Tăng trưởng tích cực
3 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 279.045 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,7%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 156.506 tỷ đồng, tăng 12,0% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,0%), chiếm tỷ trọng 56,09% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; trong đó, doanh thu bán lẻ hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng trƣởng khá trong quý I như lương thực, thực phẩm (tăng 10,9%); Hàng may mặc (tăng 12,2%); Đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 7,9%); Ôtôcác loại (tăng 11,5%)…
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hoạt động thương mại tăng một phần do các doanh nghiệp đã rất coi trọng thị trường trong nước. Trên thực tế, trong quá trình thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của thành phố, doanh số bán lẻ hàng hoá luôn tăng chứ không giảm dù doanh thu dịch vụ có sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh.
Có thể thấy thị trường trong nước đã trở thành cứu cánh không chỉ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại mà còn của cả các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp kết quả đo lường chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), quý 1 đã có sự tăng trưởng tương đối ấn tượng so với năm 2020. Trong các ngành công nghiệp chỉ có hoá cao su nhựa giảm so với cùng kỳ do việc tiêu thụ các mặt hàng tiêu thụ cho công tác phòng chống dịch giảm so với giai đoạn trước nhưng nhìn chung quy mô tổng thể của ngành công nghiệp vẫn tăng
"Để có kết quả như trên bên cạnh các giải pháp đồng bộ về cải thiện môi trường đầu tư về quỹ đất, nguồn vốn, các doanh nghiệp sản xuất cũng đã thể hiện năng lực của mình trong việc khai thác thị trường nội địa để duy trì tốt hoạt động sản xuất của mình.", lãnh đạo Sở Công Thương nhận định.
Nhiều hoạt động kích cầu thị trường
Thông tin về các hoạt động để kích cầu tiêu dùng thị trường trong thời gian tới, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, ngành Công Thương đã có sự tăng trưởng nhất định trong quý 1/2021. Tuy nhiên sự tăng trưởng chỉ là tín hiệu ban đầu vì vậy còn rất nhiều việc cần làm để xúc tiến hoạt động thương mại và sản xuất trên địa bàn. Trước hết là tiếp tục liên kết sâu hơn với các tỉnh thành trong chuỗi cung ứng hàng hoá và dịch vụ trong thị trường rộng lớn của thành phố bằng những liên kết đã ký kết và làm chuyên sâu hơn. Bên cạnh đó tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu để các doanh nghiệp và các tiểu thương ở các địa phương và hộ kinh doanh ở chợ đầu mối để có sự tương tác thực sự và dự báo nhu cầu thị trường của TPHCM cũng như từ TPHCM cung cấp cho thị trường cả nước.
Sở Công Thương cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động khuyến mãi bằng các thủ tục nhanh chóng, thuận lợi. Số liệu thống kê cho thấy, trong một năm Sở công thương thực hiện riêng thủ tục khuyến mãi là trên 50.000 lượt doanh nghiệp tham gia. Năm 2021 với việc ứng dụng công nghệ thông tin con số này còn tăng khoảng 10-15%
"Chúng tôi đã xin ý kiến và UBND thành phố đã đồng ý để Sở Công Thương tổ chức các hội nghị kích cầu tiêu dùng và đặc biệt là chương trình khuyến mãi tập trung của TPHCM với sự vào cuộc của hàng không, các hãng vận tải cơ sở lưu trú mua sắm tạo ra đợt tập trung cho du khách trong nước và quốc tế cũng và người dân có kênh tiếp cận hàng hoá với giá cả hợp lý và người bán sẽ có các đơn hàng lớn. Chủ trương này sẽ được thực hiện trong năm 2021 cũng giống như các thành phố trong khu vực như Sinhgapore, Bangkok có các mùa khuyến mãi rất ấn tượng. TPHCM sẽ từng bước học hỏi để có thể trở thành trung tâm mua sắm lớn của cả nước và khu vực.
Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, các hoạt động kích cầu đầu tư mở rộng quỹ đất sản xuất nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp tổng thể mà chúng tôi thực hiện cho cả khu vực thương mại, công nghiệp và xuất nhập khẩu”, ông Vũ cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, năm 2021, ngành bán lẻ của thành phố kỳ vọng tăng trưởng 2 con số trong đó thương mại điện tử tiếp tục là điểm sáng của thương mại trên địa bàn.
Việc phát triển thương mại sẽ đi đôi với công tác quản lý thị trường đặc biệt trong môi trường kinh doanh trên mạng. Sở Công Thương đã có ký kết liên tịch với cơ quan quản lý thị trường để giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng thường xuyên thu thập các thông tin về các hành vi lừa đảo người tiêu dùng qua hoạt động kinh doanh trên mạng từ đó phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt. Trên thực tế, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý được một số trường hợp vi phạm của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Kinh tế Chứng khoán