Trước thông tin phá dỡ giai đoạn 2 phần sai phạm công trình 8B Lê Trực khi chưa có phương án phá dỡ cụ thể, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Nguyên tắc trước khi thực hiện công việc gì cũng phải có phương án và phương án đó phải được cấp thẩm quyền thẩm tra, thẩm duyệt, chứ không phải ngang nhiên anh muốn làm gì thì làm. Bởi có phương án tháo dỡ nó mới có thể loại bỏ được những nguy cơ bất lợi có thể xảy ra.
Chuyên gia lo ngại có thương vong khi phá dỡ mà chưa có phương án
Phía quận Ba Đình cho biết, việc tháo dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực đã xong các thủ tục liên quan. Nguồn kinh phí tạm tính để phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực vào khoảng 17 tỷ đồng, tạm ứng từ ngân sách quận. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, việc phá dỡ hiện nay mới chỉ có biện pháp thi công ban đầu chứ chưa có phương án phá dỡ cụ thể. Chính điều này đã gây những hoang mang lo ngại cho người dân, bởi nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, nếu tiếp tục phá dỡ giai đoạn 2.
PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng) (Ảnh: TL). |
Trao đổi với PV, PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc xử lý sai phạm công trình 8B Lê Trực, về mặt kỹ thuật phải tìm hiểu hệ kết cấu cũ để chọn giải pháp cho phù hợp, bây giờ phải nghiên cứu thiết kế và nghiên cứu hồ sơ hoàn công của công trình. Nếu không hiểu kết cấu công trình đang tồn tại, khi can thiệp vào nó có thể gây ảnh hưởng, dẫn đến hậu quả không lường trước được.
PGS.TS Trần Chủng cũng cho biết, căn cứ sơ đồ kết cấu của toà nhà này, nếu can thiệp vào tầng 17, 18 là can thiệp trực tiếp vào thay đổi của kết cấu. Vì ở sàn mái tầng 18 có hệ thống kết cấu dầm treo rất lớn. Ở tầng 3 có dầm gánh cao 2,5m và tầng 17 có dầm cao 1,8m. Bỏ dầm đó đi thì phải xem xét thiết kế của những dầm treo ấy như thế nào. Tất cả đều phải làm những giải pháp về kỹ thuật chứ không phải cứ cắt bỏ là cắt bỏ.
“Đây là vấn đề kỹ thuật phức tạp bởi nếu can thiệp tầng 17, 18 dầm chuyển ở tầng 3 còn lại không đủ để gánh các tầng còn lại”, PGS.TS Trần Chủng cũng cho biết.
Ông cũng đưa những con số lý giải cụ thể, giả sử tải trọng dầm chuyển ở tầng 3 gánh 60% còn 40% là phần dầm ở tầng 17,18 bây giờ phá bỏ tầng 17,18 thì phải nghiên cứu phương pháp thay thế phần dầm đó ra sao.
“Nguyên tắc trước khi thực hiện công việc gì cũng phải có phương án và phương án phải có cấp thẩm quyền thẩm tra, thẩm duyệt, chứ không phải ngang nhiên anh muốn làm gì thì làm. Bởi có phương án tháo dỡ nó mới có thể loại bỏ được những nguy cơ bất lợi có thể xảy ra”, PGS.TS Trần Chủng khẳng định.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cũng bày tỏ: “Việc phá dỡ cần phải có phương án, phương án đó phải được các cơ quan chuyên môn của thành phố thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thì mới được làm”.
Trước đó, Nhà tư vấn thiết kế Công ty Tư vấn Đại học Xây dựng do UBND quận Ba Đình và Sở Xây dựng thuê đã phân tích, việc phá dỡ kết cấu tầng 18 nếu không gia cố cột 1.500mm có móng đến tầng sỏi cuội lên thì sẽ sập đổ cả tòa nhà; Hậu quả sẽ gây thương vong cho nhiều người, cán bộ công nhân đang làm việc tại toà nhà; Gây thương vong cho tính mạng và tài sản của các hộ dân liền kề công trình và người tham gia giao thông trên tuyến đường Trần Phú.
Nhưng việc gia cố cột nêu trên là không khả thi, không thể thực hiện được. Bởi không thể đưa thiết bị máy khoan cao 25-30m vào bên trong Tòa nhà để khoan lỗ cọc khoan nhồi xuyên qua bốn tầng hầm bê tông cốt thép, xuyên qua đài móng, khoan tiếp xuống đến độ sâu tầng.
Nhà thầu không đủ năng lực?
Mới đây, lo ngại việc phá dỡ khi chưa có phương án gây mất an toàn, đặc biệt là việc chỉ định thầu đơn vị thi công tháo dỡ khi không đảm bảo năng lực là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng dân dụng Bắc Nam, các hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực tiếp tục gửi đơn kêu cứu khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng.
Nội dung đơn nêu rõ: “Việc các cơ quan chức năng chỉ định một nhà thầu chưa đủ năng lực lập phương án phá dỡ nhưng chỉ đưa ra kế hoạch tháo dỡ kính, sàn nhà, mạng lưới điện nước… sau đó mới nghiên cứu phá kết cấu chịu lực. Một phương án mù mờ như vậy có đảm bảo tính khoa học và đảm bảo an toàn công trình hay không? Người mua nhà sẽ phải chờ đợi đến bao giờ?”.
-- |
Đơn kêu cứu của các hộ dân mua nhà. |
Các hộ dân cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội dừng phá dỡ giai đoạn 2 vì chưa đủ hồ sơ pháp lý, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ đúng, sai để đưa ra phương án xử lý dứt điểm đối với công trình này.
Theo tìm hiểu được biết, ngày 21/4, UBND Quận Ba Đình có Công văn hỏa tốc gửi UBND Thành phố Hà Nội. Theo đó, Công văn số 607/ UBND-QLĐT về xử lý giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực kiến nghị thành phố cho phép UBND quận Ba Đình cho phép chỉ định thầu đơn vị thi công tháo dỡ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng dân dụng Bắc Nam; Giao các Sở: Xây dựng, Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính phối hợp hướng dẫn quận Ba Đình trong quá trình thi công tháo dỡ, tạm ứng quyết toán chi phí tháo dỡ công trình.
Ngày 24/4, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và giao các Sở này xem xét, hướng dẫn; có Văn bản báo cáo UBND thành phố trước ngày 5/5/2020.
Như vậy, đến thời điểm này, UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa có văn bản đồng ý chính thức về việc chỉ định thầu đơn vị thi công tháo dỡ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng dân dụng Bắc Nam. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Tạ Nam Chiến -Chủ tịch UBND quận Ba Đình lại khẳng định: “Thành phố đã cho phép chỉ định thầu rồi”.
Vậy tại sao UBND quận Ba Đình lại chỉ định thầu đơn vị thi công tháo dỡ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng dân dụng Bắc Nam, mà không phải là đơn vị khác?
“Vì hồ sơ năng lực của họ đủ, thứ hai là họ đồng ý tham gia. Cái này là họ tự nguyện, chứ quận không bắt một đơn vị nào làm được. Quận đã mời và có một vài đơn vị tham gia nhưng chỉ có đơn vị này đủ năng lực”, ông Tạ Nam Chiến trả lời.
Về việc quận Ba Đình chi 17 tỷ đồng tiền Ngân sách để thực hiện phá dỡ, ông Tạ Nam Chiến cho biết: “Hiện giai đoạn 2 đang vướng, bởi máy cắt kim cương hiện chưa có đơn giá định mức. Sau này, trong quá trình làm sẽ mời các đơn vị đến xây dựng đơn giá, sau đó mới áp tính thì mới ra kết quả chính xác được. Bây giờ cũng chỉ tạm tính là 17 tỷ cho giai đoạn 2 này thôi”.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết: “Muốn làm gì cần phải có dự toán, quản lý hết bao nhiêu, nhân công, máy móc hết bao nhiêu, di chuyển chi phí thế nào. Cái này phải qua kết quả thẩm định rồi mới làm”.
Đối với việc chỉ định thầu, PGS.TS Trần Chủng cho rằng: Theo Luật Đấu thầu, chỉ định thầu phải có chủ trương phải công khai để đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Tại Khoản 1, Điều 22, Luật Đấu thầu 2013 có quy định các trường hợp được phép chỉ định thầu đối với nhà thầu bao gồm: “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật Nhà nước…; Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo.
Vậy nếu chiểu các quy định của Nhà nước nêu trên, việc tháo dỡ sai phạm công trình 8B Lê Trực thuộc trường hợp nào? Quận Ba Đình liệu đã làm đúng các quy định pháp luật hay chưa?
Trong khi phương án phá dỡ giai đoạn 2 theo quy định cần phải được công khai, minh bạch nhất là đối với chủ đầu tư công trình và những người dân mua nhà nhưng hiện chưa ai được nhìn thấy, và chưa ai được biết về phương án này.
Cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đảm bảo quy hoạch chi tiết, an toàn công trình
Việc xử lý sai phạm công trình 8B Lê Trực đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội hôm 20/04 mới đây, theo đó: “…đảm bảo quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, đảm bảo quyền lợi đúng mức cho nhà đầu tư…”.
Cẩu tháp được đưa đến trong đêm 22/4 trước sự bất ngờ của các hộ dân. |
Tuy nhiên, hiện các ngành chức năng chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo này. Đặc biệt khi dự án đã có Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 với quy mô cao 20 tầng và chiều cao công trình là 70m và thuộc diện miễn cấp phép xây dựng; Việc xử lý trật tự xây dựng và thực hiện phá dỡ lại căn cứ vào giấy phép xây dựng cấp 18 tầng và cao 53m (cấp phép thiếu tới 10m), sai với Quy hoạch xây dựng chi tiết, sai với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đảm bảo quy hoạch chi tiết khu vục này. Việc lấy điểm cao 53m của giấy phép để cưỡng chế phá dỡ “thừa đâu, chặt đấy” là không có cơ sở pháp lý, và cũng không đảm bảo an toàn vì có nguy cao về tỷ lệ thương vong.
UBND thành phố Hà Nội, quận Ba Đình cần xem xét việc phá dỡ để xác định rõ các vấn đề trên. Bởi việc chỉ định thầu sai luật có thể gây hậu quả nghiêm trọng, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị xử lý hình sự theo Luật.
Theo Minh Châu/báo Xây Dựng