Thịt lợn được giết mổ, chuẩn bị cung ứng ra thị trường tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN) |
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết số lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi trên cả nước đã giảm mạnh từ tháng Sáu đến nay.
Cụ thể, tháng Năm năm nay, đỉnh điểm dịch cả nước đã tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn, sau đó đã có chiều hướng giảm mạnh (tháng Chín vừa qua tiêu hủy gần 679.000 con lợn, giảm 46,6% so với tháng Năm năm nay)
Dự báo đến hết tháng 10 này, khoảng 500.000 con lợn buộc phải tiêu hủy, giảm 26% so với tháng Tám vừa qua và giảm 60,7% so với tháng Năm.
Về nguyên nhân giảm, ông Long cho biết do giai đoạn đầu, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lợn bị bệnh đã được xử lý tiêu hủy, nhất là tại các tỉnh phía Bắc có mật độ chăn nuôi cao.
Các hộ chăn nuôi hiện nay đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, nhất là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.
Bên cạnh đó, là có sự điều chỉnh và chỉ xử lý tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết và lợn dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn khỏe mạnh cho phép tiếp tục theo dõi, hoặc lấy mẫu xét nghiệm âm tính, được phép giết mổ, tiêu thụ tại địa bàn có dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Long, lũy kế từ đầu tháng Hai năm nay đến ngày 15/10 vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 8.200 xã thuộc hơn 650 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 5,6 triệu con với tổng trọng lượng hơn 320.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng lợn của cả nước.
Hiện có 3.591 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày. Có 4.632 xã thuộc 606 huyện của 63 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.
Hiện nay có 10 tỉnh, thành phố có trên 80% số xã đã qua 30 ngày không có bệnh dịch tả lợn châu Phi như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn La, Cao Bằng và Bắc Giang. Đặc biệt, Hưng Yên đang tiến hành các thủ tục công bố trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Long, hiện cả nước có trên 2.000 xã chưa bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, các các xã này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị bệnh dịch nếu không tổ chức chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Do chưa có thuốc điều trị và vắcxin phòng bệnh, virus tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát nên nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan.
Nguy cơ lây lan theo 3 hướng: lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày; có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tập trung các nguồn lực hỗ trợ các các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và theo khuyến cáo của Tổ chức sức khỏe động vật Thế giới (OIE) để tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Đến nay, toàn quốc có 28 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 129 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.642 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp trang trại.
Cụ thể, đối với gia cầm có Công ty Phú Gia tại Thanh Hóa, Công ty Koyu Uniteck tại Đồng Nai, Công ty C.P Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Phước...; đối với lợn có Công ty GreenFeed tại Bình Thuận, Masan tại Nghệ An.
Theo báo cáo cập nhật đến ngày 10/10 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) và OIE, từ cuối năm 2018 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc phải tiêu hủy hàng chục triệu con lợn.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay đang diễn ra tại 10 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á và Liên bang Nga.
Ngoài dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, cả nước không có dịch bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh, có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum./.