Quảng cáo mỹ phẩm như thuốc điều trị
Vừa qua, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ) nhận được phản ánh về việc hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm do Công ty Lycosme Việt Nam kinh doanh trên trang website https://lycosme.com.vn/ có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng? Cụ thể, tại trang web kinh doanh nêu trên, PV nhận thấy rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm được giới thiệu có khả năng trị nám, trị mụn, làm trắng da…
Cụ thể, nổi bật nhất là những bộ sản phẩm mỹ phẩm có thương hiệu SNLICLE quảng cáo có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan, được giới thiệu là thương hiệu tiên phong trong việc nghiên cứu ra các sản phẩm chăm sóc da từ các loại thực vật nguyên sinh: “Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp, Tập đoàn mỹ phẩm đông y cao cấp LIANG BANG SU hy vọng sẽ giúp được các chị em phụ nữ châu Á có làn da mịn màng, trẻ mãi với thời gian. Dòng sản phẩm trị nám được chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên”.
Một bộ sản phẩm mỹ phẩm nhưng được Lycosme quảng cáo như thuốc điều trị |
Bộ sản phẩm thương hiệu SNLICE gồm: Sữa rửa mặt trị nám 3V Hydrating, kem trị nám 3V Hydrating; Serum trị nám 3V Hydrating; Nước hoa hồng trị nám 3V Hydrating... tất đều được giới thiệu với công dụng thần thánh như: Các sản phẩm trong dòng sản phẩm trị nám bổ sung lẫn nhau, đạt hiểu quả tốt nhất, chăm sóc da mặt toàn diện, da trắng sạch không tì vết, da có thể tự loại bỏ những sắc tố đen qua quá trình loại bỏ da chết, giúp da khoẻ mạnh, mềm mại, sáng mịn hơn, che phủ mọi khuyết điểm, làm sạch sâu, xóa tàn nhang, làm da trắng mịn không tì vết...
Ngoài những thông tin nêu trên, website lycosme.com.vn không công bố thêm giấy tờ nào khác chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Và nếu người tiêu dùng chỉ tin vào những lời giới thiệu “hoa mỹ” trên thì rất có thể lầm tưởng bộ sản phẩm mỹ phẩm trên như loại thuốc điều trị các bệnh lý về da.
Được biết, theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, sản phẩm mỹ phẩm chỉ có tác dụng hỗ trợ làm đẹp da chứ không có tác dụng điều trị các bệnh về da như mụn, nám, tàn nhang. Như vậy, bộ sản phẩm mang thương hiệu SNLICE đang bán trên website nêu trên quảng cáo cam kết tính hiệu quả của sản phẩm như thuốc điều trị bệnh về da phải chăng là đang lừa dối người dùng và che giấu công dụng thật?
Cần xử lý nghiêm
Việc quảng cáo mỹ phẩm thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi gian dối, đồng thời vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm. Cũng cần nói thêm, quá trình xác minh tại website https://lycosme.com.vn/, PV nhận thấy trang web này có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật khác khi không đăng ký kinh doanh thương mại điện tử với Bộ Công Thương.
Để có thông tin khách quan, PV đã liên hệ với bà Đinh Thiên Lý - Tổng Giám đốc Công ty Lycosme Việt Nam. Qua trao đổi, bà Lý phủ nhận thông tin PV cung cấp và khẳng định: “Bên mình không bán mỹ phẩm”.
Cần bổ sung thêm rằng Công ty Lycosme không sản xuất mỹ phẩm nhưng là đại lý phân phối, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm của nhiều đơn vị sản xuất khác. Cùng thời điểm đó, nhân viên của công ty này lại cho biết, công ty vẫn đang bán mỹ phẩm và website lycosme.com.vn là web chính thức của Công ty Lycosme Việt Nam. Vậy, vì sao cùng thời điểm nhưng lại có 2 khẳng định khác nhau?
Lycosme có "nói một đằng làm một nẻo" khi đi ngược lại với tuyên ngôn của mình? |
Theo Luật sư Lâm Quang Ngọc, Văn phòng luật sư Hùng Phúc, Thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm quy định: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Trên thực tế, việc Công ty Lycosme Việt Nam sử dụng các cụm từ có dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo không phải là "chiêu" mới để thu hút khách hàng. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dấu hiệu vi phạm nói trên để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!