Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vì không có chứng từ nhập khẩu, phiếu gửi hàng không được xem là một loại chứng từ nhập khẩu do hàng hóa không kê khai qua hải quan nên về bản chất hàng xách tay là hàng nhập lậu, hàng trốn thuế.

Mặc dù khách hàng phải đối diện với nhiều rủi ro về chất lượng, quyền lợi bảo hành khi mua hàng xách tay… tuy nhiên những mặt hàng xách tay vẫn có “đất sống” bởi ưu thế về giá rẻ hơn so với mặt hàng được phân phối chính hãng và có nhiều mẫu mã “độc, lạ”, phong phú hơn.

Để giảm thất thu thuế cho nhà nước, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trước đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an xác lập các chuyên án để đấu tranh, triệt phá các đường dây lợi dụng chính sách đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để buôn lậu hàng hóa tại các cửa khẩu sân bay quốc tế đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động kinh doanh hàng hóa gắn mác “xách tay”, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Ghi nhận của PV trên địa bàn Hà Nội những mặt hàng xách tay vẫn được rao bán trên mạng thậm chí là bày bán công khai với nhiều mẫu mã, sản phẩm đa dạng, phong phú để chèo kéo khách hàng.

Tại Website http://thinhmobile.com hiện đang công khai rao bán nhiều siêu phẩm điện thoại xách tay đang “hot” trên thị trường. Đáng chú ý là dòng S20 Ultra của gã khổng lồ Samsung phiên bản Hàn, Mỹ đang được nhiều người dùng ưa chuộng, săn đón vì có dung lượng lớn 256GB, dòng chip SnapDragon 865 (thay vì 128GB/Chip Exynos 990 cho phiên bản tại thị trường Việt Nam).

Tại Website của cửa hàng ThinhMobile đang rao bán một sản phẩm điện thoại di động xách tay phiên bản Hàn Quốc với giá hơn 21 triệu đồng

Gọi điện vào số 0963.752.xxx được ghi trên Website, tại cuộc nói chuyện nhân viên nam tư vấn khẳng định sản phẩm khách hàng quan tâm là hàng xách tay chính hãng, đầy đủ phụ kiện, hộp điện thoại, theo nhân viên cửa hàng, mặt hàng này “chưa active”. Nếu khách hàng ưng thuận sẽ trực tiếp đến cửa hàng để xuống tiền lấy máy.

Cửa hàng ThinhMobile tại số 96 Nguyễn Ngọc Nại, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, qua quan sát, các gian kệ chỉ bày các “xác” hộp điện thoại khá sơ sài.

Bên trong cửa hàng ThinhMobile chỉ bày xác hộp điện thoại, phần “lõi” được tập kết ở kho gần đó tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng

Nhân viên cửa hàng giải thích tại cửa hàng chỉ trưng bày vỏ hộp, còn phần “lõi” sẽ được tập kết ở kho hàng gần đó. Khi khách hàng đồng ý đặt tiền mua thì sẽ cho nhân viên kiểm tra máy rồi mới mang máy qua cửa hàng chứ không bày bán trực tiếp.

Nhân viên này cũng thừa nhận sản phẩm dòng điện thoại khách hàng đang quan tâm là bản xách tay Hàn Quốc, và vì không đóng thuế nên không thể xuất được hóa đơn đỏ (VAT) cho khách hàng, thay vào đó chỉ xuất hóa đơn bên cửa hàng. Đây cũng là lý do mà cửa hàng không “dám” bày bán sản phẩm điện thoại tại cửa hàng vì sẽ bị lượng chức năng sẽ kiểm tra, xử phạt.

Vì là hàng xách tay không đóng thuế nên cửa hàng chỉ có thể xuất cho khách hóa đơn của cửa hàng

Thắc mắc trường hợp bị cơ quan quản lý thị trường vào kiểm tra, nhân viên hồn nhiên nói “Anh chủ cửa hàng em có quen biết nên không lo. Làm lĩnh vực kinh doanh điện thoại kiểu này không quen biết sẽ rất khó để làm ăn”.

Được biết, ngoài chi nhánh Hà Nội, cửa hàng còn có ba chi nhánh khác nằm tại các tỉnh thành như Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh.

ThinhMobile đã kinh doanh mặt hàng xách tay từ nhiều năm nay nhưng điều lạ là dù rao bán công khai mặt hàng có dấu hiệu nhập lậu nhưng không bị đơn vị quản lý thị trường tại khu vực kiểm tra, xử lý khiến dư luận nghi vấn có hay không việc tiếp tay, “bảo kê” của lực lượng chức năng!?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Nhóm PV/SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ha-noi-nup-bong-hang-xach-tay-de-kinh-doanh-tron-thue-d76169.html

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: “Núp bóng” hàng xách tay để kinh doanh trốn thuế? tại chuyên mục Tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng