáng ngày 25/7/2019 phía doanh nghiệp đã đưa máy móc, nhân công xâm phạm khu đất công dân và phá hủy một phần công trình của công dân bất chấp bị người dân phản ứng.

Công trình xây dựng trái phép, vi phạm thì trách nhiệm, thẩm quyền xử lý thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người dân cho rằng, việc doanh nghiệp Thiên Phúc tự soạn thảo văn bản thông báo cưỡng chế thay chính quyền để gửi người dân, yêu cầu người dân thực hiện, tự ý tổ chức cưỡng chế công trình của người dân là những hành vi có dấu hiệu trái pháp luật.

Nhưng đến nay, những hành vi này của Công ty Thiên Phúc vẫn không bị cơ quan chức năng xem xét, kiến nghị xử lý.

Tại buổi do Công ty Thiên Phúc cưỡng chế, người dân địa phương đã nhiều lần lên tiếng đề nghị phía công ty chấm dứt hành vi tổ chức cưỡng chế có dấu hiệu trái pháp luật. Tuy nhiên, họ đã không dừng lại.

Hậu quả, toàn bộ công trình kiên cố bị đập phá, nát vụn. Bà Hoàng Thị Lý, người xây dựng công trình trên cho biết, tổng giá trị thiệt hại của gia đình ước tính gần 100 triệu đồng. Phía gia đình “cầu cứu” đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, có biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của công dân.

Theo chuyên gia tư vấn luật, nếu đúng như những gì người dân phản ánh, hành vi của công ty Thiên Phúc có dấu hiệu tội hủy hoại tài sản. Hành vi cố ý hủy hoại tài sản tại trường hợp này khiến tài sản mất hẳn giá trị sử dụng của nó, không thể khôi phục lại được, giá trị tài sản bị hủy hoại, thiệt hại trên 2 triệu đồng nên cần xem xét trách nhiệm hình sự.

Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

  1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
  3. a) Có tổ chức;

  1. c) Gây hậu quả nghiêm trọng;

  1. g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.

Rất cần cơ quan chức năng huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) vào cuộc xác minh, làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PV/Theo Sở Hữu Trí Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Vụ doanh nghiệp bị dân tố “thay” chính quyền cưỡng chế: Có dấu hiệu hủy hoại tài sản? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị