Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Nghịch lý của Hà Nội nhìn từ câu chuyện 'biến' bãi đỗ xe thành nhà cao tầng

Mai Hương(T/H) 09:16 20/05/2020

Không ít khu đô thị trên địa bàn Hà Nội “vỡ trận” vì không có bãi gửi xe ô tô. Thế nhưng Hà Nội đã cho điều chỉnh những khu đất vốn là bãi đỗ xe sang xây dựng nhà cao tầng, đây có phải nghịch lý?

Hà Nội “vỡ trận” vì không có bãi gửi xe, dự án nhà để xe lại thành...nhà ở thương mại

Từ những năm 2010, TP Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ hiện đại và bãi xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án bãi đỗ xe vẫn đang “nằm trên giấy”.

Không ít khu đô thị trên địa bàn Hà Nội “vỡ trận” vì không có bãi gửi xe ô tô.

Còn nhớ gần đây, khi TP Hà Nội đồng ý chủ trương xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), giao cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ theo hình thức xén 1,45 ha (trên tổng số 10 ha) công viên để xây hai tầng hầm đỗ xe, một hầm thương mại dịch vụ và một tòa nhà nổi bên trên.

Chủ trương này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân sống chung quanh công viên Cầu Giấy. Nhiều người dân cho rằng, việc đồng ý cho một công ty tư nhân “xẻ thịt” đất công như vậy sẽ phá vỡ quy hoạch của thành phố.

Sự phản đối quyết liệt của người dân đã khiến Hà Nội phải yêu cầu nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ tạm dừng việc nghiên cứu đề xuất dự án bãi đỗ xe ngầm tại một phần phía Bắc của công viên Cầu Giấy.

Thời gian qua, không ít khu đô thị trên địa bàn Hà Nội “vỡ trận” vì không có bãi gửi xe ô tô, người dân khốn khổ vì đi xe không chỗ gửi, "bãi xe" mọc giữa đường, chiếm vỉa hè.

Trong khi đó, những khu đất từng được quy hoạch làm bãi, điểm đỗ xe nhưng lại được điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây nhà cao tầng, chung cư để bán. Mật độ ở càng tăng, bãi xe càng thiếu. Gần đây nhất chính là câu chuyện từ bãi đỗ xe cao tầng thành chung cư Golden Palace khiến dư luận bức xúc.

Dự án Khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại Lô đất C3 Lê Văn Lương vướng sai phạm trong giao đất.

Cụ thể, khu đất C3 khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính, quận Thanh Xuân có diện tích 2.408m2 nằm trong khu đất của dự án xây dựng nhà ở tái định cư Trung Hoà - Nhân Chính được Thủ tướng Chính phủ giao đất tại Quyết định 1199 năm 2000.

Chủ đầu tư ban đầu là Công ty Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội - Handico), toàn bộ kinh phí đầu tư như giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở tái định cư được thực hiện bằng ngân sách TP.

12/3/2004, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP là chủ sở hữu) làm chủ đầu tư, tổ chức nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng nhà để xe ô tô cao tầng tại ô đất C3 Trung Hoà - Nhân Chính theo quy hoạch được duyệt.

Đây là dự án xây dựng công trình công cộng Thành phố, có mục đích kinh doanh, nhằm xây dựng đồng bộ các công trình theo quy hoạch khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu đỗ xe của cư dân”, báo cáo UBND TP. Hà Nội cho biết.

Năm 2006, UBND TP Hà Nội có hai văn bản điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng công trình nhà để xe cao tầng tại khu đất C3.

Đến tháng 10/2008, UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà để xe kết hợp văn phòng tại ô đất này, chủ đầu tư là Handico. Tháng 5/2009, UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi và giao hơn 2.400 m2 đất ở khu C3 cho Handico thuê đất thực hiện dự án nhà để xe kết hợp văn phòng.

Tuy nhiên, sau đó Handico không thực hiện dự án "nhà để xe kết hợp văn phòng" mà đề xuất điều chỉnh quy hoạch sang đất xây dựng khu nhà ở dịch vụ thương mại. Sau khi được điều chỉnh quy hoạch, Tổng công ty đã lựa chọn đơn vị liên danh (2 doanh nghiệp tư nhân) thực hiện dự án, báo cáo UBND TP chấp thuận.

Cụ thể, tháng 12/2010, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận liên danh 3 đơn vị là Handico - Công ty Hoàng Cường và Công ty CP Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh làm chủ đầu tư dự án tại ô đất C3.

Đáng chú ý, sau khi được TP cho phép liên danh thực hiện dự án, nhà ở, Tổng công ty này lại đề xuất rút khỏi liên danh, bàn giao toàn bộ dự án và toàn bộ khu đất cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường toàn quyền sử dụng, xây dựng, kinh doanh.

UBND TP Hà Nội đã chấp thuận, chỉ còn Công ty Hoàng Cường làm chủ đầu tư dự án. Tháng 11/2014, UBND TP Hà Nội lại cấp giấy chứng nhận đầu tư, xác định chủ đầu tư dự án là Công ty Hoàng Cường.

Tháng 1/2015, Sở TN&MT báo cáo việc Công ty Hoàng Cường và Handico đã kí thanh lí hợp đồng, hoàn trả cho Handico chi phí đầu tư xây dựng là hơn 46 tỉ đồng. Đồng thời, Sở này đề nghị UBND TP Hà Nội thu hồi hơn 2.400 m2 đất khu C3 giao cho Công ty Hoàng Cường để thực hiện dự án đầu tư tổ hợp khu nhà ở, dịch vụ, thương mại Golden Palace.

Tuy nhiên, lúc này công trình đã xây dựng đến tầng 12. Việc này cũng được UBND TP Hà Nội chấp nhận cho “hợp thức hóa” để Công ty Hoàng Cường tiếp tục thực hiện dự án.

Đến nay có khó khăn trong việc xử lý khắc phục sai phạm, thu hồi lại đất do hiện trạng Công ty Hoàng Cường đã xây dựng xong công trình, bán nhà ở cho các hộ dân và đã ở ổn định", UBND TP nêu khó khăn trong xử lý. Cũng theo UBND TP, tại kết luận Thanh tra Chính phủ chưa có ý kiến về xử lý khắc phục các tồn tại, sai phạm của dự án.

Như vậy, từ một dự án đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân, xây dựng công trình công cộng lại "biến" thành ở thương mại và khó khắc phục sai phạm. Câu hỏi đặt ra là Hà Nội đã cho điều chỉnh những khu đất vốn là bãi đỗ xe sang xây dựng nhà cao tầng, rồi đến khi làm bãi đỗ xe lại lấy đất công viên, liệu đây có phải nghịch lý của Hà Nội?

Bãi đỗ xe 'trên giấy' không thực hiện được không phải là chuyện hiếm

Câu chuyện quy hoạch bãi đỗ xe hết lần này đến lần khác nhưng không thực hiện được ở Hà Nội không phải câu chuyện hiếm.

Hẳn bạn đọc vẫn còn nhớ vào năm 2007, Hà Nội chính thức phê duyệt cống hóa mương đoạn phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình) để làm điểm trông giữ xe. Thế nhưng, tại đây nhà hàng, quán ăn đua nhau mọc lên.

Tháng 6/2018, UBND quận Ba Đình cùng các lực lượng chức năng cưỡng chế công trình sai phạm ở dự án cống hóa mương Phan Kế Bính. Tuy nhiên, đến cuối thàng 11/2018, Nhà hàng Hải Sản Phố tọa lạc đầu phố Phan Kế Bính vẫn còn nguyên, lượng khách, xe cộ ra vào vẫn nườm nượp. Phía bên trong là bãi xe trưng biển hết chỗ, bên cạnh là quán bia Hải Xồm phần giải tỏa được sử dụng làm bãi xe của quán này.

Tháng 5/2018, UBND quận Cầu Giấy cưỡng chế đối với các cơ sở kinh doanh tại Dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ ở đường Nguyễn Khánh Toàn (Quan Hoa, Cầu Giấy). Đến nay vẫn còn công trình, cơ sở kinh doanh hoạt động, chưa thấy xây dựng bãi đỗ xe.

Ngày 30/8/2016, UBND TP Hà Nội có văn bản cho phép Công ty Cổ phần Hỗ trợ phát triển công nghệ Detech (Cty Detech) nghiên cứu lập dự án xây dựng gara đỗ xe ngầm, cây xanh kết hợp dịch vụ công cộng tại một phần đất thuộc ô quy hoạch ký hiệu D20 Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Đến ngày 3/3/2017, Sở Quy hoạch Kiến trúc có văn bản cấp phép cho Cty này nghiên cứu lập dự án trên diện tích khoảng 3392,4m2; trong đó đất đấu nối hạ tầng kỹ thuật khoảng 752,4m2, đất xây dựng công trình khoảng 2.640m2. Tuy nhiên, ghi nhận của PV, mấy năm qua, khu đất này được sử dụng để làm trường học, nhà hàng ăn uống, không thấy triển khai bãi đỗ xe.

Năm 2003, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020 với tổng diện tích là 503,32 ha. Tuy nhiên, đến nay, hàng loạt khu “đất vàng” trước đây được phê duyệt làm bãi trông giữ xe, hiện tại đã biến tướng, thay đổi công năng sử dụng như nêu ở trên.

Từng chia sẻ về câu chuyện nhức nhối trên, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ đã ý kiến trên Tiền Phong, rằng rõ ràng không có bãi đỗ xe thì người dân phải để trên vỉa hè, để dưới lòng đường và đương nhiên gây ùn tắc giao thông. Việc các bến xe chuyển đổi công năng, xuất hiện các chung cư cao tầng, nhà hàng, rõ ràng là có lợi ích nhóm.

Theo TS Thủy, Nhà nước và Hà Nội phải lựa chọn, phân công những người mới, có trách nhiệm, có nghiệp vụ quản lý vấn đề quy hoạch bến xe. Ngoài Bộ GTVT thì trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Xây dựng trong công tác quản lý cấp phép xây dựng, quy hoạch đô thị. Các cơ quan này phải quy hoạch, kiểm tra chéo nhau và cần phải coi việc xây dựng các bãi đỗ xe quan trọng như xây dựng đường giao thông bởi cho người dân chạy xe trên đường mà không bố trí điểm đỗ thì không thể được.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đây là một vấn đề thể hiện năng lực quản lý và giám sát thực hiện theo quy hoạch. “Quy hoạch phải tính cân đối tất cả, còn vì lợi ích cục bộ mà điều chỉnh là không hợp lý”, ông Nghiêm nói.

Thông thường, mỗi đô thị với dân số nén như thế này thì ít nhất phải có 3% diện tích đất dành cho bãi đỗ xe, nhưng hiện nay ở Hà Nội mới chỉ đạt được 0,3-0,4% nên nhu cầu bãi đỗ xe là rất cần thiết và là yêu cầu cấp bách. Vì vậy, ông Nghiêm khẳng định: Cần rất thận trọng khi xem xét điều chỉnh bãi đỗ xe thành các công trình có chức năng khác.

Nếu có yêu cầu cấp bách phải điều chỉnh thì phải thực hiện đúng quy trình việc điều chỉnh, phải có lý do thỏa đáng từ quy hoạch chung của khu vực hoặc đã có giải pháp nào hỗ trợ; quan trọng cần phải hỏi ý kiến đồng thuận của người dân. Thành phố cũng đã đưa ra rất nhiều cơ chế ưu tiên khi xây dựng bãi đỗ xe, vậy lý do điều chỉnh bãi đỗ xe phải là lý do cần hết sức quan tâm và phải thận trọng.

Vậy hệ lụy của việc điều chỉnh quy hoạch từ bãi đỗ xe sang xây dựng nhà cao tầng là gì?

Ông Nghiêm cho hay: “Hệ lụy là không có chỗ đỗ xe cho người dân sẽ tạo ra ách tắc, ách tắc không chỉ với khu đô thị mà còn với những khu vực xung quanh. Đồng thời, việc xây dựng khu đô thị chỉ là vì lợi ích cục bộ của chủ đầu tư mà không tính đến chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, lợi ích dài của cả thành phố. Đây rõ ràng là tầm nhìn không hợp lý”.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nghich-ly-cua-ha-noi-nhin-tu-cau-chuyen-bien-bai-do-xe-thanh-nha-cao-tang-d75984.html

Bạn đang đọc bài viết Nghịch lý của Hà Nội nhìn từ câu chuyện 'biến' bãi đỗ xe thành nhà cao tầng tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị