Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Tiếp tục quản lý chặt biện pháp thuế với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số

vietq 10:23 24/01/2022

Năm 2022, ngành Thuế sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Ngành Thuế đang thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới tính từ năm 2018 đến hết tháng 10/2021, với tổng số tiền là 4.263,82 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như: Facebook là 1.641,75 tỷ đồng; Google 1.573,24 tỷ đồng; Microsoft 560,67 tỷ đồng.

Trong đó, năm 2020 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 1.143,8 tỷ đồng. Còn trong 10 tháng năm 2021, số thu đạt hơn 1.181 tỷ đồng, bằng 103,3% năm 2020.

Đáng chú ý, ngoài các công ty, tập đoàn lớn, số cá nhân có thu nhập cao từ việc cung cấp dịch vụ trên các trang mạng xã hội ngày càng tăng. Theo Tổng cục Thuế, nhóm cá nhân có thu nhập lớn từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến; cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; bán hàng online...) đã kê khai, nộp thuế với số thu tính đến tháng 10/2021, là 498 tỷ đồng.

Hoạt động Livestream bán hàng sẽ là đối tượng bị ngành thuế "quan tâm"

Trong số cá nhân có doanh thu cao, có trường hợp doanh thu 105 tỷ đồng, số thuế và tiền chậm nộp đã nộp ngân sách năm 2021 là 11 tỷ đồng; một cá nhân khác sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo 330 tỷ đồng, số thuế đã nộp năm 2020 là 23,4 tỷ đồng; một cá nhân khác có thu nhập 260 tỷ đồng với số thuế đã nộp năm 2020 là 18,1 tỷ đồng...

Số cá nhân có thu nhập cao từ hoạt động này tập trung chủ yếu ở các Cục Thuế lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Một số tỉnh cũng đã triển khai và bước đầu đạt được kết quả như: Bình Định, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Hưng Yên, Hà Nam.

Để quản lý thuế đối với các dịch vụ xuyên biên giới, Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình xúc tiến hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm về quản lý thuế quốc tế đối với hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới bao gồm: xây dựng kế hoạch hợp tác chống gian lận thuế quốc tế thông qua việc trao đổi thông tin về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới; xây dựng kế hoạch tham gia đàm phán, ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương về phân bổ lợi nhuận đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới; xây dựng chương trình, dự án đề nghị hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý thuế tại Việt Nam thông qua kinh nghiệm quốc tế.

Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng ký kết với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt với Bộ Công an, Bộ Tài chính đang xây dựng chương trình làm việc để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế, bao gồm các nội dung: dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới; kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để củng cố dữ liệu đăng ký thuế, đảm bảo xác định được chính xác các cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT.

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho hay, Cục Thuế thành phố đã nhận diện 5 nhóm kinh doanh thương mại điện tử để triển khai các biện pháp quản lý thuế trong thời gian tới. Nhóm thứ nhất là nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook,…; nhóm kinh doanh bán hàng online; nhóm tiếp theo là kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng.

Đối với nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài, ngành thuế Hà Nội đã thu thập và quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức với số tiền chi trả khoảng 46 tỉ đồng, dự kiến số thuế phải nộp là 4,6 tỉ đồng.

Nhóm cuối cùng là doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee..., điều hành các ứng dụng (App) trung gian thanh toán, App trung gian vận chuyển. Cục Thuế TP.Hà Nội đã hoàn thành thanh kiểm tra tại 6 doanh nghiệp, với tổng số tiền truy thu, phạt 1,9 tỉ đồng; giảm lỗ 66 tỉ đồng.

Riêng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang xây dựng chương trình triển khai quy định của Luật Quản lý số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc cung cấp thông tin cho công tác thanh tra, kiểm tra và cưỡng chế nợ thuế; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam…

Năm 2022, ngành Thuế sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh dựa trên nền tảng số để có đề xuất xây dựng chính sách phù hợp về tỷ lệ thu, quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời, cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối với hoạt động này.

Link gốc : https://vietq.vn/nam-2022-se-tiep-tuc-cac-bien-phap-thue-voi-hoat-dong-kinh-doanh-tren-nen-tang-so-d196524.html

Bạn đang đọc bài viết Tiếp tục quản lý chặt biện pháp thuế với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước