Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Nước Ý từ cơn ác mộng thành 'hình mẫu' chống dịch Covid-19

DTVN 09:39 07/08/2020

Khi Covid-19 lây lan tại phương Tây, Ý đã rơi vào một tình cảnh ác mộng. Quốc gia này trong phút chốc trở thành tâm dịch của "lục địa già", là nơi cả thế giới muốn tránh xa

Khi Covid-19 lây lan tại phương Tây, Ý đã rơi vào một tình cảnh ác mộng. Quốc gia này trong phút chốc trở thành tâm dịch của "lục địa già", là nơi cả thế giới muốn tránh xa, và là ví dụ điển hình cho thấy những gì sẽ xảy ra khi dịch bệnh trở nên mất kiểm soát.

"Nhìn vào những gì đang xảy ra ở Ý đi," - Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói như vậy vào ngày 17/3. "Chúng ta không muốn rơi vào tình cảnh như thế." Joseph R. Biden Jr. - ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ thì viện dẫn Ý để thể hiện quan điểm về chính sách y tế khi ra tranh cử.

Sau đó vài tháng, Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới, với số ca tử vong nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Tại châu Âu, những nước từng một thời nhìn Ý bằng một ánh mắt ái ngại, giờ phải hứng chịu các đợt dịch mới bùng lên. Một số nước phải tái siết chặt, và cân nhắc tiếp tục phong tỏa lần nữa.

Nước Ý đã chuyển mình, từ một thảm họa thành hình mẫu chống dịch của toàn cầu. Dù vẫn chưa hoàn hảo, nhưng đây vẫn là một bài học cho nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ - nơi chưa khi nào thực sự kiểm soát được dịch bệnh.

Sau khởi đầu hết sức chật vật cùng nhiều mất mát đau thương, nước Ý đã thu được "quả ngọt" từ quá trình phong tỏa toàn quốc. Trong tuần qua, Quốc hội Ý đã biểu quyết kéo dài quyền lực khẩn cấp của chính phủ, sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte cho rằng cả nước chưa thể mất cảnh giác vì dịch bệnh vẫn còn đó. Quyết định này cho phép Chính phủ Ý tiếp tục duy trì lệnh hạn chế và phản ứng nhanh chóng hơn - bao gồm lệnh phong tỏa với bất kỳ ổ dịch mới nào.

"Tình hình vẫn còn rất phức tạp tại Pháp, Tây Ban Nha hay xung quanh dãy Balkan, cho thấy virus vẫn chưa chấm dứt," - trích lời Ranieri Guerra, trợ lý Tổng giám đốc về sáng kiến chiến lược tại WHO (Tổ chức Y tế Thế giới). "Dịch bệnh có thể quay lại bất kỳ lúc nào."

Không thể phủ nhận rằng việc duy trì lệnh phong tỏa sẽ phải đánh đổi bằng kinh tế. Trong 3 tháng qua, doanh nghiệp và các nhà hàng buộc phải đóng cửa, việc di chuyển giữa các thành phố, khu vực bị hạn chế tối đa, trong khi du lịch gần như tắt ngấm. Ý dự tính sẽ mất khoảng 10% GDP trong năm nay.

Nhưng khi mối đe dọa từ virus trở nên không thể kiểm soát, nhà chức trách Ý đã quyết định sẽ đặt tính mạng của người dân lên trên kinh tế. "Sức khỏe của người Ý sẽ luôn được ưu tiên," - ông Conte phát biểu.

Hiện tại, nhà chức trách đang hy vọng rằng những gì tồi tệ nhất đã qua, và đất nước giờ đã đủ an toàn để trở lại cuộc sống bình thường, dù còn cần nhiều hạn chế. Theo đó, cách duy nhất để khởi động lại nền kinh tế là tiếp tục kiểm soát virus, ngay cả lúc này.

Ban đầu, Ý cách ly một số thị trấn, sau đó là toàn bộ vùng Lombardy phía Bắc, rồi cuối cùng là phong tỏa toàn quốc, bất chấp việc virus vẫn chưa xuất hiện ở miền Trung và miền Nam Ý. Điều này ngăn cản lao động tràn về phía Nam - nơi kém phát triển hơn, làm giảm nguy cơ dịch bệnh lan rộng, và áp đặt được phản ứng toàn diện trên cả nước.

Sau thời điểm ác mộng với số ca nhiễm và tỉ lệ tử vong tăng mạnh, việc duy trì đóng cửa đã giúp tỷ lệ lây lan giảm đi nhanh chóng, và đường cong đồ thị cũng bị san phẳng. Điều này trái ngược hẳn với một số quốc gia theo đuổi chính sách không phong tỏa, như Thụy Điển và Anh.

Đợt dịch ban đầu được khoanh vùng trong các bệnh viện, gây ra tình trạng quá tải và khiến áp lực trở nên thật đáng sợ. Nhưng đồng thời, nó cho phép y bác sĩ truy vết dịch bệnh nhanh chóng hơn. Sau đó đất nước mở cửa trở lại một cách từ từ, tạo ra một độ trễ khoảng 2 tuần để có thể phản ứng với các ca ủ bệnh.

Hiệu quả thứ 2 của lệnh phong tỏa đã xuất hiện, với việc làm giảm được khả năng virus lưu hành trong xã hội, qua đó giảm được tỉ lệ tiếp xúc với người bệnh. Khi lệnh phong tỏa chấm dứt, sự lưu hành của virus gần như bị loại bỏ tại miền Trung và miền Nam nước Ý, gần như không có bất kỳ ca nhiễm trong cộng đồng nào nữa.

Một số bác sĩ Ý tin rằng virus đang có phản ứng khác biệt tại Ý. Như Matteo Bassetti - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Genoa, ông cho biết bệnh viện của mình từng phải đối mặt với 500 ca nhiễm một lúc vào lúc cao điểm của dịch bệnh. Còn giờ, toàn bộ khoa chăm sóc tích cực 50 giường của bệnh viện sạch bóng bệnh nhân. 60 giường được lắp đặt khẩn cấp giờ cũng... chẳng để làm gì.

Bassetti tin rằng virus hiện tại đã yếu hơn. Quan điểm này chưa được chứng minh - ông hiểu điều đó, nhưng một số chính trị gia như ông Salvini đang muốn thúc đẩy nó để tiến hành tái mở cửa nền kinh tế.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nuoc-y-tu-con-ac-mong-thanh-hinh-mau-chong-dich-covid-19-d80334.html

Bạn đang đọc bài viết Nước Ý từ cơn ác mộng thành 'hình mẫu' chống dịch Covid-19 tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế