Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng ngày 16.6, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, theo ông Ninh, hiện nay, Bộ Xây dựng đang xây dựng để trình Chính phủ về cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp.
Nếu được Chính phủ ban hành, cơ chế chính sách này sẽ giúp mở rộng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp tại đô thị.
Cụ thể, dự thảo đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở thương mại giá thấp: Căn hộ dưới 70 m2, giá bán trên dưới 20 triệu đồng/m2… Như vậy, mỗi căn hội 50 – 60 m2 chỉ khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/căn; hoặc căn 70 m2 chỉ tối đa khoảng 1,4 tỉ đồng/căn... Nếu được Chính phủ ban hành cơ chế này thì sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nhà cho người nghèo, thu nhập thấp ở đô thị.
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cung cấp cho báo chí tại cuộc họp báo, đến nay vẫn tiếp tục có sự mất cân đối trong quan hệ cung – cầu bất động sản. Cụ thể, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa khoảng 70 – 100 triệu m2 sàn, nhưng lại đang thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) hiện chỉ chiếm 20 – 30%, tùy từng địa phương, đô thị cụ thể, nhưng nhu cầu về phân khúc nhà hở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 – 80% thị trường.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện đang thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội. Hiện có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng hơn 8,4 triệu m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn. Riêng trong năm 2019, đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 4.110 căn hộ.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, có chuyện giá nhà ở xã hội có những nơi cao hơn nhà ở thương mại, và điều này xảy ra là do thị trường bất động sản cạnh tranh khốc liệt, nhiều dự án thương mại giảm giá, chấp nhận không có lãi, thậm chí lỗ.
Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn cứng nhắc tính toán mức lợi nhuận ở mức 10%, chưa thích nghi với biến động của thị trường. Một điểm nữa là do nguồn cung nhà ở xã hội không có, dẫn đến các dự án bị đẩy giá.
“Số lượng người có nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn, trong khi nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp lại rất hạn chế, khiến giá bị đẩy lên. Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về giá bán loại nhà ở này”, ông Cường cho hay.
“Với cơ chế hiện nay, giá nhà ở xã hội tăng lên là điều khó tránh khỏi. Bởi ngoài chi phí có thể kiểm đếm được, còn nhiều chi phí khó nói khác, nên giá nhà ở xã hội cao là điều dễ hiểu. Nếu như không có chính sách đột phá, khó có thể giải quyết được bài toán phát triển nhà ở xã hội. Thậm chí, sẽ xuất hiện nghịch lý là ở nhà xã hội nhưng đi xe hơi như tại nhiều dự án hiện nay”, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ