Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vụ 'thâu tóm' đất ở Bình Dương: Một mình bà Hường không thể làm tất cả, ai đứng sau?

Mai Hương(T/H) 11:24 18/06/2020

Có những năm như 2018, bà Hường liên tiếp được giao 8 khu đất phân lô, bán nền. Tốc độ cấp phép của UBND tỉnh Bình Dương cho bà Hường cũng “thần tốc”. Rõ ràng sai phạm không chỉ do doanh nghiệp.

Từ thương vụ "thâu tóm" đất của bà Hường, Nhà nước đã mất bao nhiêu tiền?

Gần đây, dư luận xôn xao về câu chuyện tại Bình Dương, nữ đại gia "khét tiếng" trong giới đầu tư bất động sản Phạm Thị Hường phân lô tách thửa hơn...1.000 ô đất trái phép trong thời gian thần tốc tại 9 khu đất nông nghiệp, đất quy hoạch công viên cây xanh có tổng diện tích 101.353m2. Tuy nhiên, bất ngờ là câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó.

Giới đầu tư bất động sản đều biết hầu hết dự án do doanh nghiệp (DN) của bà Phạm Thị Hường làm chủ ở tỉnh Bình Dương (Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam) thường có nguồn gốc đất là đất nhà máy, xí nghiệp.

Có thể kể tên một số nhà máy xí nghiệp đã bị bà Hường “thôn tính” như Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Lộc Phát, Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Thương mại Thiên Phát (dự án Phú Hồng Đạt); Công ty TNHH sứ kỹ thuật Minh Long (dự án Phú Hồng Phát); Công ty TNHH Tấn Thành, Công ty TNHH Tấn Tài (dự án Phú Gia Huy); Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Trúc Lâm (dự án Phú Hồng Khang); Công ty CP Trang trí nội thất Hiệp Hòa Phát (dự án Phú Hồng Thịnh IX); Công ty CP Cơ khí Xây dựng Công trình 623 (dự án Phú Hồng Thịnh VI); Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Mỹ Ý (dự án Phú Hồng Thịnh VIII); Công ty CP Cơ khí Xây dựng Công trình 624 (dự án Phú Hồng Thịnh X)…

Khi đã hết đất nhà máy xí nghiệp, bà Hường và tỉnh Bình Dương thậm chí còn lấy đất nông nghiệp chuyển thẳng sang đất ở đô thị phân lô, bán nền (dự án Phú Huy).

Các dự án do doanh nghiệp của bà Phạm Thị Hường làm chủ tại Bình Dương (Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam…), đều là dự án nhà ở thương mại, được xác định ngay từ cái tên “Khu nhà ở thương mại”. Thế nhưng, doanh nghiệp đã “lách” khâu đấu giá đất.

Điển hình tại dự án Phú Hồng Đạt, doanh nghiệp do bà Hường làm chủ không có nổi một mét vuông đất ở. Dự án được tạo thành từ 4 khu đất thuê của Nhà nước, đất trồng cây lâu năm, đất công... tổng diện tích 29.556,6m2 (sau này trong văn bản gửi cơ quan chức năng Trung ương, Bình Dương lại báo cáo tổng diện tích dự án là 30.400m2; chưa rõ 840m2 dôi ra “mọc” từ đâu).

Để có khu đất này, đầu tiên, ngày 30/5/2018, bà Hường nhận chuyển nhượng của Công ty Thiên Phát 7.000m2 đất thuê Nhà nước từ năm 2002 (loại đất xây dựng công trình công nghiệp).

Chỉ 1 tuần sau, dù mới có 7.000m2 đất thuê, bà Hường đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại tại Công văn 2497/UBND-KTN ngày 7/6/2018. Tình tiết này khiến dư luận càng băn khoăn: Có “lợi ích nhóm” hay không, mà UBND tỉnh Bình Dương lại ra một văn bản chấp thuận chủ đầu tư có nội dung phi lý như vậy trong một khoảng thời gian “nhanh bất thường” nếu so với các dự án khác được khảo sát?

Gần 75 ngàn mét vuông đất thuê của Nhà nước, đất công… đã bị “thôn tính” tại dự án Phú Hồng Khang - Phú Hồng Đạt.

Trong khi đó, điểm a khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định, với các trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán; muốn Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thì buộc phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Luật Nhà ở 2014 ra đời một năm sau đó cũng kế thừa, phát triển, thống nhất với quy định trên. Để được làm chủ đầu tư một dự án nhà ở thương mại, không chỉ phải tuân thủ Luật Đất đai, mà còn phải tuân thủ Luật Nhà ở. Trước tiên, doanh nghiệp phải được chỉ định làm chủ đầu tư dự án theo Điều 22 Luật Nhà ở.

Theo đó, doanh nghiệp phải có đất “sạch” thuộc một trong các trường hợp: 1. Hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; 2. Hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; 3. Hoặc sử dụng diện tích đất ở (đất thổ cư) thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng; 4. Hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất ở (đất thổ cư) theo quy định Luật Đất đai.

Tất cả các loại đất khác như đất thuê của Nhà nước, đất nông nghiệp, đất trồng cây… thì doanh nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng hoặc mua tài sản trên đất (với đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm), buộc phải qua đấu giá, đấu thầu, mới trở thành đất “sạch”, có thể lập dự án nhà ở thương mại.

Như vậy, nguồn gốc đất dự án kể trên phải trải qua đấu giá đất thì mới được phép thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhưng bằng cách nào đó khâu này đã được bỏ qua.

Không chỉ dừng lại ở dự án Phú Hồng Đạt không trải qua đấu giá đất, tình huống tương tự tiếp tục xảy ra khi ngày 3/7/2018, bà Hường tiếp tục nhận chuyển nhượng của Công ty Lộc Phát mảnh đất bên cạnh 21.000m2 thuê của Nhà nước (trong đó 4.989m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm; 16.811m2 đất xây dựng công trình công nghiệp Nhà nước cho thuê từ 2008).

Như đã phân tích trong phần 1, theo Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014, những diện tích này vì không phải là đất ở (đất thổ cư), muốn làm dự án xây nhà thương mại, phải đấu giá. Thế nhưng, 10 ngày sau, ngày 13/7/2018, UBND tỉnh Bình Dương vẫn có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Công văn 3155/UBND-KTN.

Bỏ qua khâu đấu giá đất, ngày 25/7/2018, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng ký Quyết định 2029/QĐ-UBND, giao đất và cho doanh nghiệp của bà Hường chuyển mục đích sử dụng toàn bộ diện tích đất trên.

Diện tích dự án vẫn tiếp tục “phình” lên, khi 3 ngày sau, ngày 16/7/2018, bà Hường nhận chuyển nhượng từ cá nhân bà Hà Thị Hồng 113m2 đất trồng cây lâu năm sáp nhập vào khu đất.

Cùng ngày 16/7/2018, Bình Dương có “văn bản xác nhận” giao 576,1m2 đất công cho doanh nghiệp bà Hường. Theo Luật Đất đai và Luật Quản lý tài sản công, muốn giao đất công cho doanh nghiệp chuyển mục đích, phải đấu giá.

Đến tháng 9/2018, dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp “sổ đỏ” cho Phú Hồng Thịnh đứng tên 301 lô đất xây nhà liên kế. Hơn 30 ngàn mét vuông đất thuê Nhà nước, đất trồng cây, đất công… đã được UBND tỉnh Bình Dương và bà Hường hoàn thành việc hợp thức hóa trái phép sang phân lô, bán nền chỉ trong chưa đầy 4 tháng.

Khu đô thị Phú Hồng Khang - Phú Hồng Đạt có nguồn đốc đất là đất phi nông nghiệp, đất công nghiệp đã được đổi thành đất ở đô thị trái quy định.

Tất cả các dự án khác của bà Hường đều có dấu hiệu sai phạm tương tự. Càng nhiều dự án có tên “Phú” mọc lên (là cái tên đặc trưng của các dự án do bà Hường làm chủ), đất đai càng bị thất thoát, dư luận lại có thêm nhiều dấu hỏi. Rằng Nhà nước đã mất bao nhiêu tiền khi bà Hường và UBND tỉnh Bình Dương trốn đấu giá nửa triệu mét vuông đất trong gần 20 dự án nhà ở do bà Hường thực hiện?

Trong khi đó có hàng trăm ngàn người lao động tại Bình Dương đang không có “chốn dung thân”, không có những dự án nhà ở xã hội cho người lao động nghèo trên địa bàn tỉnh, trong khi rất nhiều khu đất lớn thuộc sở hữu toàn dân lại được giao sai luật cho cá nhân để tạo dựng khối tài sản cá nhân khổng lồ, bất minh, thu lợi "cá nhân", lợi ích nhóm bất chính?

Rõ ràng một mình bà Hường không thể nào thực hiện thành công hàng loạt các thương vụ "thâu tóm" đất công không qua đấu giá như vậy được. Đây là những sai phạm có tính hệ thống, được lặp lại liên tục qua nhiều năm, ở nhiều dự án dưới một chủ đầu tư là bà Phạm Thị Hường.

Sai phạm chồng sai phạm khi các dự án này đều bỏ qua khâu đấu giá, làm dấy lên nghi vấn, liệu có hay không chuyện doanh nghiệp do bà Hường đứng tên có phải là “sân sau” của một thế lực nào khác?

Một mình bà Hường không thể thực hiện tất cả dự án sai phạm

Nhìn vào sai phạm từ vụ việc bà trùm khét tiếng Phạm Thị Hường thâu tóm đất công, liên tục tách thửa hàng ngàn ô đất trái pháp luật trong thời gian thần tốc, Reatimes nhận được phản ánh và kiến nghị của nhiều doanh nghiệp. Nhiều dấu hỏi được đặt ra là:

Thứ nhất, tại sao có doanh nghiệp tiếp cận đất đai được và có doanh nghiệp lại không tiếp cận được?

Thứ hai, tại sao có doanh nghiệp được tiếp cận và phê duyệt nhiều dự án trong một khoảng thời gian ngắn đến “bất thường”, trong khi có nhiều doanh nghiệp phải xếp hàng chờ đợi “dài cổ”?

Thứ ba, có hay không việc không bình đẳng khi thiết lập “cuộc chơi”? Cơ hội đối với các doanh nghiệp là không giống nhau, chưa bình đẳng? Nhiều doanh nghiệp vẫn luôn trong thế bị động, khó khăn khi muốn tiếp cận quỹ đất tại các địa phương trong khi có những doanh nghiệp lại nhận được sự “chủ động” của chính quyền?

Thứ tư, tình trạng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật đất đai, gây thất thoát ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã bị xử lý ra sao? Hình thức xử lý có tương xứng với trách nhiệm và vi phạm đã xảy ra?

Thứ năm, trách nhiệm và con đường tiến thân của những vị lãnh đạo, quản lý cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương khi đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai hiện nay ra sao?

Để thực hiện một dự án nhà ở thương mại, luật quy định rất chặt chẽ. Tỉnh phải thẩm định nguồn gốc có phải đất ở không, dự án phù hợp quy hoạch không, ra văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, thẩm duyệt thiết kế PCCC…

Còn có thủ tục bắt buộc khác như làm tờ trình, ra quyết định giao đất, đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng…

Tuy nhiên, những hành vi trái quy định vẫn xảy ra tương tự nhau và mang tính hệ thống là do đâu? Trong khi đó có những năm như 2018, bà Hường liên tiếp được giao 8 khu đất phân lô, bán nền. Tốc độ cấp phép của UBND tỉnh Bình Dương cho bà Hường cũng “thần tốc”, có khi trong cùng một ngày, buổi sáng Sở Tài nguyên và Môi trường làm tờ trình, thì buổi chiều lãnh đạo tỉnh đã ký quyết định giao đất.

Để gây ra tình trạng nêu trên, nguyên nhân không chỉ đến từ doanh nghiệp. Nguyên nhân chính đến từ những cán bộ vi phạm pháp luật, buông lỏng quản lý, bất chấp mọi quy định để cấp phép sai, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch...

Chính tình trạng buông lỏng quản lý, hiện tượng tiếp tay, chưa xử lý kiên quyết, nghiêm minh, triệt để tình trạng này; thậm chí, có nhiều dấu hỏi về “lợi ích nhóm” đằng sau những vụ phân lô, bán nền trái phép, với nhiều thủ đoạn, chiêu trò tinh vi để lách luật mà những vụ việc kể trên tại Bình Dương là một điển hình.

Những dấu hiệu về việc ưu ái, dung túng cho doanh nghiệp được giao đất làm dự án phân lô, bán nền ở Bình Dương cần nghiên cứu kỹ để một mặt cảnh báo, tạo môi trường bình đẳng để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; một mặt làm cơ sở cho việc nâng cao năng lực quản lý của cán bộ địa phương, cũng như từng bước làm trong sạch bộ máy, minh bạch nguồn ngân sách.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vu-thau-tom-dat-o-binh-duong-mot-minh-ba-huong-khong-the-lam-tat-ca-ai-dung-sau-d77859.html

Bạn đang đọc bài viết Vụ 'thâu tóm' đất ở Bình Dương: Một mình bà Hường không thể làm tất cả, ai đứng sau? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự